(LSO) – Mặc dù giấy mời tham dự phiên tòa giám đốc thẩm trong 3 ngày (từ ngày 06-08/5/2020), nhưng Luật sư Trần Hồng Phong sẽ không được tham dự phiên tòa bắt đầu từ chiều ngày 06/8.
Sáng 06/5, TAND tối cao đã kết thúc buổi đầu tiên của phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi, trú tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), người bị kết án tử hình tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm về tội "Giết người" và "Cướp tài sản", trong vụ án sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi.
Khoảng 11h30 ngày 06/5, phiên xét xử giám đốc thẩm của TAND tối cao vụ Hồ Duy Hải kết thúc buổi làm việc đầu tiên.
Trao đổi với Luật sư Việt Nam Online, Luật sư Trần Hồng Phong cho biết ông sẽ không được tham dự phiên tòa giám đốc thẩm bắt đầu từ chiều ngày 06/5.
Theo Luật sư Phong, Chủ tọa phiên tòa cho biết phiên tòa buổi sáng Luật sư đã hoàn thành việc trình bày các chứng cứ mới, do vậy bắt đầu từ phiên tòa buổi chiều trở đi Luật sư không cần tham dự.
Bắt đầu từ chiều nay (06/5), phiên giám đốc thẩm sẽ làm việc nội bộ, chủ yếu là xem xét, đánh giá chứng cứ dựa trên hồ sơ vụ án.
Luật sư Phong nói, đã làm đơn đề nghị được tham gia đầy đủ ba ngày diễn ra phiên giám đốc thẩm. Tuy nhiên, Chủ tọa cho biết đã trao đổi với Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và xét thấy không cần thiết phải có mặt của luật sư. Việc luật sư được mời tham dự và trình bày các chứng cứ mới trong khoảng 30 phút đã được ghi nhận.
Ông cũng đã gặp bộ phận văn thư để trình bày nhiều thông tin, chứng cứ liên quan, nhằm góp phần giúp hội đồng thẩm phán có phán quyết tốt nhất.
“Hy vọng phiên tòa giám đốc thẩm sẽ xem xét một cách khách quan, có phán quyết tốt nhất đối với Hồ Duy Hải”, Luật sư Phong nói.
Tại phiên giám đốc thẩm sáng nay, sau khi Thư ký điểm danh đại điện đượcmời đến phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chobiết, ông rất tiếc khi một số luật sư, kiểm sát viên,... tham gia trong quátrình giải quyết vụ án đã vắng mặt. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là phiêntòa quan trọng, là dịp cùng nhau trách nhiệm để làm rõ, xem xét lại vụ án.
Theo đó, 2 Luật sư là Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM vắng mặt. Người cung cấp chứng cứ vụ án là luật sư Trần Hồng Phong có mặttại phiên xét xử.
Luật sư Phong cho biết, hai Luật sư Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Văn Hòa đều đã tuổi cao, và 1 người đã đi định cư ở nước ngoài. Nếu có mời thì luật sư sẽ đi, nếu không đến sẽ có đơn xin vắng mặt.
Phiên xét xử giám đốc thẩm của TAND tối cao vụ án Hồ Duy Hải: Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao, Chủ tọa phiên xét xử. Hội đồng thẩm phán gồm 17 thành viên. Ông Nguyễn Huy Tiến - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao được viện trưởng ủy quyền đến tham dự phiên tòa. Tham dự phiên tòa còn có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Cục C01, Bộ Công an… Các điều tra viên tham gia điều tra vụ án, gồm: ông Lê Thành Trung – hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; ông Nguyễn Văn Linh - hiện là Phó trưởng phòng PC06, Công an tỉnh Long An có mặt tại phiên tòa. Ông Nguyễn Thanh Phong - hiện là Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải, vắng mặt. Vụ án tử tù Hồ Duy Hải phạm hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản” kéo dài 13 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều. Năm 2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết định không kháng nghị vụ án này. Nội dung vụ án được thể hiện năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết với 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Sáng 14/01/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sau đó, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã tuyên tử hình bị cáo Hồ Duy Hải. Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ bị cáo Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con, đến tháng 10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải. Tuy nhiên ngay sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét kỹ. Tại quyết định kháng nghị mới nhất, Viện KSND tối cao nhận định bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; vụ án có nhiều nội dung cần chứng minh nhưng chưa được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Do đó, VKSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị đề nghị TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. |
LÊ HOÀNG