Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các chiến sĩ Quân giải phóng. Ảnh chụp năm 1964.
Quyền lực Nhà nước là của nhân dân
Trong hàng chục năm ròng rã, Bác Hồ liên tục vạch trần chế độ cai trị không có pháp luật của bọn thực dân, chính chế độ ấy là điều kiện để cho kẻ cầm quyền tự tung, tự tác hà hiếp, bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, chế độ đó cho phép những kẻ có chức quyền nắm trong tay tất cả quyền hành, muốn làm gì thì làm.
Trong tư tưởng “dân là chủ” của Bác Hồ, chế độ pháp quyền của chúng ta phải bảo đảm cho luật pháp được thực hiện triệt để. Đặc trưng cơ bản có tính chất nền tảng phát lý của Nhà nước pháp quyền là: Dân là chủ của Nhà nước, dân làm chủ Nhà nước, Nhà nước phục vụ nhân dân. Đặc trưng ấy mang tính giai cấp công nhân sâu sắc, tính nhân văn, tính dân tộc, dựa trên nền tảng liên minh công, nông, trí. Do đó, Bác Hồ chỉ đạo xây dựng Nhà nước, cơ quan quyền lực Nhà nước là của dân, do dân làm chủ.
Nhà nước phải là nhà nước của dân tộc, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và tài năng tham gia vào công cuộc xây dựng Nhà nước độc lập, thống nhất đất nước không tách rời với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng ở nơi dân. Toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện ở tính dân chủ triệt để của Nhà nước, trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức bộ máy quyền lực Nhà nước và phải được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp. Người cầm quyền, cán bộ, công chức là “đầy tớ” của dân. Do vậy, họ phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân và biết sử dụng sức mạnh của dân, phải “óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Bác Hồ nhiều lần nhắc nhở: “Ở nước ta từ Hồ Chủ tịch trở xuống là đầy tớ của nhân dân, dân đặt ở đâu thì làm ở đó, người làm Chủ tịch cũng là nhân sự được dân trao quyền, ủy thác”. Người còn nhấn mạnh: “Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà mọi người được tôn trọng, dân chủ được mở rộng, người dân sống và làm việc theo pháp luật, Nhà nước pháp quyền là nhà nước phải thể hiện được sự điều hành và quản lý bằng pháp luật”. Nhưng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ không thể không nhắc đến sai sót, khuyết điểm.
Là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng hai Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946 và 1959), Bác Hồ lưu ý: “Pháp luật Cách mạng là một nền pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động, đồng thời pháp luật đó cũng phải thẳng tay trừng trị những kẻ chống lại nhân dân, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, cách làm nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải cố gắng đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại, tránh cái không hợp không dám sửa, song lại có thái độ xa quần chúng, không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại các khác, làm cho quần chúng hoang mang; tích cực sáng tạo để đổi mới pháp luật không có nghĩa là cho phép tùy tiện ban bố luật lệ lung tung mà phải bảo đảm tính thống nhất của pháp luật”. Ngày 10/4/1952, với tư cách Thủ tướng Chính phủ, Người đã phê phán: “Một khuyết điểm lớn hiện nay đang làm trở ngại cho công tác của chúng ta là tình trạng thiếu thống nhất từ cấp trên xuống dưới, giữa các ngành ở mỗi cấp…”.
Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền XHCN
Thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, dù ở cương vị Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn ra sức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với ý thức phục vụ nhân dân tốt nhất. Nhưng Luật sư cũng xác định rõ con đường đi đến hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa còn lắm chông gai, đòi hỏi một sự nỗ lực không mệt mỏi. Ông sẵn sàng chấp nhận đương đầu gay cấn với tư duy lạc hậu lỗi thời và làm hết sức mình để “Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” - điều mà Bác Hồ hằng mong ước.
Quan điểm của Luật sư rất rõ ràng: “Dân ta sẵn sàng chịu đựng đói nghèo, nhưng không thể chấp nhận áp bức bất công”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói như vậy vì thực tế: “Luật pháp nước ta còn thiếu, thực hiện chưa nghiêm, nên vẫn còn tình trạng vi phạm tự do, dân chủ, xâm phạm tài sản, tính mạng của người dân” và ông thiết tha mong muốn góp phần bảo đảm dân chủ hóa đất nước. Ở cương vị Quyền Chủ tịch nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 - Hiến pháp đầu tiên sau khi thống nhất nước nhà được ông chính thức ký công bố. Ông chỉ thị dự thảo thành lập Ủy ban Giám sát trực thuộc BTV Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của người dân. Nhưng trước tiên, điều ông quan tâm là hoạt động của Ủy ban Thường trực của Quốc hội, trước hết là Ủy ban Pháp luật vì Ủy ban này phải khẩn trương soạn thảo luật với lý do: “Tự do, dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống pháp luật đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ đẻ ra luật rừng, luật rừng đẻ ra xã hội rừng”.
