/ Nghề Luật sư
/ Luật sư với hoạt động xây dựng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền

Luật sư với hoạt động xây dựng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền

08/10/2021 03:15 |

(LSVN) – Hiện nay, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động của Luật sư nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Ảnh minh họa. 

Quản lý xã hội bằng pháp luật đang trở thành mục tiêu của mọi Nhà nước hướng tới trong xã hội hiện đại, đó là đòi hỏi tất yếu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Theo đó, nội dung then chốt của một Nhà nước pháp quyền là bảo đảm dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, pháp luật. Tính tối thượng của pháp luật biểu hiện cụ thể là tính công bằng mà pháp luật áp dụng đối với mọi người tức là trước pháp luật sẽ không có phân biệt địa vị xã hội, tôn giáo hay giới tính…

Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh và mọi quan hệ xã hội đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đó là nền móng cho một xã hội “công bằng, trật tự và an toàn” đối với mọi công dân, khi đó “công lý” luôn được thực thi ở mọi nơi, mọi lúc.

Tại Việt Nam, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994) Đảng ta đã chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” và nêu khá cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam “tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chủ trương cải cách tư pháp của Ðảng, Nhà nước ta đã từng bước đi vào đời sống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp. Hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động của Luật sư nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Với hoạt động của Luật sư là người bảo vệ, giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân, đây là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật đảm bảo và cụ thể là quyền tự bào chữa và nhờ Luật sư, người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Không những thế, chính Luật sư đã đóng vai trò lớn trong cải thiện chất lượng hoạt động tố tụng bao gồm điều tra, truy tố, xét xử. Thông qua sự tham gia của Luật sư trong các hoạt động này, đặc biệt ở giai đoạn xét xử đã nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa giúp hạn chế oan, sai, những vi phạm khác trong hoạt động tư pháp và đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Với vai trò, ý nghĩa không nhỏ trong hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy tụ đội ngũ Luật sư được thành lập vào năm 2009. Kể từ khi thành lập, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trở thành mái nhà chung của hàng nghìn Luật sư trong cả nước, tập hợp, đoàn kết đội ngũ Luật sư trong việc cùng nhau góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế và yếu kém của đội ngũ Luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động xây dựng các Dự thảo văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đại, bám sát với thực tiễn và có tính dự báo cao. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật đến người dân giúp các chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước nhanh chóng tiếp cận được với nhân dân.

Mục tiêu của nền tư pháp suy cho cùng là bảo đảm sự công bằng, dân chủ, nghiêm minh, một nền tư pháp phục vụ nhân dân, mang đậm tính nhân dân và thượng tôn pháp luật. Với những ý nghĩa trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói chung và Luật sư nói riêng đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ Nhà nước pháp quyền.

                                                                     Luật sư NGUYỄN HỒNG TÂM

Luật sư và Kiểm sát viên trong hành trình nghề nghiệp

Lê Minh Hoàng