Căn cứ pháp lý được Luật sư đưa ra trong vụ xét xử nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh

29/03/2021 16:22 | 3 năm trước

(LSVN) - Liên quan đến vụ án nam tiếp viên hàng không Dương Tấn Hậu (sinh năm 1992, ngụ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Dự kiến vào hôm nay (ngày 30/3), TAND TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm bị cáo về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, một trong ba Luật sư bào chữa trong vụ án của
nam tiếp viên hàng không.

Theo đó, tham gia bào chữa cho nam tiếp viên hàng không Dương Tấn Hậu có ba Luật sư: Đào Thị Bích Liên, Lê Văn Đức và Huỳnh Thanh Thi, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM. 

Để chuẩn bị cho phiên xử, các Luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập các bộ, ban ngành và các cá nhân có liên quan đến vụ án, gồm: Bộ Giao thông vận tải (GTVT); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Airlines-VNA (cụ thể là Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung của Tổng Công ty Hàng không VNA); UBND TP. Hồ Chí Minh; Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 liên quan trong vụ án; các cá nhân, gồm: bà Đinh Thị Thu Thảo (Trạm trưởng Trạm y tế phường 2, quận Tân Bình), ông Nguyễn Văn Thắng (chủ nhà trọ nơi Dương Tấn Hậu cách ly).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết: Việc tham gia của các cơ quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nêu trên tại phiên toà là rất cần thiết. Điều này giúp HĐXX làm rõ trách nhiệm của họ để lây lan dịch bệnh, đồng thời sự có mặt của những người này làm vụ án được xét xử khách quan, toàn diện hơn. 

Luật sư Bích Liên cho rằng từng bộ, ban ngành và các cá nhân đều có ảnh hưởng đến vụ án nam tiếp viên hàng không Dương Tấn Hậu. 

Trách nhiệm thuộc Bộ GTVT

Theo Luật sư, căn cứ theo quy định tại Mục III Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/03/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 quy định đối tượng phải cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung là: “Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 (theo thông tin từ Bộ Y tế)”. Cụ thể, vào ngày 14/11/2020, Dương Tấn Hậu đi chuyến bay từ Nhật Bản về Cần Thơ. Sau khi chuyển hành khách xuống Cần Thơ trên chuyến bay là VN 5301, tổ bay đã tiếp tục bay về sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Nhật Bản là quốc gia có dịch Covid-19 nên Dương Tấn Hậu thuộc đối tượng cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và buộc phải tuân thủ đúng các quy định về cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung theo Quyết định 878/QĐ-BYT (như đã nêu).  

Tuy nhiên, về phía Bộ GTVT lại có văn bản chỉ thị gửi cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho phép đoàn tiếp viên VNA (trong đó có Dương Tấn Hậu) chỉ cách ly tập trung 04 ngày tại Trung tâm, điều này đã vi phạm quy định pháp luật hiện hành về việc phải cách ly tập trung 14 ngày.

Luật sư Bích Liên cho rằng: “Việc tổ chức cách ly y tế tập trung 04 ngày của Tổng công ty Hàng không Việt Nam phía Nam theo chỉ thị từ cơ quan cấp trên là trái với quy định của pháp luật”. Khu cách ly của Tổng công ty Hàng không Việt Nam phía Nam không phải là một trong các hình thức cách ly hợp pháp theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng không có quy định pháp luật nào cho phép “VNA tổ chức cách ly hỗn hợp giữa cách ly tại Trung tâm 04 ngày và cách ly tại nhà 10 ngày”, Luật sư cho biết.

Căn cứ pháp lý cho lý lẽ trên dựa vào: Luật số 45/VBHN-VPQH năm 2018 (khoản 2, Điều 49) hợp nhất Luật số 03/2007/QH12 năm 2007 và Luật số 35/2018/QH14 năm 2018 của Quốc hội về Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về Tổ chức cách ly y tế. Đồng thời, căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ (Điều 1) quy định về áp dụng biện pháp cách ly y tế. 

