/ Luật sư - Bạn đọc
/ Luật sư Việt Nam – Vị thế và cơ hội

Luật sư Việt Nam – Vị thế và cơ hội

13/04/2021 04:42 |

(LSVN) - Chức năng xã hội của Luật sư là “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (Điều 3 Luật Luật sư năm 2016 sửa đổi, bổ sung năm 2012). Luật sư khi hành nghề phải thượng tôn pháp luật; lấy đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm chuẩn mực; độc lập trong tư duy, trung thực trong hành động, tôn trọng sự thật khách quan nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của khách hàng thông qua các biện pháp hợp pháp. Đồng thời, đề cao sự chịu trách nhiệm trước pháp luật của mỗi Luật sư. Những tôn chỉ hành nghề này là yếu tố then chốt trong xây dựng đội ngũ Luật sư có chất lượng về chuyên môn; đạo đức, ứng xử là điểm nhấn góp phần bảo đảm công lý được thực thi, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Luật sư Lê Đức Bính. 

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Luật sư Việt Nam, giai đoạn hiện nay là thời cơ lớn để đội ngũ Luật sư tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy văn hóa đạo đức, ứng xử nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tổng số Luật sư của cả nước tính đến ngày 30/4/2020 là 14.178 người, trung bình hơn 700 người được kết nạp Luật sư hàng năm góp phần khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của Luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo yêu cầu của cuộc cải cách tư pháp. 

Đa số các Luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Trong gần 10 năm qua (từ năm 2009 đến 31/12/2018), đội ngũ Luật sư Việt Nam đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội với xu hướng ngày càng đa dạng, hiệu quả, chất lượng và uy tín. Cụ thể, đội ngũ Luật sư đã tham gia vào hơn 133.000 vụ án hình sự; trên 114.000 vụ việc dân sự; hơn 51.000 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại,… Đáng chú ý, đội ngũ Luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu với chất lượng bào chữa ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, đội ngũ Luật sư cũng tham gia tích cực vào công tác góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật; công tác trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương; công tác rà soát thủ tục hành chính từ năm 2011 đến nay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong các cơ sở giáo dục toàn quốc về Luật An ninh mạng, phòng chống bạo lực học đường...

Trong lĩnh vực hình sự, đa số các vụ án hình sự về các tội phạm như tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn, ma túy,… đều có sự hiện diện của Luật sư biện hộ. Luật sư góp phần bảo đảm quá trình giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện và đầy đủ, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội. Các vụ án chỉ định, Luật sư đều tham gia đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo đảm cho bị cáo được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm công lý được thực thi hiệu quả.

Đối với các vụ án dân sự, tranh chấp đất đai, tranh chấp lao động, Luật sư giữ vai trò quan trọng trong hòa giải, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án. Luật sư tham gia vụ án dân sự góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Đối với các tranh chấp đất đai, sự tham gia của Luật sư sẽ làm giảm các tranh chấp đất đai qua việc tư vấn để người dân hiểu về quyền của người sử dụng đất, tránh tranh chấp khiếu nại kéo dài.

Vai trò của Luật sư trong các vụ án kinh doanh thương mại cũng đã dần được khẳng định khi số lượng Luật sư có khả năng sử dụng tiếng Anh, tham gia bảo vệ trong các tranh chấp thương mại ngày càng tăng.

Đối với các vụ án hôn nhân gia đình, tranh chấp quyền nuôi con, vai trò Luật sư thể hiện ở việc tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên trong tranh chấp tài sản chung hôn nhân, tranh chấp con để bảo vệ quyền được chăm sóc tốt nhất cho trẻ em.

Đối với hoạt động tuyên truyền pháp luật, số lượng Luật sư tham gia tích cực công tác tuyên tuyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Đất Đai, Luật Hôn nhân và gia đình tại UBND cấp phường, xã. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật tại trường học cũng được đông đảo Luật sư tham gia và đạt hiệu quả trong giáo dục pháp luật.

Để vai trò của Luật sư ngày càng phát huy trong thời kỳ công nghệ số, Luật sư cần tự học nâng cao và cập nhật thường xuyên quy định pháp luật cùng với kỹ năng sử dụng công nghệ trong quá trình hành nghề. Mặt khác, cần chú trọng tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý. Phấn đấu bảo đảm dịch vụ pháp lý chất lượng cao, xứng đáng với lòng tin của nhân dân và xã hội.

Luật sư LÊ ĐỨC BÍNH

 Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đại hội đại biểu lần thứ X Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thành công tốt đẹp

Lê Minh Hoàng