/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Luật sư trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hành nghề Luật sư. Cách mạng công nghiệp mới tạo ra nhiều lợi ích thiết thực, giúp các Luật sư giải quyết công việc một cách hiệu quả và chính xác. Bên cạnh đó, những thách thức mới cũng đang được đặt ra khiến nghề Luật sư phải thích ứng để bắt kịp sự phát triển chung này. Có thể thấy rằng, bối cảnh phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã đưa giới Luật sư Việt Nam đến với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Đây cũng chính là cơ sở để tiến hành đổi mới và hiện thực hóa định hướng phát triển nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp hoá, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. 

Những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0

Những thách thức mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại không hề nhỏ và nó có thể kéo theo nhiều hệ luỵ. Đặc biệt, đối với một đất nước còn non trẻ và mới tiệm cận với nền kinh tế thế giới thì những thách thức đó còn lớn hơn rất nhiều. Vì thế, chúng ta cần đưa ra được những chính sách quản lý một cách phù hợp với là sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại một nghiên cứu do Hãng luật LawGeex thực hiện với sự trợ giúp của các giáo sư luật tại Đại học Stanford, Đại học luật Duke và Đại học Nam California đã đưa ra 20 Luật sư có kinh nghiệm để chống lại một AI được lập trình cho việc đánh giá hợp đồng pháp lý. Cuộc nghiên cứu được trao 4 bản thỏa thuận để xác định 30 vấn đề pháp lý, bao gồm: trọng tài, bí mật về quan hệ và bồi thường. Họ được yêu cầu xác định chính xác từng vấn đề.

Các Luật sư đạt được tỷ lệ chính xác 85%, trong khi AI đạt được độ chính xác 95%. AI hoàn thành nhiệm vụ trong 26 phút, trong khi các Luật sư con người mất trung bình tới 92 phút. Luật sư nhanh nhất cũng mất đến 51 phút mới hoàn thành việc xem xét (chậm hơn 100 lần so với AI), thâm chí người chậm nhất mất đến 156 phút. AI đạt được độ chính xác lên tới 100% trong một hợp đồng, trong đó Luật sư con người có điểm cao nhất chỉ đạt 97%. Sự việc này làm dâng trào nỗi lo sợ của nhiều người: Có phải đã tới lúc chấm dứt sự tồn tại của nhân loại không? Việc sử dụng AI trong hoạt động pháp luật có thể thực sự giúp các Luật sư tiến hành nhiều phần việc và giải phóng họ để giúp họ tập trung vào các nhiệm vụ tư vấn khách hàng và các công việc có giá trị cao hơn trong ngành luật.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Đối với các Luật sư, công nghệ AI sẽ giúp họ trở thành những Luật sư tốt hơn, góp phần hình thành cách thức hành nghề Luật sư trong tương lai, thậm chí các Luật sư sẽ vui mừng khi AI có thể giúp họ hoàn thành vừa nhanh vừa chính xác những phần việc phải làm. Mặt khác, Luật sư là một nghề có tính đặc thù. Với các Luật sư, tư vấn được đưa ra sau khi xem xét các yếu tố nằm bên ngoài luật như tình hình tài chính của khách hàng hay khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng là những kỹ năng khó có thể phó mặc giao cho máy móc. Chỉ người Luật sư với kinh nghiệm cá nhân đúc kết mới có thể tư vấn cho khách hàng có nên làm như thế nào. Ngoài ra, đặc thù của nghề luật không chỉ là cái lý, mà còn có tình - thứ mà máy móc dẫu có phát triển ở trình độ nào cũng khó mà sở hữu được.

Những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ có những thách thức mà còn đem lại nhiều thay đổi tích cực đối với công việc của các Luật sư. Ngoài việc tranh tụng hay tư vấn, Luật sư cũng thường xuyên phải nghiên cứu tài liệu, hồ sơ pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật. Việc phát triển mạng Internet, số hóa dữ liệu có thể giúp Luật sư làm việc nhanh hơn trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ nhờ công cụ tìm kiếm. Số hóa giúp Luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, sàng lọc tài liệu và dành thời gian để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc. Đưa ứng dụng của công nghệ 4.0 vào thực tiễn giúp các Luật sư xử lý công việc một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên chưa đến mức đe dọa sự tồn tại nghề Luật sư.

