/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư - Nghề nghiệp gắn liền trách nhiệm với cộng đồng

Luật sư - Nghề nghiệp gắn liền trách nhiệm với cộng đồng

20/03/2023 10:12 |

(LSVN) - Tại Quy tắc 1, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định sứ mệnh cao cả của người Luật sư như sau: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

 

Luật sư tuyên truyền pháp luật.

Dựa trên sứ mệnh cao cả của Luật sư, có thể nói, nghề Luật sư đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển Nhà nước và pháp luật. Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội ngày càng được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn. Thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư thực sự là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chính vì thế, chức năng xã hội của Luật sư không chỉ thể hiện đậm nét trong lĩnh vực truyền thống và phổ biến là tham gia tố tụng mà còn trong phát triển kinh tế, đó chính là hoạt động tư vấn pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật của Luật sư về nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, phát triển; phòng ngừa rủi ro kinh doanh và giải quyết các tranh chấp một cách ổn thỏa.

Bên cạnh đó, theo Quy tắc 4, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nêu rõ tinh thần tham gia hoạt động cộng đồng của Luật sư như sau: 

- Luật sư luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của luật sư.

- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.

Ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc; thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng, sự cống hiến đối với xã hội của Luật sư và đội ngũ Luật sư, đề cao trách nhiệm và sự đóng góp của các Luật sư trong tiến trình phát triển xã hội. Do đó, hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ đơn thuần là hoạt động nghề nghiệp mà chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của Luật sư đối với cộng đồng xã hội; góp phần lan truyền tinh thần tuân thủ pháp luật và đảm bảo tính công bằng trong xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, yếu thế.

Luật sư đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân và phát triển xã hội. Cùng với thời gian, đội ngũ Luật sư tại Việt Nam dần dần khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Chính vì thế, Luật sư luôn phải rèn luyện bản thân, không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà còn phải tận tâm, có tấm lòng chính nghĩa, tinh thần sẵn sàng phục vụ cộng đồng. Có như thế, người Luật sư mới xứng đáng với sự giao phó của xã hội và sứ mệnh cao cả của nghề Luật sư.

THANH THỊNH

Trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông

Bùi Thị Thanh Loan