/ Nghề Luật sư
/ Luật sư Lưu Tiến Dũng - Người rời bỏ con đường quan lộ để hành nghề Luật sư

Luật sư Lưu Tiến Dũng - Người rời bỏ con đường quan lộ để hành nghề Luật sư

14/03/2021 00:15 |

(LSVN) - Mới đây, Tạp chí Asia Legal Business (ALB) đã bình chọn Tiến sĩ, Luật sư Lưu Tiến Dũng, thành viên Công ty Luật YKVN là một trong 15 Luật sư tranh tụng xuất sắc nhất Châu Á. Luật sư Lưu Tiến Dũng là Luật sư Việt Nam đầu tiên và duy nhất có tên trong danh sách này. Luật sư Lưu Tiến Dũng cũng là Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Giảng viên Khoa Luật Đại học Văn Lang.

Luật sư Lưu Tiến Dũng, người vừa được Tạp chí Asia Legal Business (ALB) bình chọn là một trong 15 Luật sư tranh tụng xuất sắc nhất Châu Á. 

Theo giải thích của ALB, Bảng xếp hạng 15 Luật sư tranh tụng hàng đầu Châu Á lần đầu tiên này nhằm vinh danh 15 ngôi sao tranh tụng xuất sắc nhất của châu Á được bình chọn trên cơ sở kinh nghiệm giải quyết các vụ việc phức tạp và khả năng đưa ra các chiến lược sáng tạo giúp khách hàng đạt được kết quả giải quyết tranh chấp cách tốt nhất. Các tiêu chí đánh giá được đội ngũ chuyên viên nghiên cứu của ALB đưa ra gồm: Các vụ việc tiêu biểu của Luật sư trong toàn bộ sự nghiệp hành nghề; Các vụ việc tiêu biểu của Luật sư trong vòng 12 tháng qua; Các khách hàng tiêu biểu; Khách hàng mới; Các giải thưởng và vinh danh tiêu biểu của bên thứ ba; Đề cử và nhận xét từ khách hàng; Nhận xét của đồng nghiệp hoặc Luật sư thành viên điều hành; Các vụ việc đã tham gia và đã có phán quyết của tòa án (từ ngày 01/12/2019 đến ngày 01/12/2020).

Đây là một bước tiến quan trọng đối với mảng hoạt động giải quyết tranh chấp của Công ty Luật YKVN, đồng thời thể hiện việc Luật sư Việt Nam ngày càng nhận được sự chú ý và công nhận quốc tế. Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Lưu Tiến Dũng để lắng nghe những chia sẻ của Luật sư trong suốt thời gian hành nghề cũng như nhiệt huyết của ông đối với nghề Luật sư nói chung, ngành tư pháp Việt Nam nói riêng.

PV:Với vinh dự là Luật sư Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 15 Luật sư tranh tụng xuất sắc nhất châu Á do Tạp chí ALB bình chọn, theo Luật sư những yếu tố quyết định nào có thể giúp một Luật sư trẻ thành công?

Luật sư Lưu Tiến Dũng: Đó là sự đam mê với nghề luật; luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết; có tư duy cởi mở và phản biện, phản biện ngay cả với chính mình; tính chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp. Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sẽ chỉ là vấn đề thời gian khi có những tố chất nêu trên.

PV: Trong suốt thời gian hành nghề Luật sư, Luật sư gặp phải những khó khăn nào và đã vượt qua những thử thách ấy như thế nào để có được thành công như ngày hôm nay?

Luật sư Lưu Tiến Dũng: Khó khăn đầu tiên đối với tôi khi mới bắt đầu hành nghề Luật sư là phải thay đổi một thói quen khi làm ở Tòa án là luôn xác định đúng sai trong mỗi vụ án. Là Luật sư, mình cần phải nhìn nhận vụ án ở góc độ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Để vượt qua khó khăn này, Luật sư trước hết phải công tâm đánh giá vụ án một cách khách quan nhất để từ đó đưa ra chiến lược và các giải pháp tốt nhất cho khách hàng. Tư duy phản biện và cởi mở cùng với việc đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết là những yếu tố đã giúp tôi vượt qua thách thức này. Nói thì dễ nhưng thực sự đây không phải là vấn đề đơn giản chút nào.

Các khó khăn khác tôi nghĩ không chỉ riêng tôi gặp phải. Nghề Luật sư ở Việt Nam còn non trẻ, đâu đó vẫn phổ biến tình trạng chưa nhìn nhận đầy đủ và đúng đắn vai trò của Luật sư kể cả trong các cơ quan tố tụng cũng như từ phía khách hàng. Thậm chí, có những đánh giá sai lệch và thiếu tích cực về vai trò của Luật sư. Trong khi đó, ngay từ khi bước vào nghề luật tôi đã xác định phải đi theo hướng chuyên nghiệp và đặt chuyên môn là hàng đầu. Thông thường, khách hàng chỉ luôn mong đợi kết quả và trông đợi Luật sư bằng cách này cách khác hứa hẹn hoặc khẳng định sẽ có được kết quả mong muốn. Sự tận tâm với khách hàng, phân tích thấu đáo mặt mạnh, mặt yếu của vụ việc và đưa ra được các giải pháp lựa chọn tốt nhất cho khách hàng đã giúp tôi vượt qua khó khăn này. Rất nhiều trường hợp khách hàng đã thay đổi cách tiếp cận.

PV: Được biết, trước đây Luật sư đã từng là Thư ký Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và tôi biết rằng những người ở vị trí đó đã và đang rất thành đạt, nhiều người giữ vị trí ở cấp Thứ trưởng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, vì sao Luật sư lại rời bỏ con đường quan lộ để hành nghề Luật sư và Luật sư có hối tiếc hay không?

Luật sư Lưu Tiến Dũng: Thú thực, đã có rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi này trong suốt gần 20 năm qua nhưng thực sự tôi cũng không biết trả lời như thế nào (cười). Nói vậy thôi, nhưng tôi nghĩ xã hội nào cũng có sự phân công lao động và nghề nào cũng cao quý, sự thành đạt không bao giờ có nghĩa tuyệt đối và phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người và của chính mình. Cũng có thể nếu tôi ở lại Tòa án, tôi đã có thể không vượt qua được chính mình. Còn hối tiếc thì không. Tôi là người không có thói quen ngoảnh lại và cũng nói thật với bạn, tôi cũng không có nhiều thời gian để nghĩ về những chuyện đã qua.

PV:Vậy, trong hơn 30 năm công tác trong nghề luật và hành nghề Luật sư, nếu như bỏ qua tất cả sự thành công khác thì đọng lại ở Luật sư một kỷ niệm nào ấn tượng nhất?

Luật sư Lưu Tiến Dũng: Hơn 30 năm, tôi chuyên làm các vụ việc về dân sự, kinh tế, thương mại nên không ai nghĩ rằng tôi lại có khoảng thời gian một năm chuyên nghiên cứu các hồ sơ án tử hình và đơn xin ân giảm án tử hình để trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến với Chủ tịch nước về việc chấp nhận hay bác việc xin ân giảm xuống chung thân. Đó là vào năm 2000 và 2001 khi tôi vừa đi học ở Mỹ về. Đọc những lá đơn xin ân giảm, hồ sơ vụ án và đối chiếu các quy định làm cơ sở chấp nhận hoặc bác đơn ân giảm, rất dễ có thể đề xuất bác đơn ân giảm.

Tuy nhiên, một câu hỏi luôn canh cánh bên tôi trước mỗi số phận tử tù là liệu con người này có đáng phải chết hay không. Trong một tích tắc nào đó, khi sự cảm nhận từ những trang hồ sơ vụ án, cuộc đời của họ… cho tôi câu trả lời là “không đáng” đã thôi thúc tôi dự thảo tờ trình theo hướng chấp nhận đơn xin ân giảm. Hơn 20 lần tôi đề xuất như vậy chỉ duy nhất một lần cố Chánh án tối cao Trịnh Hồng Dương không đồng ý với tôi. Tôi cũng lẳng lặng theo dõi những trường hợp sau khi Chánh án chấp nhận đề xuất ân giảm của tôi thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề nghị Chủ tịch nước cho ân giảm. Chủ tịch nước chưa bao giờ từ chối những trường hợp đó.

PV:Xin cảm ơn Luật sư về cuộc nói chuyện ngày hôm nay và chúc Luật sư tiếp tục thành công với nghề mình đã chọn.

MỸ LINH 

Luật sư Lưu Tiến Dũng được bình chọn là một trong 15 Luật sư tranh tụng xuất sắc nhất Châu Á

Lê Minh Hoàng