/ Nghề Luật sư
/ Luật sư và ý thức phòng tránh uống rượu, bia khi tham gia giao thông vào dịp Tết Nguyên đán

Luật sư và ý thức phòng tránh uống rượu, bia khi tham gia giao thông vào dịp Tết Nguyên đán

05/02/2024 07:35 |

(LSVN)  - Dịp cao điểm cuối năm, việc tổ chức ăn mừng mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán diễn ra nhiều nơi, tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Điều này vi phạm quy định pháp luật cũng như gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng cho chính bản thân, gia đình và người khác.

Ảnh minh họa.

Tại Quy tắc 1, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định sứ mệnh cao cả của người Luật sư như sau: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Có thể nói, nghề Luật sư đóng vai trò to lớn trong tiến trình phát triển Nhà nước và pháp luật. Thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần tích cực trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chính vì lẽ đó, người Luật sư phải gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, tích cực vận động, lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, trong văn hóa giao tiếp ứng xử, khi tham gia các buổi tiệc tùng dịp Tết Nguyên đán, người Luật sư phải đề cao văn hóa uống rượu, bia đảm bảo theo quy định; tránh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 1, Điều 5, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Đồng thời, tích cực vận động bạn bè, đối tác, người thân trong bữa tiệc tùng khi đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không tham gia giao thông mà thay vào đó là nhờ người không uống rượu, bia hoặc gọi các dịch vụ đưa đón để trở về.

Theo Mục 3.1, Quy tắc 3, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam thì trách nhiệm của người Luật sư là “...coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với luật sư và nghề luật sư”. Do vậy, Luật sư phải luôn là người tiên phong trong việc chấp hành các quy định pháp luật, kể cả trong các hành vi ứng xử thường ngày, nhằm giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Và không chỉ người Luật sư, để tạo nên một cái Tết đủ đầy, an toàn, mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội phải cùng chung tay, có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông để bảo vệ tính mạng của chính mình, của người thân và xã hội.

THANH THỊNH

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan