/ Nghề Luật sư
/ Luật sư nhận tiền, lợi ích của cả hai bên là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp

Luật sư nhận tiền, lợi ích của cả hai bên là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp

01/05/2023 06:38 |

(LSVN) - Trong quá trình thương thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty A mà Luật sư là người tư vấn, Công ty B là bên nhận chuyển nhượng tìm đến Luật sư, đặt vấn đề nhờ Luật sư soạn thảo hợp đồng không quá chặt chẽ, tạo thuận lợi cho Công ty B. Công ty B sẵn sàng có khoản “bồi dưỡng” cho Luật sư. Đồng thời, Công ty B cũng nhờ Luật sư hỗ trợ hoàn thiện một số thủ tục, giấy tờ nội bộ của Công ty B để Công ty B có đủ điều kiện thực hiện việc mua cổ phần của Công ty A. Việc trao đổi này là bí mật, Công ty A không được biết. Vậy, trong tình huống này Luật sư nên ứng xử thế nào và nếu Công ty A đồng ý thì Luật sư có được hỗ trợ Công ty B và nhận tiền từ Công ty B hay không?

Ảnh minh họa.

Để xử lý tình huống cụ thể này, Luật sư tư vấn cho Công ty A phải kiên quyết từ chối đề nghị của Công ty B. Đồng thời, Luật sư cũng cần giải thích để Công ty B biết về đạo đức người Luật sư không cho phép Luật sư thực hiện theo yêu cầu của Công ty B và động viên chính Công ty B yên tâm về việc sẽ tư vấn, dự thảo bản hợp đồng đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích cho cả Công ty A và Công ty B vì bản chất của hoạt động tư vấn là để đảm bảo quyền lợi ích của khách hàng, đảm bảo giao dịch của khách hàng thành công và đúng pháp luật. 

Đồng thời, Luật sư phải thông tin cho khách hàng của mình biết về vụ việc để Công ty A có ứng xử phù hợp cũng như tránh hiểu nhầm, rủi ro cho chính Luật sư. 

Mặt khác, trong quá trình hỗ trợ Công ty A thương thảo, dự thảo hợp đồng với Công ty B, chính Công ty B cũng có thể cần sự tư vấn, hỗ trợ của Luật sư để giao dịch hoàn thành. Cụ thể, Công ty B đề nghị Luật sư hỗ trợ hoàn thiện các văn bản, biên bản nội bộ của Công ty B để có thể tiến hành việc mua cổ phần của Công ty A. Trường hợp này, vì cả hai Công ty đều tín nhiệm Luật sư, mong muốn Luật sư giúp đỡ cho cả hai bên  và mục tiêu chung là để giao dịch giữa hai Công ty được thực hiện thành công, đúng pháp luật. Người Luật sư chỉ có thể thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn cho Công ty B (với các nội dung không xung đột lợi ích Công ty A) khi đã giải thích rõ cho các bên và có sự đồng ý, đề nghị của chính Công ty A. 

Khi đó, công việc hỗ trợ Công ty B sẽ trở thành một hoạt động nghiệp vụ của Luật sư để thực hiện dịch vụ pháp lý cho Công ty A và người Luật sư cũng chỉ có thể được nhận thù lao từ chính khách của mình tức Công ty A. 

Trong mọi trường hợp Luật sư không được nhận thù lao từ Công ty B trong vụ việc này. Nhưng việc hỗ trợ Công ty B hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ theo yêu cầu của Công ty A sẽ làm tăng khối lượng công việc của Luật sư. Người Luật sư có thể đề nghị chính Công ty A phải thanh toán thêm phần thù lao tương ứng khối lượng công việc tăng thêm này.

Luật sư TRẦN THỊ TUYẾT

 

Ủy viên Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư không được gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản, lợi ích khác cho mình

Bùi Thị Thanh Loan