Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu tại một phiên tòa.
Luật sư đối tụng là cụm từ dùng để chỉ về Luật sư tham gia tố tụng với bên đối nghịch của thân chủ mình. Ví dụ, trong án hình sự, mình bào chữa cho bị cáo thì đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi cho bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự thuộc phía bị hại và ngược lại. Trong án phi hình sự như lao động hành chính, dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình… mình bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, người khởi kiện (án hành chính), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thuộc phía nguyên đơn thì Luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, bên bị kiện (án hành chính), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thuộc phía bị đơn hoặc ngược lại.
Luật sư đối nghịch nhau về địa vị tố tụng, về quan điểm tại tòa thì gọi là Luật sư đối tụng, ngoài ra khách hàng cũng gọi nhau là bên đối tụng. Cuộc đấu tranh pháp lý giữa hai bên đối tụng luôn cam go, khốc liệt, nó liên quan đến số phận pháp lý của một con người về quyền tự do, quyền nhân thân, quyền về tài sản…
Vậy thì các Luật sư vốn là bạn bè, đồng nghiệp với nhau khi ra tòa lại ở 2 bên "chiến tuyến" trên mặt trận pháp lý thì họ cư xử với nhau như thế nào? Ban đầu, khi mới vào nghề tôi cũng rất lo. Cách đây 25 năm, khi đó, tôi làm ở trụ sở chính của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tại số 19 Tràng Thi. Số Luật sư của Đoàn chưa đến 100 người, chủ yếu là các Luật sư trước đây vốn là các viên chức trong ngành tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thanh tra Chính phủ về hưu, số còn lại là những Luật sư còn đang là công chức nhà nước, các giảng viên trường đại học (theo Pháp lệnh Luật sư cũ họ vẫn đang làm việc trong cơ quan nhà nước), số ít là các Luật sư trẻ. Chúng tôi luân phiên nhau trực văn phòng theo lịch phân công của Ban Chủ nhiệm.
Ở đó, tôi thấy họ đối xử với nhau bằng thái độ quý mến một cách chân thành như không hề có vấn đề gì từng khúc mắc với nhau. Tôi biết có những Luật sư thân thiết với nhau như hình với bóng, nhưng khi ra tòa, có nhiều vụ án họ vẫn ngồi ghế đối tụng với nhau. Tôi cũng ngại không dám hỏi ai về đề tài này vì nghĩ nó có vẻ nhạy cảm, thấy lo e khi gặp đối tụng là bạn là thầy, là các Luật sư già đi trước mình thì mình sẽ cư xử ra sao đây.
Thế rồi thời gian trôi đi, việc tôi lo lắng đã đến, đó là một phiên tòa hình sự về tội “Tàng trữ tiền giả” cách đây hơn 20 năm, tôi làm người bào chữa cho bị cáo là trưởng một cửa hàng thuốc rất lớn ở phố Hàng Bài, do nhân viên thu ngân cửa hàng thu tiền bán thuốc bị trả lẫn tiền giả. Cuối ngày, kiểm tiền cô ta loại dần những tờ tiền giả ra để riêng một chỗ, lâu ngày tích dần số tiền giả lên hơn 40 triệu gồm đủ loại mệnh giá khác nhau. Chưa kịp biết xử lý số tiền này ra sao thì bị phát hiện và bị truy tố. Trưởng cửa hàng vai trò chủ mưu cầm đầu vụ việc và thủ quỹ vai trò đồng phạm. Thời đó, cách đây hơn 2 chục năm thì số tiền đến hơn 4 chục triệu là một khoản rất lớn, lại là tiền giả nên khung hình phạt cũng nặng.
Ngày khai mạc phiên tòa sơ thẩm vào đúng thời kỳ tôi đang theo học một khóa học chuyên ngành 3 tháng để có chứng chỉ. Một mặt vẫn phải hành nghề, một mặt vẫn đi học. Phiên tòa hôm đó tôi phải trốn học đi tòa thì thấy thầy của mình ngồi ghế Luật sư bào chữa cho cô thủ quỹ. Tôi nhớ đó là thầy Huyên, đang dạy môn hình sự. Một ông thầy điển trai, hiền lành, giỏi giang. Theo hồ sơ vụ án thì cả hai người đều cùng bị truy tố về một tội là “Tàng trữ tiền giả”, tôi bào chữa cho cửa hàng trưởng với vai trò chủ mưu, còn thầy thì bào chữa cho cô thủ quỹ vai trò đồng phạm nên không phải ở thế đối tụng với nhau. Nhưng hồ sơ thể hiện lời khai của hai người có vẻ xung đột nhau về quan điểm. Như vậy, giữa tôi với thầy không hẳn là đối nghịch nhưng vẫn có xung đột về quan điểm gần như ở thế đối tụng. Tôi lúng túng chào thầy, thầy gật đầu chào tôi.
