/ Dọc đường tố tụng
/ Luật sư kiến nghị về tội danh trong một vụ án hình sự

Luật sư kiến nghị về tội danh trong một vụ án hình sự

19/06/2022 15:13 |

(LSVN) - Với tư cách là người bào chữa cho ông Phùng Anh Lê, Luật sư đề nghị cơ quan có thẩm quyền đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, xem xét lại bản chất vụ án và việc truy tố ông Phùng Anh Lê vì đã đủ căn cứ pháp lý hay chưa?

Ảnh minh họa.

Nội dung vụ án

Ông Phùng Anh Lê, nguyên Trưởng Công quận Tây Hồ, TP. Hà Nội hiện đang bị VKSNDTC (Vụ 6) truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo điểm c, khoản 2, Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản Cáo trạng số 1518/CT-VKSTC-V6 ngày 28/4/2022, Viện trưởng VKSNDTC kết luận: “Phùng Anh Lê là Trưởng Công an quận, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, là người trực chỉ huy Công an quận Tây Hồ vào ngày 22/9/2016. Khi sự việc xảy ra, với chức trách, nhiệm vụ được giao và đã được Vũ Công Ngọc báo cáo trực tiếp, Phùng Anh Lê biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm 011 giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm.

Nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy đặt vấn đề nhờ giúp cho Tài được hoà giải với bị hại để không bị xử lý, Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa số tiền 110 triệu đồng để hoà giải bồi thường cho người bị hại nhưng thực chất là Phùng Anh Lê đã chiếm hưởng số tiền này.

Ngay sau khi nhận được tiền từ ông Bảy, Phùng Anh Lê đã trực tiếp chỉ đạo các bị can Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ không có căn cứ, không tuân theo quy định về thủ tục tố tụng hình sự và trực tiếp chỉ đạo bị can Nguyễn Đức Châu cho anh Nguyễn Công Thành và Nguyễn Hữu Tài tự hoà giải và bồi thường với nhau để dừng việc giải quyết đơn tố cáo của anh Nguyễn Công Thành.

Vừa qua, các Luật sư bào chữa cho ông Phùng Lê Anh đã có văn bản kiến nghị đối với bản Cáo trạng số 1518/VKSNDTC (Vụ 6) ngày 28/4/2022). Theo đó, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghiên cứu Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự số 04/BKL-VKSTC-C1(P3) ngày 02/4/2022 của Cơ quan điều tra VKSNDTC và Bản Cáo trạng số 1518/CT VKSTC-V6 ngày 28/4/2022 của Viện trưởng VKSNĐTC, các Luật sư bào chữa cho ông Phùng Anh Lê cho rằng cần làm rõ một số vấn đề pháp lý sau:

Dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”

Đối chiếu quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 với việc Viện trưởng VKSNDTC truy tố bị can Phùng Anh Lê về tội “Nhận hối lộ” trong vụ án này, Luật sư cho rằng dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội danh “Nhận hối lộ” ở đây phải hội đủ 02 yếu tố, đó là: Nhận khoản tiền 110 triệu đồng của gia đình Nguyễn Hữu Tài và trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài một cách trái pháp luật. Thiếu một trong hai yếu tố đó thì không có đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ”. Hành vi khách quan của Phùng Anh Lê phải là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, qua trung gian (là Phùng Văn Bảy) đã nhận số tiền 110 triệu đồng của gia đình Nguyễn Hữu Tài. Và, sau khi đã nhận số tiền hối lộ đó, Phùng Anh Lê sẽ phải làm một việc theo yêu cầu của gia đình Nguyễn Hữu Tài là trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài, khi Tài đang bị tạm giữ tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.

Theo Luật sư, căn cứ vào toàn bộ tài liệu điều tra thu thập được có tại hồ sơ vụ án, thì chưa có đủ các yếu tố để xác định Phùng Anh Lê đã nhận tiền của gia đình Nguyễn Hữu Tài và sau đó đã trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài một cách trái pháp luật.

Hành vi “Nhận hối lộ”

Cáo trạng đã khẳng định: Phùng Anh Lê biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ hình sự tại Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ để phục vụ cho việc kiểm tra xác minh thông tin tội phạm. Nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy đặt vấn đề nhờ giúp cho Tài được hoà giải với bị hại để không bị xử lý, Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa số tiền 110 triệu đồng để hoà giải bồi thường cho người bị hại nhưng thực chất là Phùng Anh Lê đã chiếm hưởng số tiền này. Ngay sau khi nhận được tiền từ ông Bảy, Phùng Anh Lê đã trực tiếp chỉ đạo các bị can Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ không có căn cứ, không tuân theo quy định về thủ tục tố tụng hình sự.