Do đó, văn bản chỉ thị cách ly 04 ngày của Bộ GTVT đối với đoàn tiếp viên hàng không (trong đó có Dương Tấn Hậu) đã trái quy định pháp luật. Đây là cơ sở đầu tiên khiến dịch bệnh Covid-19 bị phát tán ra ngoài cộng đồng. 

Tổng Công ty hàng không VNA vi phạm quy định cách ly

Trách nhiệm cụ thể ở đây thuộc Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung của Tổng Công ty hàng không VNA, cơ quan này đã vi phạm các quy định cách ly đối với cơ sở cách ly tập trung.

Luật sư Bích Liên cho hay: Giả định khu cách ly tập trung của VNA tại số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã được cấp phép là khu cách ly tập trung cho riêng các tổ bay của VNA. Khu cách ly này khi đó do chính hãng này đứng ra tổ chức quản lý thì ngành y tế phải có trách nhiệm giám sát về hồ sơ và quy trình thực hiện. Tuy nhiên, dù có là giả định đã được cấp phép nhưng thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác cách ly tập trung, Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung của VNA đã xảy ra một số vi phạm như sau: 

- Trước hết, Ban Quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung đã không bố trí cung cấp nước uống và thức ăn cho từng người được cách ly, dẫn đến việc khi thiếu nước uống hoặc thức ăn buộc người được cách ly phải di chuyển đến khu vực chung để lấy nước và thức ăn. Việc để người được cách ly tự ý di chuyển và tiếp xúc tại khu vực chung sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc lây lan dịch bệnh giữa những người này với nhau, trong đó có việc lây lan từ BN1425 qua Dương Tấn Hậu. Điều này đã vi phạm vào các quy định không đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu: điện, nước, khu vệ sinh, nhà tắm..., quy định tại điểm b, d, khoản 3, Mục VIII tại Quyết định 878/QĐ-BYT.

- Tiếp theo, Cơ quan này đã không đảm bảo an ninh, an toàn (theo điểm g, i, khoản 3, Mục VII Quyết định số 878/QĐ-BYT). Cụ thể, Ban quản lý cơ sở lưu trú, cách ly tập trung của VNA đã lỏng lẻo trong quản lý cách ly tập trung khi để người cách ly gặp gỡ nhau, đi từ khu này qua khu khác. Căn cứ theo lời khai của Dương Tấn Hậu và BN1425 thì “do Hậu bị đau dạ dày nên ngoài việc di chuyển ra khu vực chung để lấy nước thì Hậu chỉ nằm tại giường”. Còn lại, Hậu luôn tuân thủ đúng quy định về cách ly tập trung của VNA. Bên cạnh đó, VNA đã không đảm bảo thời gian cách ly theo quy định của pháp luật. 

- Cuối cùng, VNA là đơn vị chủ quản trong việc thực hiện cách ly y tế tập trung và cũng là đơn vị sử dụng lao động Dương Tấn Hậu đang làm việc nhưng cơ quan này đã không tiến hành thông báo về việc Dương Tấn Hậu thuộc đối tượng cách ly tại nhà cho chính quyền địa phương để kịp thời phối hợp thực hiện và hỗ trợ cách ly tại nhà cho Dương Tấn Hậu. 

Điều này đã dẫn đến việc UBND phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đã không kịp thời vào sổ tiếp nhận, bố trí người để kiểm tra nơi cư trú có đảm bảo điều kiện để cách ly tại nhà hay không. Đồng thời, cũng khiến cho bị cáo Dương Tấn Hậu không được phổ biến kịp thời về các quy định về cách ly tại nhà và được hỗ trợ về y tế để đảm bảo sức khỏe theo đúng quy định tại Mục 6.1 Quyết định 879/QĐ-BYT.  

Từ đó, Luật sư Bích Liên cho rằng, việc thành lập cơ sở cách ly tập trung của VNA tại số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh là chưa đúng quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định thẩm quyền thành lập cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19: “Thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh” và tiểu mục 1, Mục VII Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 kèm theo Quyết định 878/QĐ-BYT quy định về việc Quyết định thành lập cơ sở cách ly: “Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố (chính quyền cấp huyện, xã do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh/thành phố chỉ định) hoặc Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố, các cơ quan có thẩm quyền của quân đội, công an ra quyết định thành lập cơ sở cách ly”. 