Quá trình diễn biến phiên tòa, đến phần tranh tụng của Luật sư tôi là người bào chữa cho bị cáo cầm đầu nên được xét hỏi và trình bày quan điểm của mình trước thầy nên không có cơ hội được học hỏi và biết trước cách thức làm việc của thầy. Tôi trấn tĩnh và cứ "thẳng tưng" phát biểu, không e dè vì nghĩ mình là nữ, lại là học trò. Đến phần thầy phát biểu tôi cũng hơi lo, nhưng lạ thay những lời trình bày của thầy rất từ tốn và có sức thuyết phục khiến tôi không có gì để phàn nàn.
Kết thúc phiên tòa, thầy trò bắt tay chào nhau ra về trong trạng thái thoải mái. Thầy với tôi đều là thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, mỗi khi gặp đều chào nhau rất trân quý. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi về Luật sư đối tụng.
Vụ điển hình thứ 2, cách đây 15 năm tôi gặp Luật sư đối tụng trong vụ án dân sự, tôi bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn, cô em đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn trong một vụ án đòi nợ. Câu chuyện vụ án là do nguyên đơn và bị đơn đều là hai người đàn ông trí thức đã ngoài 60 tuổi. Nguyên đơn là chủ một công ty xây dựng, bị đơn là hiệu trưởng một trường cấp 3 tư thục, cả hai đều ở ở Thái Bình. Hai ông vốn là bạn học của nhau, hiệu trưởng hợp đồng với bạn học nhà thầu xây cho mình ngôi trường tư. Công trình gồm mấy dãy nhà 4-5 tầng làm lớp học và các phòng thí nghiệm, phòng hội họp và phòng hội đồng nhà trường, phòng hiệu trưởng, các phòng bộ môn… Tổng giá trị công trình gồm nhiều tỉ đồng, nhà thầu phải vay tiền ngân hàng để đầu tư xây dựng.
Thanh toán xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay. Trường xây xong vừa đi vào hoạt động thì nội bộ Ban Giám hiệu là những cổ đông có tranh chấp với nhau về cổ phần nên việc góp vốn bị vào thế bế tắc. Thế nhưng, chính ông hiệu trưởng lại đứng vai chủ đầu tư không thanh toán được tiền cho chủ thầu xây dựng. Vì tình bạn bè nên có phần nể nang dây dưa món nợ mãi vẫn chưa trả được, ông chủ thầu đành phải kiện bạn ra tòa để đòi nợ, không kiện thì hết thời hiệu (quy định là 2 năm). Ngồi phiên tòa, đối tụng với tôi là cô em Luật sư thuộc văn phòng bạn khi đó đang có bầu, gần ngày sinh nở.
Ra tòa, nhìn hai ông bạn học đều là trí thức, nguyên đơn - ông chủ thầu xây dựng thì bị bên bạn "om" vốn dẫn đến số tiền vay nợ lãi ngân hàng ngày một lên cao, bị ngân hàng thúc nợ và phạt chậm trả; bị đơn - ông hiệu trưởng thì đang đối mặt với tranh chấp cổ phần chưa thu được tiền góp vốn, khoản nợ của bạn khiến ông áy náy, thấy mình có lỗi với bạn vì lực bất tòng tâm. Nhìn hai mái đầu bạc phơ, khuôn mặt rầu rĩ, tôi thấy thương cho cả hai người bạn trí thức già.
Phiên tòa diễn ra, mỗi người đều giữ quan điểm của mình, một ông thì quyết tâm đòi trả nợ một lần cả lãi suất, một bên thì xin trả dần theo từng đợt thu học phí của học sinh và xin giảm lãi suất. Hai bên căng thẳng đến nỗi quay ra chì chiết, trách móc nhau. Phiên tòa chuẩn bị vào hồi căng thẳng thì tôi giơ tay xin tòa cho giải lao để tôi có dịp nói chuyện với bên đối tụng.