Thứ nhất, về việc quy kết ông Phùng Anh Lê đã thực hiện hành vi nhận tiền 110.000.000 đồng từ ông Phùng Văn Bảy là chưa đủ căn cứ.

Cáo trạng kết luận Phùng Văn Bảy đưa tiền cho ông Phùng Anh Lê hoàn toàn theo lời khai của Phùng Văn Bảy, mà không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để xác định có sự việc đó.

Theo quy định tại Điều 15, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, thì: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

Thứ hai, về chứng cứ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 87, của BLTTHS 2015, thì “Nguồn chứng cứ” gồm: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; Các tài liệu, đồ vật khác.

Đối chiếu với hành vi của Phùng Anh Lê trong vụ án này, Luật sư cho rằng về vật chứng là “tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án” đã không thu thập được. Về lời khai, lời trình bày, thì chỉ có duy nhất là lời khai của Phùng Văn Bảy đề cập đến việc này. Các nguồn chứng cứ khác không thu thập được.

Thứ ba, về lời khai của Phùng Văn Bảy

Đánh giá nội dung các lời khai của ông Phùng Văn Bảy, Luật sư cho rằng lời khai của ông Phùng Văn Bảy rất mâu thuẫn và liên tục thay đổi như: Về vị trí Phùng Văn Bảy đặt bọc tiền trong phòng Phùng Anh Lê; Về thời gian ông Phùng Văn Bảy có mặt ở phòng làm việc của ông Phùng Anh Lê; Về số người trong phòng ông Phùng Anh Lê lúc ông Phùng Văn Bảy vào đưa tiền; Về nội dung đối thoại giữa Phùng Văn Bảy với Phùng Anh Lê khi giao nhận tiền;... Từ đó, theo Luật sư, có thể khẳng định không có việc ông Phùng Văn Bảy đưa tiền cho ông Phùng Anh Lê.

Thứ tư, về lời khai của Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thu Hiền mâu thuẫn, mâu thuẫn với chính mình và thay đổi lời khai về số tiền, nguồn gốc số tiền, mục đích đưa tiền. Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thu Hiền chỉ biết chuẩn bị theo yêu cầu và đưa cho ông Phùng Văn Bảy, nhìn thấy ông Phùng Văn Bảy đi vào trụ sở Công an quận Tây Hồ, ngoài ra không biết ông Phùng Văn Bảy đã sử dụng tiền như thế nào.

Thứ năm, về tố tụng:

Về việc thực nghiệm điều tra được tiến hành ngày 29/12/2021, sự việc xảy ra ngày 22/9/2016 (theo lời khai của anh Phùng Văn Bảy), tức là sau hơn 05 năm, tại phòng ngủ hiện nay là của ông Mai Trọng Thắng, Trưởng Công an quận Tây Hồ, TP. Hà Nội và ông Phùng Anh Lê không được có mặt tại buổi thực nghiệm điều tra này. Luật sư cho rằng việc thực nghiệm điều tra này không khách quan, không đúng thực tế vào thời điểm ông Lê sử dụng (năm 2016) và nơi tiến hành thực nghiệm hoàn toàn không phù hợp với hiện trạng phòng ngủ của ông Phùng Anh Lê thời điểm năm 2016. Vì vậy, kết quả nghiệm điều tra chưa đủ giá trị chứng minh.

Về hành vi “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”

Trong toàn bộ quá trình điều tra, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã chứng minh và kết luận ông Phùng Anh Lê không thực hiện hành vi phạm tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”. Tuy nhiên, Bản kết luận điều tra bổ sung số 04/BKL-VKSNDTC-C1(P3) ngày 02/4/2022 Cơ quan điều tra VKSNDTC vẫn xác định thông Phùng Anh Lê là chủ mưu, chỉ đạo thực hiện việc tha trái pháp luật đối với Nguyễn Hữu Tài, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” quy định tại Điều 378, Bộ luật Hình sự nhưng do Phùng Anh Lê đã nhận hối lộ từ gia đình của Nguyễn Hữu Tài nên Cơ quan điều tra VKSNDTC chỉ xem xét về tội “Nhận hối lộ” mà không xử lý thêm về tội “Tha từ trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Bản Cáo trạng số 1518 quy kết: Sau khi nhận tiền từ ông Phùng Văn Bảy, Phùng Anh Lê đã chỉ đạo Nguyễn Đức Châu gọi Vũ Công Ngọc mang hồ sơ đến báo cáo Lê việc tạm giữ Tài, sau đó Lê chỉ đạo Lê Đình Trung bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định huy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.