Nghề Luật sư vẫn luôn duy trì, đứng vững bởi vai trò quan trọng trên thực tế về kiến thức pháp lý, kỹ năng tranh tụng. Việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động nghề luật đã đem đến thách thức lớn nhưng cũng đem lại nhiều lợi ích. Công nghệ mới giúp cho các Luật sư và các cộng sự trong thực tiễn hành nghề cũng như trong hoạt động học tập, nghiên cứu pháp luật theo cách thức dễ dàng hơn thông qua các phương tiện trên nền tảng của công nghệ số.

Đối với pháp luật về sở hữu trí tuệ

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ cần được mở rộng hơn nữa đối với các đối tượng quyền tác giả để có thể phù hợp với sự phát triển của công nghệ mang lại.

Thứ nhất, cần làm rõ hơn quy định về quyền tác giả trong môi trường số trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Luật nên quy định rõ hình thức thể hiện các tác phẩm dưới dạng hình thức điện tử (văn bản số hoá), quy định tại Điều 4 và Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, cần phải quy định rõ hơn về hành vi sao chép xâm phạm đến quyền tài sản trong môi trường số. Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả có loại trừ những hành vi sao chép không thuộc điểm a, d khoản 1 Điều 25, các hành vi này được coi là sử dụng hợp pháp và không bị coi là xâm phạm quyền tác giả điểm a khoản 1 Điều 25: “Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân”. Điểm đ khoản 1 Điều 25: “Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”. Tôi cho rằng, cần phải có thêm những quy định liên quan đến việc xâm phạm quyền tác giả đối với những hành vi như sao chép video, phim ảnh của cá nhân, tổ chức khác rồi đăng tải lên internet và các mạng xã hội không nhằm mục đích được quy định tại điểm a và đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, cần phải có các chế tài xử lý nghiêm minh và mạnh tay hơn đối với các hành vi, vụ việc xâm phạm quyền tác giả. Đối với các hành vi sao chép sử dụng website và các mạng xã hội để đăng tải những thông tin, hình ảnh, video trái pháp luật thì các biện pháp xử lý xử lý mới chỉ tạm dừng lại ở việc phạt tiền và dừng truy cập các website, mạng xã hội đó mà không thể ngăn chặn triệt để.

Điển hình là website phimmoi.net, sau khi bị dừng truy cập thì đơn vị chủ quản của website đó đã chuyển dữ liệu sang các domain mới như phimmoiz.net, phimmoizz.net, phimmoizzz.net… điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan chức năng. Hay vụ việc lùm xùm về vụ việc giữa BH Media và nhạc sĩ Giáng Son và bản quyền bài hát Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) bị BH Media đánh bản quyền trên mạng xã hội Youtube. BH Media đã đánh Content ID của hàng nghìn bài hát (trong đó có bài hát Tiến quân ca) lên Youtube, điều này đã dẫn đến việc Quốc ca Việt Nam đã bị vi phạm bản quyền khi được phát trên các nền tảng này. Được biết, để sử dụng Content ID thì đơn vị đó phải cam kết rằng tất cả các sản phẩm mà mình đăng ký trên Content ID bắt buộc là sản phẩm độc quyền.

Đặc biệt, khi các đối tượng tranh chấp là nền tảng nước ngoài, sẽ dẫn đến việc xung đột phảp luật gây khó khăn trong việc thực thi. Vì vậy, luật cũng nên quy định rõ thẩm quyền xét xử đối với các vụ kiện xâm phạm bản quyền trong trường hợp này, cũng như cơ chế phói hợp để xử lý các hành vi xâm phạm đối với các website đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng hướng đến đối tượng là người dùng ở Việt Nam.

Đối với pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư

Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay có những tác động không nhỏ đến các mối quan hệ của mỗi cá nhân trong xã hội ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần hình thành và phát triển cách tiếp cận mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến vấn đề này. Trước hết là sự tác động của công nghệ đến việc hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quản lý hộ tịch và giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình, cũng như các dịch vụ công khác. Những thông tin hộ tịch được lấy từ nguồn do cá nhân đã đăng ký, đã được số hoá, chuẩn hoá từ sổ hộ tịch, từ việc được kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này giúp cho mọi việc tìm kiếm dữ liệu trở nên nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, thông tin cập nhật kịp thời, dễ dàng chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này phải đảm bảo việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… đây là vấn đề không hề đơn giản trong sự phát triển mạnh mẽ của Các mạng công nghiệp 4.0.

Ngày càng nhiều vụ lộ, lọt, đánh cắp thông tin, chuyển trao đối dữ liệu, giám sát thiết bị, hành vi người dùng diễn ra trên các ứng dụng (app), website. Các ứng dụng và các website hiện nay thường đòi hỏi người dùng cung cấp thông tin cá nhân để đăng ký, tạo tài khoản sử dụng. Mục đích của việc làm này là nhằm định danh cá nhân người dùng làm cơ sở để cá thể hoá quyền truy cập, các quyền pháp lý, lợi ích được hình thành trong quá trình sử dụng các ứng dụng và website. Và rất nhiều yêu cầu tương tự khi người dùng giao dịch trên các nền tảng trực tuyến. Nhiều ứng dụng và website đưa ra tuyên bố về yêu cầu thu thâp dữ liệu như truy cập hình ảnh, video, tin nhắn, GPS… cần sự đồng ý của người dùng.

Xét về tính đối xứng, thì hai quyền này chi phối quan hệ của hai bên nhưng chưa có sự cân bằng. Về cơ bản, một thông in được cung cấp và khi người dùng không thể biết quy trình xử lý dữ liệu thực tế là gì, cũng như không đủ cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình, thì đó là hạn chế trong quản lý. Hạn chế này có thể lý giải ở việc không hoặc chưa có cơ chế xử lý ổn thoả trong ba mối quan hệ: 1. Giữa doanh nghiệp (bên khai thác sử dụng thông tin người dùng nói chung) và người dùng (liên quan đến cam kết bảo mật dữ liệu như cơ sở pháp lý); 2. Giữa doanh nghiệp và nhà nước (hành vi đăng ký công khai, kiểm soát các chính sách dữ liệu, thông tin người dùng); 3. Giữa người dùng và nhà nước (các cơ chế bảo vệ quyền lợi khi dữ liệu cá nhân bị xâm phạm).

Theo dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Bộ Công an, “Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hành động tác động tới dữ liệu cá nhân, bao gồm thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan”. Theo quy định này, có nhiều hành vi cụ thể được liệt kê liên quan đến xử lý dữ liệu cho thấy vấn đề xử lý dữ liệu có nhiều góc độ kỹ thuật cần thiết được luật hóa, mổ xẻ để làm minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ kiểm soát, nhất là những góc khuất kỹ thuật được xem xét dưới góc độ pháp lý.

Tại Việt Nam, tham chiếu hai đạo luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề này là Luật An toàn thông tin và Luật An ninh mạng, đang có những sự không rõ ràng, trùng lắp và chồng chéo về chức năng và thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước có liên quan. Cụ thể, điều cần làm rõ trước hết là khái niệm An toàn thông tin (Data security) và khái niệm An ninh mạng (Cyber security). Thực tiễn thế giới quan niệm An toàn thông tin là bộ phận cấu thành của An ninh mạng nói chung, là các cấu trúc và hệ thống các biện pháp nhằm vào bảo vệ khía cạnh nội dung vật chất, tức an toàn dữ liệu và thông tin. Trong khi đó, An ninh mạng hướng đến bảo vệ toàn bộ cấu trúc và vận hành của mạng Internet như một hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù có sự khác nhau ở mục tiêu và có tính phụ thuộc, hai phạm trù này về bản chất là một, bởi nếu không có phần nội dung dữ liệu và thông tin thì sự bảo đảm an ninh đối với cơ sở hạ tầng mạng trở nên vô nghĩa; cũng như ngược lại, nếu hệ thống mạng không an toàn thì dữ liệu và thông tin cũng không thể được bảo vệ.

