Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tự đề xuất mức kỷ luật: Chưa hoàn toàn hợp lý

19/04/2021 06:26 | 3 năm trước

(LSVN) - PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, việc ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tự đề xuất mức kỷ luật khiển trách là hoàn toàn không hợp lý, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cá nhân ông Vương Văn Tịnh.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Ảnh: VNE.

Chiều 16/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đại diện các Vụ Pháp chế, Tổ chức cán bộ đã họp kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương I sau vụ bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần "bay lắc", cầm đầu đường dây mua bán, sử dụng ma túy ngay trong bệnh viện này.

Tại cuộc họp, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I đề xuất nhận mức kỷ luật là khiển trách.

Ngoài ra, ông Tịnh cho rằng trách nhiệm trong vụ việc nằm ở lãnh đạo khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, do lãnh đạo bệnh viện đã phân cấp quản lý cho khoa.

Hiện, Bộ Y tế tiếp tục đình chỉ công tác với ông Tịnh thêm 15 ngày để làm sáng tỏ vụ việc. Tới đây, Hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế sẽ họp, quyết định hình thức xử lý kỷ luật.

Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm

Nguyên Đại biểu Quốc hội PGS. TS Bùi Thị An.

Nguyên Đại biểu Quốc hội PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, việc ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tự đề xuất mức kỷ luật khiển trách là hoàn toàn không hợp lý, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cá nhân ông Vương Văn Tịnh.

Theo bà An, trên cương vị là người đứng đầu Bệnh viện Tâm thần Trung ương I với nhiệm vụ quản lý, điều hành Bệnh viện, ông Vương Văn Tịnh trước hết phải tự nhận trách nhiệm về mình vì đã buông lỏng quản lý, để bệnh viện – một nơi khám chữa bệnh thành tụ điểm mua bán, sử dụng ma túy.

Việc ông Vương Văn Tịnh cho rằng trách nhiệm trong vụ việc này thuộc lãnh đạo khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền với lý do lãnh đạo bệnh viện đã phân cấp quản lý cho khoa cũng là không chấp nhận được, thể hiện sự yếu kém trong năng lực quản lý của chính ông này.

“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải điều tra và tiếp tục làm sáng tỏ vụ việc. Cần xác định rõ ông Vương Văn Tịnh có liên quan đến việc vụ việc của đối tượng Nguyễn Xuân Quý hay không. Nếu có, cần phải xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật để nghiêm trị, lấy đó là bài học cảnh tỉnh về sau”, nguyên Đại biểu Quốc hội PGS. TS Bùi Thị An nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các Vấn đề Xã hội.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, về việc kỷ luật hội đồng sẽ cân nhắc, bởi bản thân ông Tịnh cũng sẽ không biết được hành vi và trách nhiệm mà mình đã vi phạm đến mức nào để tự đề xuất xử phạt cho mình.

"Tuy nhiên, về mặt dư luận,người ta thường cho rằng, việc xử lý như trên là chưa tương xứng. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải cân nhắc làm sao để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng cử tri bàn ra, tán vào câu chuyện có bao che, có chống lưng", ông Nhưỡng nhận định.

Kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, trường ĐH KH-XH&NV.

Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, trường Đại học KH-XH&NV cho rằng, đây là một hành động hết sức phản cảm, rõ ràng làm sai, hoặc quản lý không đúng trách nhiệm nhưng lại tự đưa ra mức án cho bản thân để tự chịu phạt cho mình. Việc làm này là trái ngược, là không đúng với quy định pháp luật.

“Nếu những trường hợp tương tự vẫn xảy ra và lấy lý do là tự đề xuất mức phạt để giảm thiệt hại cá nhân hay có thể tạm gọi là đưa pháp lý ra để giảm thiệt hại. Đó là mục đích rất xấu, để rồi sau này các trường hợp tương tự tiếp diễn có thể dựa vào lý do trên mà trốn tránh trách nhiệm”, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến cho hay.

Ngoài ra, ông Tiến cho biết thêm, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra tích cực để làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong vụ việc này. Liệu có tình trạng bảo kê, bao che cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài.

Luật sư Đặng Văn Cương, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Đặng Văn Cương, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nếu chỉ kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng và kỉ luật chưa phải là trách nhiệm pháp lý cuối cùng theo quy định pháp luật.

Có thể nói rằng hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Xuân Quý là đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài xảy ra trong bệnh viện tâm thần này gây rúng động dư luận nên không thể không có trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện.

Thậm chí có thể xem xét đến hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý theo quy định pháp luật.

“Với vai trò là người đứng đầu cơ sở y tế, quản lý về con người, bệnh nhân, trang thiết bị mà ông giám đốc bệnh viện lại chỉ nhận hình thức kỷ luật thấp nhất là khiển trách thì tôi cho rằng vị lãnh đạo này chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vụ việc và chưa thấy vai trò trách nhiệm của mình đối với vụ án hình sự này với trách nhiệm trong công tác quản lý bệnh viện”, Luật sư Cường phân tích.

Việc kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 7. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức

1. Áp dụng đối với cán bộ: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Cách chức. d) Bãi nhiệm.

2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Hạ bậc lương. d) Buộc thôi việc.

3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Giáng chức. d) Cách chức. đ) Buộc thôi việc.

Luật sư Cường cho biết thêm, việc áp dụng hình thức kỷ luật nào cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về mức độ, hình thức, căn cứ, trình tự thủ tục. Bởi vậy, Hội đồng kỷ luật sẽ xem xét quyết định. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đưa ra mức kỷ luật chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe thì Bộ Y tế, các cơ quan tổ chức có chức năng thanh tra, kiểm tra cũng có thể xem xét lại văn bản này.

LÂM HOÀNG 

Ổ nhóm ma túy hoạt động ngay tại phòng điều trị - Lãnh đạo Bệnh viện buông lỏng quản lý?

Từ khoá : lsvn.vn LSVN