Với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Luật sư khẳng định Cơ quan điều tra VKSNDTC và VKSNDTC đã sử dụng và đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ với những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, những chứng cứ đã được thu thập trên cơ sở lắp ghép, tạo dựng để buộc tội cho ông Phùng Anh Lê.

Về hồ sơ vụ việc Nguyễn Hữu Tài và phiên họp ngày 01/01/2021 của ông Mai Trọng Thắng với 05 thuộc cấp nêu trên là một nội dung đặc biệt quan trọng của vụ án đã không được điều tra, do không thu giữ được Quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài dẫn đến việc Cáo trạng dùng Quyết định 247 tạm giữ Dương Văn Lợi (đối tượng bị bắt truy nã) để làm căn cứ cáo buộc ông Phùng Anh Lê đã thực hiện hành vi chỉ đạo thuộc cấp tha Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ trái pháp luật.

Về việc Cơ quan điều tra VKSNDTC đã đưa Quyết định tạm giữ của đối tượng Dương Văn Lợi (đối tượng bắt truy nã đêm 22/9/2016) có chữ ký của ông Phùng Anh Lê, căn cứ vào lời khai của các bị can khác, những người liên quan đến giải quyết việc Nguyễn Hữu Tài để quy kết đêm 22/9/2016 ông Lê có trực tại Công an Quận Tây Hồ, nhận tiền hối lộ của Phùng Văn Bảy và thực hiện hành vi “chỉ đạo miệng” tha Nguyễn Hữu Tài là chưa đủ căn cứ.

Theo lịch trực ngoài giờ hành chính của Công an quận Tây Hồ thể hiện ngày 22/9/2016 có ca trực của ông Phùng Anh Lê nhưng thực tế ông Phùng Anh Lê không có mặt ở trụ sở Công an quận Tây Hồ, vì ông Lê có thể đi kiểm tra các phường trong quận Tây Hồ hoặc có việc riêng cá nhân nên đổi ca trực cho người khác.

Từ phân tích nêu trên cho thấy, Cơ quan điều tra VKSNDTC quy buộc ông Phùng Anh Lê có mặt trực chỉ huy tại trụ sở Công an quận Tây Hồ vào tối ngày 22/9/2016, nhận tiền 110.000.000 đồng của ông Phùng Văn Bảy và chỉ đạo tha Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ trái pháp luật là chưa có căn cứ.

Thứ hai, toàn bộ lời khai của ông Phùng Anh Lê vẫn giữ nguyên, xuyên suốt từ khi ông Phùng Anh Lê bị đình chỉ công tác, khởi tố, bắt tạm giam đến nay và đều phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ vụ án mà Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thu thập được, đủ cơ sở khẳng định ông Phùng Anh Lê không biết, không được ai báo cáo, cũng như không chỉ đạo giải quyết vụ việc liên quan đến anh Nguyễn Công Thành và Nguyễn Hữu Tài.

Các Đội nghiệp vụ Công an quận Tây Hồ, các Công an phường chính là đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo các vụ việc xảy ra tại địa bàn phường, địa bàn Công an quận Tây Hồ cho ông Phùng Anh Lê. Trong quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã thu thập các tài liệu, báo cáo từ các Đội nghiệp vụ, đơn vị các Công an phường đều thể hiện không có bất kỳ ghi chép gì liên quan đến vụ việc anh Nguyễn Công Thành, Nguyễn Hữu Tài. Các Lãnh đạo Đội nghiệp vụ thuộc Công an quận Tây Hồ đã cung cấp nhiều lời khai và đều khẳng định không biết hoặc không nhớ và không báo cáo ông Phùng Anh Lê vụ việc liên quan đến Nguyễn Hữu Tài. Như vậy, các tài liệu do các Đội nghiệp vụ, Công an phường, lời khai của các Lãnh đạo Đội nghiệp vụ, đơn vị Công an phường (trừ Lãnh đạo Công an quận phụ trách chỉ đạo và cán bộ Đội CSĐTTP về TTXH) là các chứng cứ vật chất rất khách quan.

Cơ quan điều tra VKSNDTC chỉ dựa vào lời khai đầy mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế khách quan của các ông Phạm Quý Hải, Phan Tất Hùng, Vũ Công Ngọc, Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung là những bị can, người có liên quan trong vụ án, đã tiếp nhận, chỉ đạo, trực tiếp giải quyết vụ việc Nguyễn Hữu Tài để quy kết ông Phùng Anh Lê biết vụ việc và “chỉ đạo miệng” tha Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ là chưa có căn cứ.

