/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Luật sư và đạo đức nghề nghiệp

Luật sư và đạo đức nghề nghiệp

14/11/2021 03:41 |

(LSVN) - Nghề Luật sư thật khó để tạo ra những tỉ phú đô la như các ngành nghề khác, nhưng ở đó là sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo: “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.

Đạo đức ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng là rất quan trọng và có lẽ nó còn đặc biệt quan trọng hơn đối với người hành nghề Luật, những Luật sư luôn được khách hàng, xã hội giao phó những trách nhiệm nặng nề cùng với đó là sự giám sát gắt gao. Chính vì vậy, mỗi Luật sư cần phải nỗ lực từng ngày từng giờ, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng còn cần phải nhận thức sâu sắc được vai trò nghề nghiệp của mình làm sao cho xứng đáng với trọng trách, niềm tin được khách hàng gửi gắm.

Một điều đáng buồn là thật không khó để tìm kiếm thông tin về những trường hợp Luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp và bị xử lý kỷ luật làm ảnh hưởng tới uy tín của đội ngũ Luật sư nói chung. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của đội ngũ Luật sư trong thời gian qua đã góp phần ngày càng nâng cao vị thế của nghề Luật sư trong xã hội.

Hiểu rõ được vai trò và trọng trách của nghề Luật sư, bên cạnh đạo đức con người nói chung, đạo đức nghề Luật sư góp phần hình thành nên quy chuẩn ứng xử của Luật sư và việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Bộ Quy tắc đạo đức) là rất kịp thời và quan trọng trong việc bảo đảm sự tin cậy đối với nghề Luật sư và hệ thống pháp luật nói chung.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp và quy định của Luật Luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức ra đời không chỉ để khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức nghề Luật sư, tạo ra hành lang pháp lý cho mỗi người hành nghề Luật sư phải tuân thủ, mà đó còn là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ Quy tắc đạo đức làm chuẩn mực cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Để Bộ Quy tắc đạo đức được được thi hành một cách hiệu quả thì mỗi người hành nghề Luật phải có nhận thức về vai trò của nó. Chính bởi vậy, việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp luôn là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo nghề Luật sư và là một trong những môn thi bắt buộc trong kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư và tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức là điều kiện tiên quyết để trở thành Luật sư tại Việt Nam.

Nghề Luật sư được cho là một nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và do đó xã hội luôn có những đòi hỏi khắt khe hơn rất nhiều về phẩm chất đạo đức của chính các Luật sư. Bởi vậy, bất kỳ thông tin nào về Luật sư chưa phù hợp với chuẩn mực đạo đức luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội và trở thành chủ đề nóng bỏng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Vi phạm các quy tắc đạo đức nghề, không những bị kỷ luật mà bản thân Luật sư đó cũng đánh mất sự tôn trọng của khách hàng, của xã hội và làm mất niềm tin vào giới Luật sư nói chung. Hệ lụy có thể thấy rằng niềm tin ấy sẽ bị suy giảm dẫn tới cản trợ việc khách hàng tiếp cận dịch vụ pháp lý, ảnh hưởng tới nghề nghiệp Luật sư. Vì vậy, người Luật sư không chỉ có trách nhiệm với nghề nghiệp của bản thân mình mà mỗi Luật sư luôn phải giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo đảm tuân thủ quy tắc đạo đức nghề, giữ vai trò và hình ảnh của nghề Luật sư trong xã hội.

Lựa chọn nghề Luật sư đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những Luật sư trẻ. Điều đó càng khiến mỗi Luật sư phải kiên định theo con đường mình đã chọn, làm việc chăm chỉ, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tránh khỏi những cám dỗ của đồng tiền để giữ lấy đạo đức nghề và đạo đức con người.

Không có cách nào để trau đồi đạo đức và kỹ năng nghề Luật sư hữu hiệu hơn là cách tự mình trau dồi bản thân. Các Luật sư trẻ thường đối mặt với nhiều khó khăn trong những năm đầu hành nghề bởi tuổi nghề, kinh nghiệm còn thiếu. Để khắc phục vấn đề này, họ có thể trau dồi bản thân bằng cách tham dự các hội thảo, khóa đào tạo kỹ năng, chia sẻ kinh nghiêm hành nghề luật được tổ chức thường xuyên qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi đạo đức.

Nghề Luật sư đang phát triển nhưng còn nhiều khó khăn. Các Luật sư phải trau dồi để luôn xứng đáng với niềm tin xã hội giao phó. Nâng cao bản lĩnh, giữ đúng đạo đức nghề nghiệp để ngày càng khẳng định vai trò và chiếm được niềm tin của khách hàng, xã hội, để nghề Luật sư ngày càng được trọng dụng và tôn vinh như đúng những gì mà mỗi Luật sư cống hiến cho xã hội. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín, mỗi người Luật sư phải luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp và coi Bộ Quy tắc đạo đức như là kim chỉ nam nghề nghiệp của mình.

Luật sư LÂM VƯƠNG BẠCH

Những người thầy trong nghề Luật sư của tôi

Lê Minh Hoàng