/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư ở Indonesia

Luật sư ở Indonesia

08/04/2025 10:56 |17 ngày trước

(LSVN) - Bài viết được tổng hợp từ “Báo cáo về Indonesia (Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ở năm nước chọn lọc: Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên bang Nga) do Đại học Sydney thực hiện cho Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam ngày 03/6/2010”.

Luật sư và tổ chức luật sư

Luật sư ở Indonesia bao gồm:

- Luật sư công: Là viên chức nhà nước tốt nghiệp đại học luật, thường làm việc trong vụ pháp chế trong các bộ của Chính phủ.

- Luật sư bào chữa (Advokat) và luật sư (Pengacara): Luật sư bào chữa làm việc trong các văn phòng luật, tư vấn cho khách hàng và đại diện cho họ tại tòa án. Luật sư bào chữa tập trung vào vấn đề tranh tụng (dù nhiều người cũng tư vấn pháp lý). Còn luật sư (pengacara) làm các việc về soạn thảo hợp đồng kinh doanh, hoạch định công việc kinh doanh và tham gia các vụ việc về nhà đất.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Về tổ chức, Indonesia có bảy Hội Liên hiệp luật sư chính:

- Hội Luật sư bào chữa Indonesia (IKADIN);

- Hội Liên hiệp luật sư bào chữa Indonesia (AAI);

- Hội Liên hiệp luật sư Indonesia (IPHI);

- Hội Liên hiệp luật sư bào chữa và luật sư Indonesia (HAPI);

- Liên đoàn Luật sư Indonesia (SPI);

- Hội Liên hiệp các Tư vấn viên pháp lý Indonesia (AKHI);

- Hội Liên hiệp các tư vấn viên pháp lý thị trường vốn (HKHPM).

Năm 2003, Luật Luật sư bào chữa được ban hành, Tổ chức luật sư bào chữa (PERADI) được thành lập, có nhiệm vụ bổ nhiệm và bồi dưỡng luật sư, giám sát luật sư bào chữa, bảo đảm họ tuân thủ quy tắc đạo đức và pháp luật. Luật này là văn bản chính để nhà nước quản lý các hoạt động của luật sư, trước đó lĩnh vực này hầu như không được quản lý.

Vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự và dân sự

Pháp luật Indonesia không phân biệt giữa vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự và dân sự. Luật Luật sư bào chữa quy định luật sư bào chữa có các quyền sau:

- Luật sư bào chữa được tự do và độc lập đưa ra ý kiến hoặc nhận định để theo đuổi vụ án mà luật sư tham gia tại bất kỳ tòa án nào, trong khi vẫn tuân thủ quy tắc đạo đức và các điều khoản của luật và quy định hiện hành;

- Luật sư bào chữa được tự do thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của mình để theo đuổi vụ án mà luật sư đó tham gia tại bất kỳ tòa án nào, trong khi vẫn tuân thủ quy tắc đạo đức và các điều khoản của luật và quy định hiện hành;

- Luật sư bào chữa không thể bị kiện hoặc truy tố tại một tòa án dân sự hoặc hình sự do đã có hành vi thiện ý là một phần thuộc nhiệm vụ chuyên môn của mình vì quyền lợi của thân chủ trước tòa án;

- Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, luật sư bào chữa có quyền được tiếp cận thông tin, dữ liệu và tài liệu từ các cơ quan/tổ chức của chính phủ hoặc các bên khác, dù thông tin, dữ liệu và tài liệu đó có cần thiết cho quyền lợi của thân chủ hay không, theo các điều khoản của luật và quy định hiện hành;

- Luật sư bào chữa có quyền giữ bí mật mối quan hệ của mình với khách hàng, kể cả việc không bị tịch thu hoặc xem xét tài liệu hồ sơ vụ án và theo dõi điện tử các thiết bị liên lạc do luật sư bào chữa sử dụng.

