/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Luật sư thực hiện việc làm chứng theo yêu cầu như thế nào?

Luật sư thực hiện việc làm chứng theo yêu cầu như thế nào?

14/02/2023 08:56 |

(LSVN) - Gần đây, Văn phòng Luật sư của tôi được một nhóm người mời tham gia làm chứng cho giao dịch mua bán một vật mà họ nói là “thiên thạch”. Theo đó Văn phòng chúng tôi cử Luật sư đến làm chứng, ký và đóng dấu xác nhận việc họ mở niêm phong, kiểm tra món hàng, sau đó tiếp tục niêm phong lại, chứ không xác định, làm chứng về tính chính xác của giao dịch, về tính chất pháp lý của món hàng... ​Tôi tìm hiểu và không tin tưởng món hàng đó là thiên thạch và cũng biết nếu đó đúng là thiên thạch - khoáng sản lớn thì người nhặt được, chiếm được sẽ phải giao nộp cho Nhà nước. Vậy chúng tôi có thể cử Luật sư thực hiện việc làm chứng theo yêu cầu trên hay không? Bạn đọc Q.T. hỏi.

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định một số trường hợp Luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng. Cụ thể Quy tắc 11.2 quy định trường hợp Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc khi: “Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của Luật sư mà Luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác”.

Trường hợp bạn hỏi có thể thuộc trường hợp khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật.

Tài sản đó không được kiểm nghiệm, xác định là thiên thạch nhưng các bên đã đưa vào Hợp đồng đặt cọc và đề nghị Luật sư làm chứng, đóng dấu xác nhận vào văn bản thể hiện tài sản đó là thiên thạch. Việc này là có dấu hiệu không trung thực, gian dối, nhầm lẫn hoặc mua bán hàng giả....

Trường hợp nếu các bên có căn cứ, chứng cứ khoa học, pháp lý xác định đó đúng là thiên thạch nhưng các bên cố tình không giao nộp cho cơ quan nhà nước mà thực hiện mua bán với nhau, hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản...

Mặt khác, rất có thể sau đó các bên sẽ sử dụng văn bản, tài liệu chứng từ có đóng dấu, chữ ký của Văn phòng Luật sư, cá nhân Luật sư như một đảm bảo về việc tài sản đó đúng là thiên thạch để phục vụ cho các mục không phù hợp sau này. Do vậy, khuyến nghị bạn không nhận cung cấp dịch vụ pháp lý trong trường hợp này.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Trong giao tiếp xã hội Luật sư cần có thái độ ứng xử đúng mực khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân khác

Bùi Thị Thanh Loan