(LSO) - Theo quy định của pháp luật thì sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, những người tham gia tố tụng có quyền làm đơn đề nghị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, các quy định về giám đốc thẩm trong luật tố tụng còn chung chung, không rõ ràng, khó áp dụng, gây nhiều tranh cãi. Mặt khác, việc giải thích hướng dẫn về thủ tục giám đốc thẩm chưa được quan tâm, nên việc hiểu và thực hiện còn khác nhau.
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là giai đoạn giám đốc thẩm kể từ khi nào? Việc xác định giai đoạn giám đốc thẩm bắt đầu từ khi nào có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó liên quan đến một số hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và của người tham gia tố tụng, trong đó có người bào chữa (luật sư) ở giai đoạn này.
Có ý kiến cho rằng, giai đoạn giám đốc thẩm bắt đầu ngay sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, mọi người đều có quyền làm đơn đề nghị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Từ khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (nếu có kháng nghị) có một khoảng thời gian khá dài, một năm (nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng) và không có thời hạn (nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng).
Trường hợp không kháng nghị thì người có thẩm quyền kháng nghị trả lời không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Từ khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của hội đồng giám đốc thẩm hoặc có công văn trả lời không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo ý kiến này thì sau khi “thụ lý” đơn đề nghị giám đốc thẩm là bắt đầu giai đoạn giám đốc thẩm; mọi hoạt động của tòa án hoặc viện kiểm sát sau khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm là nằm trong “quá trình” giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Trong giai đoạn này, tòa án hoặc viện kiểm sát cấp giám đốc thẩm có thể tiến hành các hoạt động như xác minh, hòa giải hoặc đối thoại giữa các bên tham gia tố tụng.
Ý kiến khác lại cho rằng, theo quy định của luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính thì “giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”. Do đó, giai đoạn giám đốc thẩm chỉ bắt đầu sau khi có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và kết thúc bằng một quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, các hoạt động trước khi có kháng nghị không nằm trong giai đoạn giám đốc thẩm, mà nó chỉ là hoạt động giám đốc việc xét xử, hay nói đúng hơn là các hoạt động tiền tố tụng giám đốc thẩm.
Hơn nữa, về nguyên tắc, sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, dù có đơn đề nghị giám đốc thẩm thì bản án, quyết định đó vẫn phải được thi hành. Chỉ khi nào có quyết định hoãn thi hành án của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì việc thi hành bản án hoặc quyết định đó mới tạm hoãn thi hành.
Nếu sau khi xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm mà người có quyền kháng nghị trả lời “án xử đúng” thì bản án hoặc quyết định tiếp tục được thi hành theo quy định của pháp luật; nếu kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm dẫn đến bản án hoặc quyết định bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và trong quyết định kháng nghị đó có nội dung tạm đình chỉ thi hành án thì bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật tạm thời chưa được thi hành mà phải chờ quyết định của hội đồng giám đốc thẩm. Nếu có kháng nghị nhưng kháng nghị không ghi tạm đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án vẫn được thực hiện bình thường.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về thủ tục giám đốc thẩm nên người phải thi hành án cho rằng, đang khiếu nại cấp giám đốc thẩm và chưa được cấp giám đốc thẩm xem xét trả lời nên không thi hành án, một số cơ quan thi hành án cũng còn nhận thức như vậy. Trong giai đoạn này, tòa án hoặc viện kiểm sát cấp giám đốc thẩm có những hoạt động như tiến hành hòa giải hay đối thoại trước khi quyết định có kháng nghị giám đốc thẩm hay không?
Tuy nhiên, việc hòa giải hay đối thoại này chỉ có ý nghĩa tham khảo, không có giá trị bắt buộc đối với bất cứ một bên nào. Khi chưa có kháng nghị thì tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc viện kiểm sát không thể ra quyết định công nhận hòa giải thành, nên biên bản hòa giải thành hay biên bản đối thoại không có giá trị bắt buộc các bên. Nếu người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm lại căn cứ vào biên bản hòa giải thành hoặc biên bản đối thoại để không kháng nghị, dẫn đến hết hạn kháng nghị thì cũng không thể buộc các bên phải thi hành biên bản hòa giải thành hoặc biên bản đối thoại. Hậu quả là bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng nhưng không được kháng nghị vì quá hạn.
