Vừa qua, báo chí đăng tải thông tin Công ty Donacoop tuyên bố nhập 15 triệu liều vaccine Pfizer nhưng sau đó lại không thấy tin tức gì.
Được biết, không chỉ tung tin với báo chí mà Công ty này còn tiến hành các thủ tục đề xuất đến các cơ quan quản lý.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Donacoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Donacoop cho hay đã đàm phán với Hãng dược Pfizer và cơ bản đã thống nhất về giá mua. Cụ thể, Donacoop đặt mua 15 triệu liều vaccine Pfizer và bên bán cam kết giao làm 02 đợt, chậm nhất là giữa tháng 09/2021.
Cũng từ kiến nghị của Đồng Nai, ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của Hãng Pfizer.
Chính phủ rất quan tâm đến việc nhập vaccine, Thủ tướng thực hiện nhiều cuộc đàm phán, liên hệ với các hãng sản xuất cũng như với lãnh đạo nhiều nước vì mục đích này. Cho nên, khi nghe có doanh nghiệp nhập được vaccine, đương nhiên Chính phủ rất ủng hộ.
Nhưng đến nay, phía Pfizer khẳng định hãng chỉ cung cấp vaccine cho chính phủ và các tổ chức lớn trên toàn cầu, không cung cấp qua trung gian tại thời điểm này, cũng như không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền vaccine Pfizer trên toàn thế giới.
Có nghĩa là phía Pfizer công khai phủ nhận giao dịch mà Công ty Donacoop công bố.
Và Tổng Giám đốc Donacoop - ông Bùi Thanh Trúc cũng “lặn mất tăm” mà không có tin tức.
Trước đó, vị Tổng Giám đốc này đã có chia sẻ với báo chí ngày 26/8 về việc đang đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ mới có thể nhập số vaccine trên về Việt Nam. Đồng thời, bộ hỗ trợ trong việc bảo quản, kiểm định, phân bổ. Còn bản thân Donacoop chỉ là đơn vị đàm phán để nhập vaccine về Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế lại cho biết Cục chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị cấp phép nhập khẩu vaccine của đơn vị này.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vaccine là điều vô cùng quan trọng đối với tình hình hiện tại, vậy mà trong tất cả các thông tin được công bố, đăng tải của Công ty trên đã ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan chính quyền nói riêng và người dân nói chung.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết, việc doanh nghiệp tư nhân mua được vaccine ngừa Covid-19 trong thời điểm này là chuyện khó tin bởi nguồn cung hạn chế, các hãng sản xuất cũng đang không đủ vaccine để bán cho chính phủ các quốc gia và cung cấp trong nước của họ.
“Giá cả một liều vaccine không nhiều nhưng nhà sản xuất thường cung cấp mỗi lần số lượng rất lớn nên doanh nghiệp tư nhân khó có thể có đủ kinh phí để nhập khẩu vaccine. Chính sách ngoại giao vaccine để có được nguồn cung sớm nhất, tốt nhất là chính sách mà rất nhiều quốc gia đang theo đuổi nhưng không phải quốc gia nào cũng có kết quả. Bởi vậy, việc doanh nghiệp tư nhân tuyên bố có thể mua được số lượng vaccine lớn như vậy trong bối cảnh hiện nay là chuyện khó tin, có thể là tin giả hoặc doanh nghiệp này cũng đang bị các đối tượng khác lừa đảo", Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine trên thế giới hạn chế, số lượng vaccine tại Việt Nam vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cho nhiều đối tượng, do đó nhằm đảm bảo kịp thời nguồn vaccine phục vụ nhu cầu cấp bách thì Bộ Y tế đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức được nhập khẩu vaccine Covid-19 theo quy định.
Luật sư Cường cho biết, việc cấp phép này nhằm tăng khả năng nguồn cung vaccine, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp nào có mối liên hệ, có thể nhập khẩu được vaccine trong thời điểm này thì chính phủ rất hoan nghênh, phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam.
Theo Luật sư, Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính Phủ hướng dẫn Luật Dược đã quy định về tiêu chí, hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa như sau:
1. Thuốc chỉ được cấp phép nhập khẩu khi thuốc đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thuốc được Bộ Quốc phòng đề nghị nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng;
- Thuốc được Bộ Công an đề nghị nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho an ninh;
- Thuốc được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu:
- 03 bản chính đơn hàng nhập khẩu theo Mẫu số 15, 16 hoặc 17 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận sản phẩm dược hoặc xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền nước xuất khẩu về việc lưu hành thuốc tại ít nhất 01 nước trên thế giới;
- Bản chính hoặc bản sao có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền văn bản đề nghị hoặc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó phải thể hiện các nội dung: tên hoạt chất đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm hoặc tên dược liệu đối với thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, dạng bào chế, nồng độ hoặc hàm lượng dược chất đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm hoặc khối lượng dược liệu đối với thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nước sản xuất của thuốc”.
Theo đó, theo quy định trên để nhập khẩu vaccine phòng bệnh Covid-19 thì doanh nghiệp phải được Bộ Y tế cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, trong danh sách 36 đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine (bao gồm cả vaccine Covid-19) của Bộ Y tế cũng không có tên doanh nghiệp Donacoop. Đồng thời, đại diện Pfizer cũng cho biết, trong giai đoạn đại dịch hiện nay, hãng chỉ cung cấp vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu.
Luật sư cho biết, trong trường hợp chính phủ cho phép và doanh nghiệp này nhập được vaccine về đáp ứng nhu cầu trong nước thì đó là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp này không thể nhập khẩu được vaccine như đã đề nghị, cam kết, ảnh hưởng đến kế hoạch, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
"Như vậy, cần làm rõ việc doanh nghiệp này có thông tin, có mối liên hệ từ trước nhưng sau đó giao dịch không thành công hay doanh nghiệp này đưa ra thông tin không đúng sự thật để đánh bóng tên tuổi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng? Nếu doanh nghiệp này có thông tin, có mối liên hệ từ trước tuy nhiên sau đó giao dịch không thành công hoặc chưa đủ điều kiện nhập khẩu thì việc cung cấp thông tin không có dấu hiệu vi phạm", Luật sư Cường nhận định.
Còn trong trường hợp, nếu doanh nghiệp này đưa ra thông tin không đúng sự thật để đánh bóng tên tuổi, làm ảnh hưởng đến kế hoạch phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, thì hành vi này được thực hiện qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông thì hành vi này là vi phạm quy định pháp luật và tùy từng tính chất mức độ hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, còn buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo quy định tại khoản 3 Điều này.
TRẦN MINH