“Dựa trên tài liệu, hồ sơ mà Cơ quan điều tra thu thập được thì việc thành lập cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh là trái quy định. Bởi vì chưa có bất kỳ Quyết định thành lập hợp pháp nào được UBND TP. và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. ban hành", Luật sư nói. 

Một số đơn vị không sát sao trong chống dịch

Chủ thể thứ ba được các Luật sư yêu cầu triệu tập đến phiên xét xử là UBND phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Căn cứ theo Mục 6.1 Quyết định số 879/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 hướng dẫn về trách nhiệm của UBND phường trong việc phối hợp với người được cách ly nhằm đảm bảo các yêu cầu về cách ly và kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu của dịch bệnh. Tuy nhiên, UBND phường 2 đã không thực hiện đúng quy định về cách, cụ thể là:  

- Không phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương ra Quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế;

- Không chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly;

- Không hỗ trợ nguồn lực để đảm bảo việc thực hiện cách ly theo quy định;

- Không kịp thời tạo điều kiện, giúp đỡ cho Hậu để người được cách ly là Hậu được yên tâm thực hiện việc cách ly.

Việc UBND phường 2 không thực hiện đúng quy định về cách ly dẫn đến việc Dương Tấn Hậu không được kịp thời phổ biến về các quy định cách ly một cách cụ thể và rõ ràng, Hậu cũng không nhận được bất kỳ Quyết định cách ly y tế nào của Trung tâm chống dịch của TP. HCM. Do đó, Dương Tấn Hậu không được hỗ trợ và tạo điều kiện sinh hoạt, y tế trong quá trình cách ly khiến Hậu phải di chuyển khỏi nơi cư trú để phục vụ cho các nhu cầu hằng ngày của cá nhân. 

Đối với trách nhiệm của nhân viên y tế Trạm Y tế phường 2, quận Tân Bình trong vụ án này đã không thực hiện đúng quy định về cách ly. Trong đó, nhân viên y tế không phối hợp với tổ dân phố, người quản lý nơi ở của Dương Tấn Hậu để thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly và gia đình.

Nhân viên cũng không hàng ngày đo thân nhiệt và theo dõi tình trạng sức khỏe của Dương Tấn Hậu. Ghi chép kết quả gián sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Báo cáo cho Trạm y tế để báo cáo trung tâm y tế cấp huyện. Việc giám sát và kiểm tra tình hình dịch bệnh của người được cách ly nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh đảm bảo quy định về cách ly. Đồng thời, nhân viên y tế đã không cung cấp số điện thoại đường dây nóng của cơ sở y tế để người được cách ly liên hệ khi cần thiết; không thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly quy định.

Việc không thực hiện đúng quy định về cách ly của nhân viên y tế dẫn đến việc Dương Tấn Hậu không được thông báo và phổ biến đầy đủ, chính xác các quy định về cách ly y tế tại nhà. Đồng thời, việc không tiến hành đo và kiểm tra tình hình sức khỏe của Hậu dẫn đến việc bị cáo không kịp thời phát hiện các dấu hiệu về dịch bệnh và có các biện pháp phòng tránh. 

Các Luật sư cũng yêu cầu triệu tập chủ nhà trọ nơi Dương Tấn Hậu cách ly là ông Nguyễn Văn Thắng. Theo đó, ông Thắng không được các cơ quan tổ chức thông báo về việc Hậu được đưa về cách ly tại khu nhà mình, từ việc không biết nên rất dễ xảy ra các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân và lây lan ngoài tầm kiểm soát của ông và gia đình. Do đó mà ông cũng là một chủ thể quan trọng mà Luật sư Bích Liên và hai đồng nghiệp yêu cầu triệu tập đến phiên xét xử.

Do vậy, Luật sư Đào Thị Bích Liên khẳng định, việc có mặt của những cơ quan, cá nhân nêu trên góp phần quan trọng trong việc giải quyết vụ án, từ đó giúp HĐXX đưa đến một phán quyết công tâm. 

VŨ THỦY

Luật sư đề nghị triệu tập Bộ GTVT đến phiên xử nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch Covid-19