Về việc thực hiện dân chủ mà Bác Hồ nói đi nói lại rất nhiều lần, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ phân tích: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được tiếp nhận sự triển khai đồng bộ của một loạt động tác - tất cả quan trọng cơ bản: Dân chủ nội bộ đảng cầm quyền, dân chủ trong tổ chức xã hội, dân chủ về chính trị và kinh tế, dân chủ ở bên trên và bên dưới, giữa bên trên và bên dưới. Trong hoàn cảnh hiện nay, phát huy dân chủ cốt lõi là xóa bỏ cơ chế quan liêu bên trong các lĩnh vực điều khiển công việc của đất nước. Cuộc vận động dân chủ chính là cuộc vận động chống chủ nghĩa quan liêu ở tất cả các dạng và các mức của nó. Dân chủ là thế mạnh của chúng ta, nhưng khi giành chính quyền trọn vẹn chúng ta lại làm xói mòn thế mạnh này”, ông nhấn mạnh: “Tất cả các vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây, nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt, bởi lẽ dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh”.
Về tính giai cấp công nhân trong xây dựng phát luật và Nhà nước pháp quyền mà Bác Hồ nêu ra, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm rõ thêm tính giai cấp của Nhà nước ta, xác định nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phục vụ cho ai? Ông nói: “Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phân biệt với các nền dân chủ khác ở tính giai cấp, vì lợi ích của ai, đồng thời ở đặc trưng quần chúng lao động tự mình quyết định các vấn đề lớn nhỏ của đất nước. Quyền quyết định ấy được bảo đảm thành văn trong Hiến pháp “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”. Có thực tế là mặt trái của kinh tế thị trường làm cho cán bộ tha hóa, sinh ra nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân. Từ năm 1980, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhất trí với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Những yếu kém và thiếu sót trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân làm cho đời sống nhân dân gặp khó khăn, có nguyên nhân rất quan trọng ở “tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền”.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giải pháp tốt nhất là thực hiện cơ chế dân chủ “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận”. Nhưng chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức phải rạch ròi, không thể để chồng chéo, dẫm chân, bao biện làm thay. Cơ chế này được đưa vào Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng. Bác Hồ phải nhắc đi nhắc lại: “Nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi”. Dù sao, ông vẫn lo lắng vì trước mặt trái của kinh tế thị trường thời hội nhập quốc tế, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng tăng kéo theo sự bất công, tệ nạn xã hội ngày càng phát triển phức tạp…, điều này có phần làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Để có được một xã hội lành mạnh và yên bình, tài năng kiệt xuất của Bác Hồ thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị” trong tổ chức Nhà nước pháp quyền vì dân. Nhà nước sử dụng pháp luật để tổ chức xã hội và dùng quyền lực cưỡng chế đối với hành vi vi phạm pháp luật. Bác Hồ sử dụng “đức” để cảm hóa, để ngăn cản những thói hư tật xấu. Bởi vậy, trong xây dựng pháp luật và phát huy dân chủ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn thể hiện tính nhân đạo của Bác Hồ. Trước ý kiến của một đại biểu dân cử: “Chúng ta phải làm luật để người ta sợ”, Luật sư đáp lại tức khắc: “Chúng ta làm luật để bảo vệ người lương thiện, chứ không phải để trừng trị người có tội thôi. Trong 80 triệu dân chỉ có vài chục ngàn người có tội. Còn lại mấy chục triệu người là người lương thiện”. Liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, Luật sư đã phải làm rõ với các đại biểu Quốc hội: “Khi một người có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị cơ quan công an bắt giữ, nếu xét trong người đương sự có tiền, có tư trang không phải là vật chứng của hành vi vi phạm thì phải hỏi và xử lý theo ý kiến của đương sự, không được làm theo ý kiến chủ quan của mình”. Đây là vấn đề lớn của chế độ ta. Dân là chủ, dân làm chủ. Đây là nguyên tắc “suy đoán vô tội” phải tuân thủ, không ai bị xem là người có tội khi chưa có bản án, có hiệu lực pháp luật. Luật sư nói thêm: “Điều mà Bác Hồ quan tâm hơn hết là: “Để Nhà nước pháp quyền thật sự vì dân, người cầm quyền, cán bộ, công chức nhà nước phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân, biết dựa và phát huy sức mạnh của dân”. Với tinh thần trên, Luật sư đã nỗ lực góp sức xây dựng Bộ luật Hình sự (được bổ sung) và Bộ luật Dân sự (được công bố năm 1995).