Đào tạo nghề và kỷ luật luật sư

Luật Luật sư bào chữa chỉ quy định các luật sư bào chữa phải có bằng cử nhân luật và trải qua khóa đào tạo luật sư bào chữa chuyên nghiệp do tổ chức luật sư bào chữa tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, luật sư có thể bắt đầu làm việc trong một công ty tư nhân. Luật sư được phép cung cấp các dịch vụ pháp lý bao gồm tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý, đại diện, ủy thác, bào chữa và thực hiện các hoạt động pháp lý khác cho quyền lợi của thân chủ. Tuy nhiên, để làm việc với tư cách luật sư tranh tụng, luật sư phải vượt qua kỳ kiểm tra đầu vào do Bộ Pháp luật và Nhân quyền tổ chức (bộ này trước đây có tên gọi là Bộ Tư pháp) để được cấp giấy phép hành nghề.

Luật Luật sư bào chữa quy định luật sư bào chữa có nghĩa vụ:

- Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, luật sư bào chữa không được phân biệt đối xử với khách hàng (về giới tính, tôn giáo, đường lối chính trị, dân tộc, chủng tộc, hoặc địa vị xã hội và văn hóa);

- Luật sư bào chữa phải bảo mật mọi vấn đề mà mình biết hoặc được khách hàng cho biết như một phần của mối quan hệ nghề nghiệp, trừ khi pháp luật quy định khác;

- Luật sư bào chữa không được giữ bất kỳ chức vụ gì có thể phát sinh xung đột lợi ích với nhiệm vụ và phẩm giá nghề nghiệp của mình;

- Luật sư bào chữa không được giữ bất kỳ vị trí gì có thể phương hại đến nghề nghiệp hoặc làm giảm tính độc lập của mình cũng như quyền tự do thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm của mình;

- Luật sư bào chữa được bổ nhiệm làm viên chức nhà nước sẽ không được hành nghề luật sư bào chữa trong thời gian được bổ nhiệm.

Theo bản Quy tắc đạo đức do Tổ chức Luật sư bào chữa ban hành và được bảy Hiệp hội luật sư chấp thuận, một luật sư sẽ bị kỷ luật nếu phạm một trong những lỗi sau đây:

- Bỏ qua quyền lợi của khách hàng;

- Hành xử theo cách không phù hợp với khách hàng hoặc đồng nghiệp;

- Hành xử hoặc đưa ra tuyên bố không tôn trọng pháp luật hoặc tòa án;

- Có hành vi đi ngược lại nghĩa vụ, sự tôn trọng danh dự hoặc phẩm giá của nghề nghiệp;

- Vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái;

- Vi phạm Lời tuyên thệ của Luật sư bào chữa.

Hình thức kỷ luật có thể dưới dạng khiển trách miệng hoặc văn bản, đình chỉ hành nghề từ 03 đến 12 tháng, khai trừ khỏi hiệp hội luật sư (việc khai trừ được áp dụng đối với luật sư bị kết án tù từ bốn năm trở lên). Việc áp dụng hình thức kỷ luật do Tổ chức Luật sư bào chữa thực hiện.

Luật sư và tình trạng tham nhũng trong bộ máy tư pháp

Trong nhiều thập niên, Tòa án ở Indonesia bị coi là một trong những cơ quan tham nhũng nhất của đất nước. Về tình trạng này, một luật sư đã nhận xét về tòa án như sau: "… không nên được gọi là ngôi nhà công lý, mà nên được gọi là nhà đấu giá. Nhà đấu giá các vụ án (thẩm phán, công tố viên, cảnh sát điều tra) sẽ đưa ra câu hỏi: Anh có muốn thân chủ của anh được giúp hay không, thân chủ của anh có khả năng tài chính không. Điều này có nghĩa là những người đó chủ động đòi hỏi, đưa ra đề nghị. Hiện nay, khi nhận được một cú điện thoại kiểu này, tôi không còn ngạc nhiên nữa… và hiện nay tôi thấy điều đó thật bình thường".

Để ngăn chặn tệ tham nhũng, Tòa án Tối cao Indonesia cũng đã có những biện pháp giám sát nhằm phát hiện và xử lý những người có hành vi tham nhũng trong hệ thống tòa án. Tuy nhiên, việc trừng phạt “có vẻ rất nhẹ, theo kiểu phát nhẹ cổ tay".

Và chắc chắn một điều rằng, Indonesia sẽ có nhiều việc phải làm để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của các tòa án. Đây cũng sẽ là yếu tố quyết định bảo đảm cho hoạt động của luật sư bào chữa không bị những hành vi tham nhũng cản trở.

NGÔ CƯỜNG