Tôi đã thành công trong việc thuyết phục được bên đối tụng và thân chủ của họ đồng ý cho thân chủ của tôi trả nợ làm 3 đợt với số tiền cụ thể, thời hạn cụ thể và Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực như một bản án để làm cơ sở giải quyết sau này cho chắc chắn. Phiên tòa kết thúc trong sự thở phào của hội đồng xét xử, đương sự và các Luật sư. Lúc ra về thấy cô em đồng nghiệp "bụng to vượt mặt" đứng đợi xe, tôi đã gọi và đưa em về nhà. Dọc đường, hai chị em cùng nói chuyện vui vẻ.
Các vụ án sau đó, gặp Luật sư đối tụng thường là chúng tôi trao đổi để xem có phương án nào giải quyết êm nhẹ hơn cho cả 2 bên. Ví dụ như án hình sự thì Luật sư động viên bị cáo tăng mức bồi thường dân sự một cách tối đa, hoặc thu xếp bồi thường dân sự ngay tại tòa để gạt hết phần dân sự về bồi thường thiệt hại ra khỏi vụ án, chỉ còn giải quyết phần hình sự thì phía bị hại do đã thỏa mãn được bồi thường và trước thái độ thành khẩn hối lỗi của bị cáo mà viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vụ án đã bớt căng thẳng, nhiều xung đột được giải tỏa nên cả hai bên cũng đỡ đi những "hận thù" để lo cuộc sống khó khăn trước mắt đang chờ, một bên thì đi tù, một bên thì thiệt hại về con người hay về sức khỏe giảm sút.
Còn nhiều vụ đối tụng chúng tôi "cởi nút" rất an toàn và vui vẻ đến ngoạn mục mà hai bên thân chủ đều cám ơn cả hai chúng tôi, không thể đưa hết ra đây vì liên quan đến đời tư khách hàng. Những vụ này chúng tôi cho rằng, cả 2 bên đều thắng và giảm áp lực cho tòa.
Đôi khi gặp Luật sư đối tụng cứng nhắc không thể hợp tác được, hai bên vẫn căng thẳng thì chúng tôi "việc ai nấy làm", căng thẳng gay gắt, quyết liệt tại phiên tòa. Vì quyền lợi của khách hàng, vì danh dự uy tín của người Luật sư, chúng tôi cứ làm đúng trách nhiệm của mình một cách vô tư theo nguyên tắc độc lập, khách quan, tuân theo đúng pháp luật. Để tránh nghi ngờ của khách hàng cho rằng Luật sư hai bên "móc ngoặc" với nhau làm thiệt hại cho họ, ngay từ khi chuẩn bị nhận vụ án mà biết Luật sư đối tụng là đồng nghiệp quen biết của mình tôi nói ngay cho khách hàng biết tình trạng đó và khẳng định với họ là gặp trường hợp này sẽ có cơ hội dễ bàn bạc thỏa thuận với nhau được, nếu không thì cứ theo pháp luật mà làm. Khách hàng tin tưởng thì tiếp tục làm việc, không tin tưởng thì đi mời Luật sư khác.
Trong 25 năm hành nghề, tôi chỉ có duy nhất một trường hợp bị cô em đồng nghiệp “nghỉ chơi” sau phiên tòa đối tụng với mình chỉ vì mình quá thẳng thắn khi làm hết trách nhiệm với Tòa cách đây 20 năm. Trước đó, chúng tôi vốn chị em, là bạn học và rất thân thiết với nhau. Tôi về tranh tụng tại một phiên tòa ở một thành phố miền Trung - nơi cô em đó sinh sống và làm việc.
Tôi cũng nghe nói đâu đó xì xào vài vụ Luật sư đối tụng đối xử không hay với nhau, đó là chuyện buồn trong nghề nhưng không phổ biến. Còn tất cả các Luật sư đồng nghiệp khác đối tụng với tôi đều là bạn bè đồng nghiệp trân quý nhau. Nếu không có cái tinh thần này không lẽ tổ chức hành nghề của chúng tôi là một tổ chức gồm toàn các đối đủ với nhau thì còn ai bảo được ai?
Luật sư NGUYỄN THỊ MINH CHÂU
Học viện Tư pháp chúc mừng Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam