/ Luật sư - Bạn đọc
/ Luật sư nói gì vụ ca sĩ Vy Oanh kiện chủ kênh Lang Thang Đường Phố?

Luật sư nói gì vụ ca sĩ Vy Oanh kiện chủ kênh Lang Thang Đường Phố?

27/09/2021 03:53 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định một tài khoản, kênh youtube, mạng xã hội là một chủ thể có địa vị pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân. Do đó, pháp luật cũng không có quy định về việc khởi kiện hay tố cáo các hành vi trái pháp luật của một tài khoản, kênh youtube, mạng xã hội với tư cách là một chủ thể có địa vị pháp lý độc lập.

Vy Oanh đưa chủ một kênh youtube ra pháp luật vì có hành vi vu khống, lăng mạ mình.

Những ngày vừa qua, dư luận đang hết sức quan tâm đến việc nữ ca sĩ Vy Oanh làm đơn khởi kiện chủ kênh Lang Thang Đường Phố vì có hành vi vu khống, xúc phạm mình.

Theo đó, sau khi nộp đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng đến Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, nữ ca sĩ này đã gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ khởi kiện thêm một người nữa. Cụ thể, nữ ca sĩ cho biết sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp trước hành vi vu khống, lăng mạ của chủ kênh Lang Thang Đường Phố. Theo nữ ca sĩ, người này trong thời gian dài đã vu khống, lăng mạ rất nhiều người, trong đó có cô. 

Địa vị pháp lý của kênh mạng xã hội

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định một tài khoản, kênh youtube, mạng xã hội là một chủ thể có địa vị pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân. Do đó, pháp luật cũng không có quy định về việc khởi kiện hay tố cáo các hành vi trái pháp luật của một tài khoản, kênh youtube, mạng xã hội với tư cách là một chủ thể có địa vị pháp lý độc lập.

Theo Luật sư, trong trường hợp các tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội có đăng tải các nội dung trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác thì trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của các tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội này, cũng như các tổ chức, hoặc cá nhân có trách nhiệm pháp lý liên quan. Do đó, nếu các tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội đăng tải các nội dung trái pháp luật, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hoặc cá nhân khác, thì các tổ chức hoặc cá nhân bị xâm hại có quyền khởi kiện hoặc tố cáo đối với các tổ chức hoặc cá nhân là chủ sở hữu của tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội đó, cũng như các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm pháp lý liên quan theo quy định của pháp luật. 

"Việc các tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội đăng tải các nội dung sai sự thật, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc uy tín của tổ chức là hành vi trái pháp luật. Tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu của tài khoản hoặc kênh youtube, mạng xã hội đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định.

Xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì những hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm, còn đối cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp “Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu nội dung vi phạm là thuộc một trong các hành vi như: “Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” hoặc “bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Vu khống” (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đặc biệt hành vi “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” được coi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với hai tội danh nêu trên. Ngoài ra, nếu gây ra thiệt hại thì người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bô luật Dân sự năm 2015.

Cần ứng xử văn minh

Luật sư cho rằng, về nội dung vụ việc, cũng như những vi phạm và trách nhiệm pháp lý (nếu có) của những người có liên quan như thế nào sẽ còn phải chờ vào kết quả điều tra, xác minh và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, qua những vụ việc vừa qua thì có thể thấy, việc sử dụng mạng xã hội hoặc youtube để công kích, “bóc phốt” lẫn nhau với những lời lẽ “lệch chuẩn”, thậm chí là mạt sát, bôi nhọ, chửi bới, xúc phạm lẫn nhau là việc làm kém văn minh, phản văn hoá và trái pháp luật, sẽ có những tác động rất tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây ra những “bất ổn” và bức xúc trong xã hội.  

Mạng internet nói chung và các mạng xã hội, youtube nói riêng là một không gian mở và không có giới hạn, do đó các thông tin được đăng tải sẽ có tốc độ lan truyền rất nhanh chóng và rộng lớn. Đặc biệt là đối với những nghệ sĩ, những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng đến xã hội, những kênh youtube có lượng người theo dõi và tương tác lớn, thì những thông tin, phát ngôn của họ trên không gian mạng sẽ có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Do đó, mỗi người, các youtuber, đặc biệt là những nghệ sĩ, những người nổi tiếng cần phải có văn hoá ứng xử văn minh, chuẩn mực trên không gian mạng, cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo những nội dung và tác động của các phát ngôn hoặc thông tin mà mình đăng tải trên các trang mạng. Đây là nghĩa vụ của mỗi người với cộng đồng và mỗi công dân trước pháp luật, đối với các nghệ sĩ, những người nổi tiếng thì đó còn là trách nhiệm nghề nghiệp, cũng như biện pháp để giữ gìn uy tín, hình ảnh của họ trước công chúng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc và có giải pháp phù hợp để chấn chỉnh, loại bỏ các hiện tượng tiêu cực, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như sự lành mạnh và văn minh trong môi trường mạng.

"Mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, có quyền thể hiện quan điểm và ý kiến của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thích nói gì hoặc nói như thế nào cũng được, “tự do” phải trong khuôn khổ, phải đúng pháp luật, không được làm phương hại đến các giá trị văn hoá, đạo đức và lợi ích chung của xã hội, cũng như các quyền lợi phợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác. Khi nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì các tổ chức, cá nhân nên có cách ứng xử văn minh, chuẩn mực, cũng như đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật, tránh việc đưa nhau lên mạng xã hội, youtube để “đấu tố”, với những ngôn từ, nội dung lệch chuẩn, xấu xí, thậm chí là vi phạm pháp luật", Luật sư Nguyễn Đức Hùng bày tỏ quan điểm.

VÕ QUẾ 

Luật sư của Thủy Tiên - Công Vinh nói gì về căn cứ vụ nộp đơn tố cáo hành vi vu khống liên quan đến tiền từ thiện

Lê Minh Hoàng