Một số vấn đề vướng mắc trong Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

01/01/2022 22:49 | 2 năm trước

(LSVN) - Tác giả đề xuất cần bổ sung thêm một khoản vào Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án cấp dưới và Tòa án cấp trên, đồng thời ban hành Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Điều 274 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Ảnh minh họa.

Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về giới hạn của việc xét xử. Về Điều 298 này chúng tôi thấy rằng điều luật quy định chung là trường hợp cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để truy tố lại mà không phân biệt là tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của cấp Tòa án nào. Do vậy, đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực, nếu khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hoặc qua xét xử tại phiên tòa mà phát hiện bị can (bị cáo) phạm tội khác nặng hơn tội mà Viện Kiểm sát truy tố và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án mình thì trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để truy tố lại. 

Tuy nhiên, trường hợp tội phạm khác nặng hơn đó lại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên thì hiện nay còn có 02 quan điểm không thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để chuyển vụ án (theo Điều 274);

Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để truy tố lại (theo Điều 298). 

Nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có liên quan như: Giới hạn xét xử (Điều 298), Chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử, Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử (Điều 274, 275), Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 280) chúng tôi thấy rằng, chưa có căn cứ pháp lý nào vững chắc để giải quyết. Bởi lẽ: 

- Đối với quy định về chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử và giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử, chúng tôi thấy rằng nhà làm luật chỉ đề cập đến việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử về hình thức, tức là giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử khi Viện Kiểm sát truy tố không đúng về lãnh thổ, khi Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực truy tố những vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự, mà không quy định việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử do Viện Kiểm sát truy tố không đúng thẩm quyền theo việc, tức là thẩm quyền giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới căn cứ vào tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ án.

- Đối với quy định về giới hạn xét xử theo Điều 298 thì luật chỉ quy định trả hồ sơ để điều truy tố lại mà không quy định trả hồ sơ để chuyển vụ án cho Viện Kiểm sát cấp trên truy tố.

- Đối với quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì luật không quy định về vấn đề này (như đã trình bày).

Bên cạnh đó, về vấn đề bất cập khi áp dụng Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là điều luật chỉ quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử chứ không quy định cách thức, phương pháp tiến hành cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy, sẽ có trường hợp Viện kiểm sát không nhất trí với quyết định trả hồ sơ của của Tòa án và chuyển trả lại hồ sơ cho Tòa án nhiều lần gây khó khăn cho Tòa án và kéo dài thời gian giải quyết vụ án, chúng tôi cho rằng ở đây, cần phải có sự hướng dẫn kịp thời của cấp có thẩm quyền.

Để khắc phục những bất cập trên theo chúng tôi cần bổ sung thêm một khoản vào Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án cấp dưới và Tòa án cấp trên, đồng thời ban hành Thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Điều 274 và Điều 275 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo chúng tôi, nếu bổ sung thêm một khoản (khoản 5) vào Điều 275 thì cần trình bày như sau:

"5. Việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi một tỉnh, giữa Tòa án quân sự khu vực với Tòa án quân sự cấp Quân khu trong phạm vi quân khu do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp Quân khu quyết định; việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định; việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Tòa án quân sự khu vực với Tòa án quân sự cấp quân khu không cùng quân khu do Chánh án Tòa án quân sự trung ương quyết định".

Nếu thực hiện được việc bổ sung nói trên, chúng tôi cho rằng, trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hoặc qua xét xử tại phiên tòa mà phát hiện bị can (bị cáo) phạm tội khác nặng hơn tội mà Viện Kiểm sát truy tố và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên thì trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để chuyển vụ án. Nếu Viện kiểm sát không nhất trí như quan điểm của Tòa án thì thực hiện việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử và Tòa án cấp trên có cơ sở (Khoản 5 Điều 274 - nếu được bổ sung) để giải quyết. Như vậy, sẽ khắc phục được sự không thống nhất về cách hiểu và áp dụng pháp luật như vừa nêu trên. Trước mắt, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, theo chúng tôi cần có sự hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. 

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập mà chúng tôi đã chỉ ra, mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.

TRẦN QUANG HIẾU

Thẩm tra viên, Toà án quân sự Khu vực Quân khu 4

Tắt tiếng Quốc ca vì lý do bản quyền: Cần phân định rõ quyền tác giả và các quyền liên quan