Luật sư và những chức danh tương tự luật sư
Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản gồm 52 Đoàn Luật sư địa phương: Mỗi tòa án trong 50 tòa án quận có một Đoàn Luật sư, riêng Tokyo có 3 Đoàn Luật sư. Tính đến ngày 01/01/2025, toàn Nhật Bản có 45.598 luật sư (bengoshi), trong đó nữ luật sư là 9.214 người (1). Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản và các Đoàn Luật sư địa phương có quyền tự trị cao, họ có quyền xem xét tiêu chuẩn để trở thành luật sư, kỷ luật luật sư. Hoạt động và quy chế hoạt động của luật sư không chịu sự giám sát của tòa án, viện công tố hay các cơ quan hành chính. Về tài chính, Đoàn Luật sư hoạt động trên cơ sở phí hội viên và các khoản thu từ hội viên. Để hành nghề luật sư buộc phải là thành viên của Đoàn Luật sư, những người không đăng ký không được phép hành nghề.

Ảnh minh hoạ.
Ngoài luật sư, ở Nhật Bản còn có một số lượng lớn những người “tương tự luật sư", như:
- Luật sư bằng sáng chế (benrishi) tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, từ năm 2003 được quyền cùng bengoshi đại diện cho khách hàng trước tòa trong những vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ.
- Có khoảng vài chục nghìn thư ký tư pháp (shiho shoshi) có nhiệm vụ chính là soạn thảo các tài liệu pháp lý nộp cho tòa án, viện công tố và văn phòng các vấn đề pháp luật của Bộ Tư pháp, cơ quan đăng ký tư cách pháp nhân và quyền sở hữu bất động sản thay cho những người không có luật sư đại diện. Từ 2003, thư ký tư pháp được quyền đại diện cho các bên tại tòa án giản lược. Cũng có khoảng 39.000 thư ký hành chính (gyosei shoshi) là người đại diện cho khách hàng soạn thảo các văn bản pháp lý để trình tới các cơ quan hành pháp.
- Có khoảng 71.000 luật sư thuế (zeirishi) làm nhiệm vụ chính là thay mặt người nộp thuế để tính thuế và chuẩn bị chứng từ cho cơ quan thuế. Từ năm 2002, luật sư thuế có thể giúp các khách hàng trong các vụ kiện về thuế với điều kiện là các khách hàng này được quyền có luật sư đại diện.
- Có khoảng 32.000 tư vấn viên bảo hiểm xã hội.
- Có hàng nghìn công chứng viên (koshonin) được bổ nhiệm từ trong số công tố viên đã về hưu làm nhiệm vụ công chứng và lưu giữ một số loại văn bản pháp lý chẳng hạn như hợp đồng.
Ngoài ra, nhiều người có bằng cử nhân luật chưa đủ tiêu chuẩn làm luật sư cũng được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công ty tư nhân thuê để làm một số việc về pháp lý như kiểm tra văn bản pháp lý do công dân nộp hoặc soạn thảo hợp đồng.
Với số lượng luật sư và những người tương tự luật sư đông đảo như nêu trên cho thấy Nhật Bản là một quốc gia rất tôn trọng pháp luật, thể hiện rõ đặc điểm của nhà nước pháp quyền.
Quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tố tụng
Trong các vụ án hình sự cũng như dân sự, luật sư có quyền và nghĩa vụ thu thập chứng cứ của vụ án, ví dụ như thẩm vấn những người làm chứng, được yêu cầu Chủ nhiệm Đoàn Luật sư địa phương yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp tài liệu. Trong một vụ kiện, luật sư có quyền yêu cầu luật sư của bên kia cung cấp thông tin trước khi khởi kiện dù họ không có nghĩa vụ phải tiết lộ những thông tin này. Nếu bên được yêu cầu không tiết lộ thông tin, bên yêu cầu phải khởi kiện và đề nghị tòa án ra quyết định buộc bên kia cung cấp thông tin. Tuy nhiên, luật sư không được “mớm" cho thân chủ hoặc người làm chứng phải nói gì khi làm chứng trước tòa, cũng không được vi phạm pháp luật bằng những hành vi như nghe lén điện thoại hoặc đánh cắp tài liệu.
