/ Nghề Luật sư
/ Luật sư và Báo chí: Người bạn đồng hành vì công lý

Luật sư và Báo chí: Người bạn đồng hành vì công lý

20/06/2022 15:14 |

(LSVN) - Thực tiễn đã minh chứng mối liên hệ mật thiết giữa nghề Luật sư và nghề Báo, đó vừa là quan hệ đối tác, cùng phản biện, phản biện đối nhau, và cùng hướng đến mục tiêu bảo vệ con người, bảo vệ công lý. Không quá khi cho rằng Luật sư và Báo chí là người bạn đồng hành vì công lý.

Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang chúc mừng Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Thứ nhất, nghề Luật sư cần Báo chí

Người Luật sư và nghề Luật sư có nhu cầu sử dụng hoạt động Báo chí để truyền thông về con người, công việc, nghề nghiệp của mình đến với các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân nói riêng và toàn thể xã hội nói chung. Điều đó đặc biệt cần thiết và quan trọng đối với nghề Luật sư trong giai đoạn hiện nay khi không gian mạng, đời sống trên không gian mạng đã trở thành xã hội thực, đời sống thực. 

Để phục vụ hoạt động nghề nghiệp, cá nhân Luật sư cần đưa ra xã hội các nguồn thông tin để quảng bá cho mình và Báo chí luôn là cách thức thông tin, truyền thông ra xã hội nhanh nhất, hiệu quả nhất, sâu, rộng nhất.

Trong các vụ án, vụ việc cụ thể, người Luật sư đôi khi cần sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan báo chí để bảo vệ khách hàng, nhất là với các vụ án có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm,… Trong những vụ án đó, Luật sư cần thêm sức mạnh, sự ủng hộ của dư luận xã hội khi tác nghiệp, thông qua hoạt động của cơ quan Báo chí. Ngược lại, nhiều khi Luật sư không mong muốn cơ quan Báo chí đưa tin, bài về khách hàng và cụ việc mình đang thực hiện. Tính độc lập, khách quan cùng yêu cầu chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp đặt ra câu hỏi có nên sử dụng Báo chí và sức mạnh của Báo chí đồng hành giải quyết một vụ việc cụ thể hay không đang là vấn đề có quan điểm trái ngược trong giới Luật sư nhưng thực tế trong các vụ án lớn, phức tạp người Luật sư và Báo chí hiện vẫn đang đồng hành cùng nhau.

Người Luật sư có thiên chức bảo vệ kẻ yếu, nghề Luật sư có tính phản biện và phản biện trực tiếp rất cao, thậm chí dẫn đến sự đối đầu trực tiếp với các chủ thể có quyền lợi ích đối lập với khách hàng trong đó có nhiều chủ thể có quyền lực, có tiềm lực lớn trong xã hội. Điều đó dẫn đến những rủi ro, áp lực thậm chí cả sự đe dọa, bị tấn công về thể chất, tinh thần đối với người Luật sư khi hành nghề… Do vậy, chính Luật sư cũng cần Báo chí hỗ trợ, bảo vệ cho mình khi tác nghiệp. 

Trên thực tế các quyền tư pháp trong đó có quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư không phải lúc nào cũng được tôn trọng, bảo đảm. Sự đồng hành, vào cuộc của Cơ quan Báo chí, ngôn luận góp phần quan trọng đảm bảo các quyền tư pháp nói chung trong đó có quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư được đảm bảo.

Nghề Luật sư có chức năng bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, nghề Luật sư rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Cơ quan Báo chí để cùng đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thứ hai, nghề Báo cần Luật sư

Nghề Luật sư và người Luật sư không chỉ là nguồn cung cấp thông tin mà còn là đối tác, chủ đề quan trọng để báo chí khai thác.

Hiện nay với gần 17 nghìn thành viên, nghề Luật sư ở Việt Nam đã thâm nhập, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, người Luật sư có thể cung cấp cho Báo chí những thông tin tức thời, thông tin nóng, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội.

Là nghề có tính chất chuyên môn sâu, giải quyết tận cùng vấn đề người Luật sư cung cấp cho Báo chí các thông tin chuyên ngành, chuyên sâu trong các khác nhau của cuộc sống từ chứng khoán, đất đai, tiền bạc, tình cảm, tham ô, tham nhũng, mức án, giam - treo, các sự kiện về chính trị, kinh tế, xã hội,…

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình người Luật sư được tiếp cận các nguồn thông tin, chứng cứ, tài liệu có tính chất nhạy cảm, riêng tư, bí mật. Người Luật sư có thể cung cấp các thông tin này cho Báo chí khi đó không phải là tài liệu mật và việc cung cấp thông tin đó không xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân cùng sự cho phép của các bên liên quan.

Trong xã hội có nhiều nhóm chủ thể cùng nắm giữ nguồn thông tin, nhưng nghề Luật sư dễ dàng cung cấp thông tin cho Báo chí hơn so với cán bộ, công chức, đảng viên,… bởi quy định nội bộ của các ngành, nghề về chế độ cung cấp thông tin, chế độ phát ngôn, đại diện,…

Chính bản thân người Luật sư, nghề Luật sư với các câu chuyện về uy tín các nhân, thương hiệu của Luật sư, chuyện nghề, chuyện đời của Luật sư, ứng xử của Luật sư đã là chủ đề có sức thu hút với xã hội và Báo chí mong muốn khai thác.

Thứ ba, Báo chí và Luật sư có sự đồng cảm trước các vấn đề của xã hội

Trên thực tế có nhiều ngành, nghề cũng cần Báo chí và ngược lại Báo chí cũng cần các ngành, nghề đó. Nhưng tại sao giữa Luật sư và Báo chí lại có mối quan hệ mật thiết, có lẽ phải kể đến sự đồng cảm, đồng điệu thậm chí là sự tương đồng giữa người Luật sư và người làm Báo.

Luật sư và Báo chí cùng có thiên chức và xu hướng “bảo vệ kẻ yếu”, cùng có tôn chỉ, mục đích bảo vệ công lý, công bằng. Đặc biệt, đây là hai trong số rất ít nghề thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội và thậm chí là phản biện trực tiếp về các vấn đề trong xã hội. Người Luật sư khi đưa ra quan điểm đồng thuận hay không đồng thuận với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, phản đối, đề nghị với các hoạt động của Cơ quan và người tiến hành Tố tụng mình cho rằng chưa phù hợp… Báo chí với các tin bài, phóng sự, điều tra làm rõ các góc khuất của cuộc sống… Đây chính là những biểu hiện của hoạt động phản biện xã hội trực tiếp, mạnh mẽ của nghề Luật sư và Nghề làm Báo. 

Bảo vệ công lý là chức năng, nhiệm vụ của cả nghề Luật sư và nghề Báo. Có lẽ vì mối liên hệ mật thiết, sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn mà hiện nay nghề Luật sư và nghề Báo không những đã tạo lập mối liên hệ công tác mà đã và đang chuyển hóa, giao thoa cả về lý trí, tình cảm, cùng nhận thức. Mà đỉnh cao  của sự giao thoa đó là hiện có nhiều phóng viên, nhà báo đang học tập và chuyển dần sang kết hợp hành nghề Luật sư và ngược lại. Luật sư vừa là Nhà báo và Nhà báo vừa là Luật sư đang trở thành một hiện tượng, xu thế hiện nay.

Thứ tư, Luật sư được quyền chủ động quan hệ với cơ quan Báo chí và quảng cáo

Xuất phát từ tầm quan trọng cùng mối liên hệ mật thiết giữa Luật sư và Báo chí, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã giành Quy tắc 31 và Quy tắc 32 quy định về quan hệ của Luật sư với Cơ quan truyền thông và quảng cáo. Theo đó, Bộ Quy tắc khẳng định người Luật sư có quyền chủ động trong quan hệ với Cơ quan Báo chí, và thực hiện Quảng cáo; Quyền chủ động cấp thông tin cho Báo chí (QT 31.1); Quyền chủ động viết bài, sử dụng mạng xã hội… (QT 31.3); Quyền chủ động thực hiện các hoạt động, loại hình quảng cáo theo quy định (QT 32).

Thứ năm, yêu cầu đối với Luật sư trong quan hệ với cơ quan Báo chí

Pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cho phép và không hạn chế quyền của Luật sư trong tiếp cận, sử dụng và phối hợp Cơ quan Báo chí. Nhưng cũng đặt ra các yêu cầu đối với Luật sư khi quan hệ với cơ quan Báo chí như yêu cầu về tuân thủ quy định Luật Luật sư, Luật Báo chí và các ngành luật khác có liên quan.

Sự trung thực, chính xác, khách quan là yêu cầu chung đối với hoạt động Luật sư và hoạt động Báo chí. Người Luật sư không thông tin sai sự thật để phục vụ Luật sư hoặc quyền lợi không hợp pháp của khách hàng; người Luật sư không  phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Người Luật sư không sử dụng Báo chí gây mất đoàn kết nội bộ, hạ uy tín đồng nghiệp, uy tín, vị thế của nghề Luật sư… là những yêu cầu bắt buộc đối với người Luật sư khi cung cấp thông tin cho Báo chí. Quy tắc 31 và Quy tắc 32 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định rõ những yêu cầu, chuẩn mực người Luật sư phải tuân thủ trong quan hệ với cơ quan truyền thông, báo chí và thực hiện quảng cáo.

Đảm bảo quyền lợi, ích của khách hàng là yêu cầu tối cao của nghề Luật sư. Do đó, trong quan hệ với Báo chí người Luật sư phải đặt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của khách hàng là yêu cầu tất yếu. Mặt khác, người Luật sư nếu thấy việc cung cấp thông tin cho Báo chí không mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình thì có quyền từ chối phối hợp, đây là sự chủ động của nghề Luật sư khác với việc buộc phải cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cho Báo chí.

Khi cung cấp thông tin cho Báo chí người Luật sư phải bảo mật thông tin của khách hàng; người Luật sư không mượn vụ việc của khách hàng chỉ với mục đích đánh bóng thương hiệu bản thân Luật sư… cũng là những quy định được Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định.

Thứ sáu, một số gợi ý khi Luật sư làm việc cùng cơ quan Báo chí

Người Luật sư nhất là các Luật sư trẻ cần tìm hiểu, trang bị và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để có thể thu hút hoạt động của Báo chí, phối hợp có hiệu quả với Cơ quan Báo chí để phát triển nghề nghiệp của mình đồng thời tránh được các rủi ro cho bản thân, cho khách hàng hoặc ảnh hưởng không tốt đến uy tín, vị thế nghề Luật sư. Người Luật sư nên lưu ý một số vấn đề như phải kiểm soát được nội dung thông tin cung cấp cho Cơ quan Báo chí. Thực tế rằng đôi khi vì nhiều lý do chủ quan, khách quan mà người Luật sư đã cung cấp thông tin cho Báo chí không đúng như mong muốn, ý định.

Người Luật sư cần phải kiểm soát được nội dung Báo chí sử dụng trong số các thông tin người Luật sư đã cung cấp. Thực tế khối lượng thông tin người Luật sư cung cấp cho Báo chí nhiều nhưng Báo chí không thể sử dụng đầy đủ tất cả các thông tin đã khai thác. Việc sử dụng một phần lượng thông tin do Luật sư cung cấp có thể dẫn đến bản chất thông tín, sự việc hoặc mục đích Luật sư cung cấp thông tin cho Báo chí có thể sẽ được độc giả tiếp nhận và hiểu theo hướng khác. Do đó, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như ghi âm buổi làm việc, trả lời bằng văn bản, xem trước nội dung bài đăng… như là cách kiểm soát nội dung thông tin mà Báo chí sẽ sử dụng là cần thiết đối với các Luật sư đặc biệt Luật sư ít kinh nghiệm làm việc cùng Báo chí.

Công việc của Luật sư là công việc lý trí gắn liền với quy định của pháp luật, có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể trong xã hội. Do vậy, việc cung cấp thông tin cho Báo chí người Luật sư cần xác định rõ mục đích, mục tiêu của việc cung cấp thông tin đó là gì từ đó quyết định cách thức, lượng thông tin cung cấp cho Báo chí.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Xây dựng mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan báo chí

Lê Minh Hoàng