Do đó, tòa án và viện kiểm sát cấp giám đốc thẩm chỉ nên tiến hành hòa giải hoặc đối thoại sau khi đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Việc hòa giải hoặc đối thoại được tiến hành như ở giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thẩm,trong trường hợp này, quyết định công nhận hòa giải thành hay đối thoại có giá trị bắt buộc đối với các bên. Nếu các bên không thực hiện đúng biên bản hòa giải hoặc biên bản đối thoại thì vụ án được đưa ra xét xử giám đốc thẩm.
Xác định giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm kể từ khi có kháng nghị là phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng, bảo đảm tính pháp lý cho một số hoạt động tố tụng của cấp giám đốc thẩm, tái thẩm.
Một vấn đề đặt ra là, nếu xác định giai đoạn giám đốc thẩm kể từ khi có kháng nghị thì người bào chữa lại không có cơ hội tiếp cận hồ sơ vụ án để tư vấn cho người tham gia tố tụng trong việc làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Nếu người bào chữa đã tham gia từ giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thẩm và người tham gia tố tụng tiếp tục nhờ người bào chữa này tham gia giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc tư vấn hay cung cấp dịch vụ pháp lý cho người tham gia tố tụng dễ dàng, còn đối với người bào chữa chưa tham gia giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì việc cung cấp dịch vụ hay trợ giúp pháp lý cho người tham gia tố tụng sẽ gặp khó khăn, thậm chí là không thể thực hiện được, vì không có căn cứ nào để tòa án chấp nhận cho người bào chữa tham gia và như vậy thì cũng không có căn cứ nào để tòa án cho người bào chữa đọc hồ sơ vụ án. Đây là khoảng trống không thể khắc phục.
Do đó, cũng có ý kiến đề nghị, sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, dù chưa phải là giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì cũng là giai đoạn “giám đốc việc xét xử”. Nếu người bào chữa chưa tham gia giai đoạn sơ thẩm hoặc phúc thấm thì sau khi nhận tham gia giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nên có quy định cho người bào chữa được đọc hồ sơ vụ án để tư vấn cho người tham gia tố tụng trong việc làm đơn, kiến nghị với người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Vấn đề người bào chữa tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm đã được Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định.
Theo Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì khi xét thấy cần thiết, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.
Như vậy, chỉ khi nào tòa án xét thấy cần thiết thì mới triệu tập người bào chữa. Tuy nhiên, thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm từ trước đến nay, Tòa án nhân dân tối cao mới hai lần triệu tập người tham gia tố tụng. Một lần là do Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao và một lần là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng việc người bào chữa và người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa giám đốc thẩm như thế nào cũng chưa có quy định nên sau khi họ trình bày ý kiến của mình về vụ án và kháng nghị thì họ ra khỏi phòng xét xử, chứ không ở lại thảo luận hay tranh luận gì với người kháng nghị cũng như đối với hội đồng xét xử giám đốc thẩm.
Còn theo Điều 383 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015: “Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành”.
So với Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì Điều 383 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có sửa đổi, bổ sung nội dung: “Có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”, còn nếu không sửa một phần bản án, quyết định thì vẫn như quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Ngay cả khi có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì việc tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị như thế nào cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Họ có được tranh luận với người kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác không, trình tự thủ tục phát biểu như thế nào… cũng là vấn đề đang bỏ ngỏ.
Thiết nghĩ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nên có văn bản hướng dẫn để tòa án và viện kiểm sát các cấp hiểu và tạo điều kiện cho người bào chữa được đọc hồ sơ vụ án, nhằm trợ giúp pháp lý cho người tham gia tố tụng.
Luật sư HOÀI AN