Trong các vụ án hình sự, luật sư phải tư vấn cho bị can/bị cáo về quá trình tố tụng trước và sau khi bị khởi tố. Do nhà nước không bảo đảm cung cấp luật sư cho giai đoạn trước khởi tố nên từ những năm 1990, các Đoàn Luật sư đã khuyến khích luật sư tự nguyện tham gia bào chữa trong giai đoạn trước khởi tố. Hệ thống luật sư trực nhật (toban bengoshi) được thiết lập nhằm bảo đảm nghi can được luật sư bảo vệ ở giai đoạn trước khi bị khởi tố.
Khi nghi can có yêu cầu, luật sư trực nhật sẽ nhanh chóng đến nơi người đó bị tạm giam thẩm vấn người đó, bất kể quốc tịch hoặc tình trạng visa của người đó. Nếu người bị tình nghi là công dân nước ngoài thì có người phiên dịch cùng tham dự. Buổi tham vấn đầu tiên với luật sư trực nhật không phải trả tiền. Chi phí phiên dịch cũng không phải trả hoặc được Đoàn Luật sư địa phương trả. Sau buổi tham vấn đầu tiên, nếu người bị tình nghi tiếp tục yêu cầu luật sư đại diện cho mình thì sẽ phải trả phí. Trong nhiều năm cơ chế luật sư trực nhật chưa bao giờ được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Từ năm 2006, các vụ án hình sự nhỏ đều được luật sư do Nhà nước chỉ định bào chữa, cơ chế này được quản lý bởi hệ thống Ho-terasu (Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Nhật Bản - LSC). Mỗi Trung tâm đều cử một luật sư làm luật sư do Nhà nước chỉ định trong giai đoạn trước khi khởi tố bị can phạm trọng tội. Bị can có quyền có luật sư khi bị cảnh sát tạm giam. Điều này cho thấy quyền có luật sư của nghi can/bị can ở Nhật Bản rất được tôn trọng và bảo đảm.
Đào tạo nghề và kỷ luật luật sư
Để hành nghề, luật sư bengoshi, tương tự như thẩm phán, công tố viên phải thi đỗ kỳ thi tư pháp quốc qia. Sau khi thi đỗ, tất cả ứng viên cho các chức danh này sẽ cùng học 1 năm tại trường đào tạo các chức danh tư pháp do Tòa án Tối cao quản lý, chính vì vậy sau khi được bổ nhiệm, họ đều hiểu rõ cách thức làm việc của nhau.
Kỳ thi tư pháp quốc gia là một kỳ thi rất khó, ví dụ như năm 2004 có 40.000 người dự thi nhưng chỉ có chưa đến 1.500 người đỗ. Để cải thiện tình hình này, ở Nhật Bản đã lập ra những “trường luật sau đại học" để bồi dưỡng cho những người đã có bằng cử nhân luật có dự định tham gia kỳ thi. Nhiều luật sư đã tham gia giảng dạy ở các trường này được xem như một nguồn đào tạo chủ lực cho những người dự kỳ thi tư pháp quốc gia. Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản cũng thành lập Ủy ban về các trường luật nhằm nâng cao chương trình giảng dạy và hỗ trợ giảng viên là người đang làm công tác thực tiễn. Liên đoàn giám sát kỳ thi để đảm bảo bám sát chương trình giảng dạy tại các trường luật sau đại học này.
Về vấn đề kỷ luật, luật sư ở Nhật Bản không thuộc quyền giám sát của cơ quan nhà nước mà chịu sự kỷ luật của Đoàn Luật sư địa phương của mình và của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản. Luật sư có các vi phạm sau đây sẽ bị kỷ luật:
- Vi phạm Luật Luật sư hành nghề hoặc Điều lệ của Đoàn Luật sư địa phương hoặc của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản;
- Có hành vi xâm hại trật tự công cộng hoặc lòng tin của công chúng đối với Đoàn Luật sư;
- Có hành vi sai trái đáng hổ thẹn trong hay ngoài thời gian thực hiện công việc nghề nghiệp.
Cơ sở để xác định luật sư có hay không “hành vi đáng hổ thẹn" là những quy định cụ thể về quy tắc đạo đức và hành xử nghề nghiệp của luật sư được quy định tại Quy định cơ bản về nghĩa vụ của luật sư hành nghề. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền khiếu nại yêu cầu biện pháp kỷ luật luật sư trong Đoàn Luật sư địa phương nơi luật sư đó là thành viên. Khi có khiếu nại, Đoàn Luật sư địa phương sẽ giao Ban Duy trì kỷ luật điều tra vụ việc, nếu Ban Duy trì kỷ luật thấy khiếu nại có cơ sở thì ra quyết định đề nghị Ủy ban kỷ luật điều tra chính thức vụ việc.
Trong trường hợp này, Đoàn Luật sư địa phương có nghĩa vụ đảm bảo để Ủy ban kỷ luật thực hiện việc điều tra. Nếu thấy có đủ cơ sở, Ủy ban sẽ ra nghị quyết nêu rõ biện pháp kỷ luật áp dụng. Đoàn Luật sư có nghĩa vụ xử lý kỷ luật luật sư có liên quan một cách thỏa đáng, gồm 4 loại chế tài kỷ luật: (i) Đình chỉ tư cách thành viên trong thời hạn 3 năm; (ii) xóa tên khỏi Đoàn Luật sư; (iii) đình chỉ hành nghề trong thời gian tối đa 2 năm; (iv) khiển trách (không ảnh hưởng đến tư cách và tiêu chuẩn thành viên).
Luật sư bị kỷ luật có thể đề nghị Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản xem xét lại hình thức kỷ luật hoặc hủy bỏ chế tài kỷ luật. Tuy nhiên, không được khiếu nại thẳng lên Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản mà trước hết phải khiếu nại ở Đoàn Luật sư địa phương liên quan. Trường hợp Ban Duy trì kỷ luật của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản thấy khiếu nại có cơ sở thì sẽ chuyển cho Ủy ban kỷ luật của Đoàn Luật sư địa phương liên quan để xem xét. Trường hợp Ủy ban kỷ luật của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản nhất trí hình thức kỷ luật hoặc thấy cần kỷ luật nặng hơn thì Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản sẽ trực tiếp ra quyết định kỷ luật luật sư có liên quan. Nếu Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản bác khiếu nại của luật sư thì họ có thể đề nghị Hội đồng giải quyết khiếu nại của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản xem xét lại vụ việc. Nếu Hội đồng thấy khiếu nại có đủ cơ sở thì ra nghị quyết yêu cầu điều tra lại và chuyển lại cho Ủy ban kỷ luật của Đoàn Luật sư địa phương xem xét.
Ở Đoàn Luật sư địa phương và Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản, Ban Duy trì kỷ luật và Ủy ban kỷ luật đều có các thành viên không phải là luật sư bengoshi được chọn từ những người ngoài Đoàn Luật sư như thẩm phán, công tố viên, giáo sư luật. Hội đồng giải quyết khiếu nại của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản gồm những người không có hiểu biết chuyên môn về các lĩnh vực chuyên môn của luật sư, thẩm phán, công tố viên. Các chế tài kỷ luật luật sư do Đoàn Luật sư địa phương và Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản áp dụng đối với luật sư được công bố trên tạp chí hàng tháng của Liên Đoàn Luật sư Nhật Bản và công báo Chính phủ.
NGÔ CƯỜNG
------
(1) Xem www.nichibenren.or.jp/en/about/profile.html