Về xây dựng pháp luật Cách mạng, căn cứ Hiến pháp 1946, Bác Hồ là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp khẳng định: “Chế độ HĐND được thiết lập từ Trung ương đến phường, xã (tức 4 cấp), đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì dân, do dân, của dân”. Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, các cấp hành chính từ tỉnh đến xã trong cả nước đã có HĐND do cử tri bầu theo thể thức trực tiếp và bỏ phiếu kín. Về mặt luật pháp, tất cả UBND đều do HĐND bầu ra. Quốc hội đã thông qua và Hội đồng Nhà nước ban hành Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp.
Tuy nhiên, theo Luật sư, phát huy vai trò của HĐND theo đúng Hiến pháp và luật pháp vẫn còn là vấn đề nóng hổi trong yêu cầu hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội V của Đảng đã nhận xét: “Một số cơ quan dân cử còn hoạt động một cách hình thức, chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như Hiến pháp quy định. Đó là một chỗ yếu trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, cũng là một khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng”.
Để khắc phục được tình trạng nói trên, sắp tới HĐND các cấp nên tập trung giải quyết các vấn đề sau đây:
1. HĐND các cấp phải gồm đại biểu thật sự của nhân dân lao động, tức là những người mà cử tri biết mặt, biết tên, biết lai lịch, cùng sống và chiến đấu với họ, được họ yêu mến và tin cậy.
2. Đại biểu HĐND phải là những người vừa có uy tín, vừa có trình độ chính trị, vừa có kiến thức sản xuất và quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, có tiếng nói, sức mạnh, đại diện cho cử tri.
3. Việc chọn lựa đại biểu HĐND phải đúng tinh thần dân chủ và thủ tục pháp lý, do Mặt trận Tổ quốc hiệp thương với các đoàn thể và tham khảo ý kiến quần chúng rộng rãi mà để cử, tất cả phải được tiến hành công khai, rõ ràng.
4. HĐND các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, nên phải có đủ hiểu biết về công việc quản lý, có đủ khả năng thực hiện các chức trách được quy định trong Hiến pháp và luật pháp. Cần phân biệt HĐND với Mặt trận Dân tộc thống nhất. HĐND là tổ chức đơn nhất, hoạt động với tư cách là cơ quan nhà nước, nắm trong tay quyền lực quản lý xã hội, trong khi Mặt trận là sự liên kết có điều kiện giữa các lực lượng xã hội khác nhau mà phương thức hoạt động chủ yếu là hiệp thương để tìm sự nhất trí.
5. Theo quy định của pháp luật, trong các kỳ họp, HĐND quyết định kế hoạch, dự toán ngân sách của địa phương, phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch, dự toán ngân sách của địa phương và chủ trương lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xét báo cáo của UBND… bầu và bãi nhiệm các thành viên của UBND…
6. Với các ban chuyên trách và ban thư ký, HĐND có thêm phương tiện làm việc.
7. UBND có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến HĐND về tất cả các công việc của UBND, phải đáp ứng các đòi hỏi, tìm hiểu tình hình của HĐND và phải trả lời các chất vấn của HĐND.
Trên đây là nguyên tắc trong luật định, nó không phải do “hảo tâm” của UBND. Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng nói rõ: “Phải phấn đấu làm cho HĐND các cấp hoạt động đúng với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng trong xây dựng địa phương…”.
Cuối cùng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lưu ý: “Chúng ta phải chứng tỏ trong đời sống thực tế sự cần thiết của cơ chế dân chủ và ở đây, sự cần thiết của HĐND như là một biểu hiện không thể thiếu được trên con đường bồi đắp ngày càng vững bền nền tảng dân chủ xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của chế độ ta. Các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và nhiều bộ luật khác của Nhà nước, một mặt khẳng định tính chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như là thuộc tính của Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mặt khác đề ra mục tiêu, bước đi cụ thể trong từng thời kỳ và trước sau nhấn mạnh yêu cầu thực hiện dân chủ, đưa dân chủ vào đời sống xã hội, bảo vệ và phát triển nó. Phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước ta”.
Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập quốc, trở thành tư tưởng xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (11/12/2021) |
NGUYỄN HỮU CHÂU
Ủy viên Hội đồng Tư vấn về VHXH Ủy ban TWMTTQ Việt Nam
Một số vấn đề vướng mắc trong Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015