Tuy nhiên, hiện trạng pháp lý đang đặt ra các vấn đề như sau:

Thứ nhất, bên dưới thẩm quyền quản lý tổng thể của Chính phủ, đang có hai Bộ chức năng quản lý cùng một vấn đề chung là bảo vệ an toàn dữ liệu và quyền riêng tư, theo đó Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối quản lý An toàn thông tin mạng, trong khi đó Bộ Công an là cơ quan đầu mối quản lý an ninh mạng.

Thứ hai, các nhiệm vụ trong bảo vệ dữ liệu đang được phẩn bổ và chia sẻ cho nhiều cơ quan như: Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thông tin, quản lý chất lượng bảo đảm an toàn dữ liệu, cấp chứng nhận hợp chuẩn an toàn thông tin mạng... Bộ Công an lại phụ trách quản lý hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (bao gồm tất cả các lĩnh vực quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hoá... của các cơ quan, tổ chức); Ban cơ yếu chính phủ quản lý các vấn đề liên quan đến mật mã dân sự... chưa kể Bộ Quốc phòng lại quản lý về bảo đảm an toàn thông tin riêng trong lĩnh vực mình phụ trách; đặc biệt Uỷ ban nhân dân tỉnh lại xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thông tin mạng; quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng trên địa bàn.

Thứ ba, về nguyên tắc, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đều có quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử phạt vi phạm về an toàn thông tin hay an ninh mạng, tuy nhiên không chỉ rõ cơ quan nào sẽ giải quyết các khiếu nại cụ thể của chủ thể dữ liệu khi bị xâm phạm quyền riêng tư.

Đối với pháp luật tố tụng dân sự

Trong Cách mạng công nghiệp 4.0 việc sử dụng thiết bị điện tử kỹ thuật số, mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội… Việc sử dụng các công cụ này đã để lại các dấu viết điện tử được ghi lại, lưu truyền dưới dạng dữ liệu điện tử như IP, mã độc, domain, thời gian, không gian mạng, thư điện tử, tin nhắn… đây là những chứng cứ được lưu trữ lại trong máy chủ của các thiết bị kỹ thuật. Để sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ việc, vụ thì cần tuân thủ những yêu cầu nhất định như: Việc thu thập dữ liệu điện tử phải hợp pháp; chứng cứ điện tử được sử dụng làm căn cứ trong quá trình tố tụng phải đảm bảo có liên quan và cần thiết, hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu về thủ tục; bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn hoặc chính xác.

Một thông tin được rút ra từ dữ liệu điện tử để được coi là chứng cứ phải đảm bảo thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Để đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ điện tử thì việc thu thập và đánh giá chứng cứ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về bản chất, chứng cứ điện tử có thể bị thay đổi, hư hỏng hoặc bị phá hủy do xử lý hoặc kiểm tra không đúng cách, do đó, cần phải có biện pháp phòng ngừa để có thể thu thập được đúng chứng cứ điện tử.

Hiện nay, Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, khoản 3 Điều 95 còn quy định để xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử thì nguồn chứng cứ là thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử phải được cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản, bảo vệ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án nhưng lại không quy định về biện pháp thu thập nguồn dữ liệu điện tử của Toà án cũng như trình tự, thủ tục thu thập nguồn dữ liệu điện tử. Do đó, cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng toà án điện tử trong giải quyết các vụ, việc dân sự, thông qua đó sẽ nâng cao khả năng tiếp cận công lý và các thông tin của công dân, giảm bớt các công việc hành chính tại toà án, hỗ trợ thẩm phán trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động xét xử của toà án.

Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG

Giám đốc Công ty luật TNHH Sao Sáng

Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026

Lê Minh Hoàng