Thứ ba, ngày 26/01/2016, ông Phùng Anh Lê đã ký Thông báo số 01 (Nghị quyết của ban thường trực Đảng ủy - Ban chỉ huy Công an quận Tây Hồ) phân công trách nhiệm, chỉ đạo công tác đối với các đồng chí trong Ban chỉ thuy Công an quận Tây Hồ cho các Phó Trưởng Công an quận phụ trách từng Đội nghiệp vụ và các Công an phường.

Căn cứ vào trách nhiệm được phân công thì vụ việc Nguyễn Hữu Tài sẽ do ông Phạm Quý Hải phụ trách và chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết. Theo lời khai của các ông Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Dương Hồng Kết, Phan Tất Hùng và lời khai nhận của ông Phạm Quý Hải thì ông Phạm Quý Hải là Lãnh đạo Công an quận Tây Hồ trực tiếp chỉ đạo Đội CSĐTTP về TTXH tiếp nhận vụ việc trình báo của anh Nguyễn Công Thành từ ngày 19/9/2016, đã ký Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Hữu Tài về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật". Vì vậy, trách nhiệm không truy cứu hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm không thuộc trách nhiệm của ông Phùng Anh Lê.

Ông Lê Sinh Hùng là Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, Trưởng Nhà tạm giữ chịu trách nhiệm phụ trách và chỉ đạo giải quyết toàn bộ công tác của Nhà tạm giữ và Đội CSTHAHS&HTTP. Theo lời khai của ông Lê Đình Trung tại Biên bản ghi lời khai ngày 20/01/2021 (BL 2009) thì ông Lê Sinh Hùng, ông Nguyễn Quang Huy là người được thuộc cấp là ông Lê Đình Trung báo cáo và đã đồng ý để ông Lê Đình Trung trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài ra khỏi Nhà tạm giữ vào rạng sáng ngày 23/9/2016 mà không có Quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc Quyết định trả tự do cho Nguyễn Hữu Tài.

Vì vậy, theo sự phân công tại Thông báo số 01 ngày 26/01/2016 (Nghị quyết của ban thường trực Đảng ủy- Ban chỉ huy Công an quận Tây Hồ) thì trách nhiệm này không thuộc về ông Phùng Anh Lê.

Từ những nội dung trên, các Luật sư cho rằng ông Phùng Văn Bảy khai đã nhận 103.000.000 đồng của gia đình Nguyễn Hữu Tài, bù thêm 7.000.000 đồng để đủ 110.000.000 đồng, đã đưa cho ông Phùng Anh Lê tại phòng làm việc của ông Phùng Anh Lê nhưng không đưa ra được các chứng cứ kèm theo để chứng minh cho lời khai của mình là đúng. Vì vậy, lời khai của ông Phùng Văn Bảy không đủ căn cứ để Cơ quan điều tra VKSNDTC quy kết ông Phùng Anh Lê có hành vi “Nhận hối lộ”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Hà, bà Nguyễn Thu Hiền khai ông Phùng Văn Bảy đã cầm 110.000.000 đồng của Nguyễn Thu Hiền, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Thắng tại quán nước đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ, một mình Phùng Văn Bảy đi vào Công an quận Tây Hồ. Do đó, lời khai của ông Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Hà, bà Nguyễn Thu Hiền đủ căn cứ chứng minh ông Phùng Văn Bảy đã cầm tiền nhưng từ lúc ông Phùng Văn Bảy cầm tiền, đi một mình vào trụ sở Công an quận Tây Hồ thì ông Phùng Văn Bảy đã làm gì? đi vào đâu? có đưa tiền cho ai không? thì không ai biết, không ai chứng kiến... Vì vậy, không thể dùng lời khai của các ông bà Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Thị Hiền làm căn cứ kết luận ông Phùng Anh Lê nhận số tiền 110.000.000 đồng.

Với tư cách là người bào chữa cho ông Phùng Anh Lê, Luật sư đề nghị cơ quan có thẩm quyền đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, xem xét lại bản chất vụ án và việc truy tố ông Phùng Anh Lê vì đã đủ căn cứ pháp lý hay chưa?.

Hy vọng, các cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ án, các căn cứ pháp lý nhằm không chỉ xử lý đúng trình tự tố tụng hình sự, đúng người, đúng tội cho riêng vụ án, mà hy vọng sẽ là vụ án điển hình cho những trường hợp về sau trong hoạt động tố tụng.

PV

Điều tra CDC và Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận ký kết mua sắm với Việt Á

Lê Minh Hoàng