(LSVN) - Khác với nam Luật sư, trong quá trình hành nghề Luật sư, ngoài việc chuyên môn về mặt sách vở, các nữ Luật sư còn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công việc, đòi hỏi phải nắm bắt rõ hồ sơ, kỹ năng, thực nghiệm, điều tra hiện trường,...
Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số khó khăn trong quá trình hành nghề, Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt cho biết, khác với nam Luật sư, trong quá trình hành nghề Luật sư, ngoài việc chuyên môn về mặt sách vở, các nữ Luật sư còn gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến thực hiện công việc, đòi hỏi phải nắm bắt rõ hồ sơ, kỹ năng, thực nghiệm, điều tra hiện trường,... Đây đều là những công việc rất khó khăn, oai sai nhiều,... đòi hỏi Luật sư, đặc biệt là các nữ Luật sư phải thật mạnh mẽ, cố gắng thực nghiệm hiện trường trong các vụ án giết người, khai quật tử thi,... Nhiều Luật sư trong quá trình hành nghề đã đành phải chấp nhận những rủi ro ngoài mong muốn, họ thậm chí còn bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe.
Theo Luật sư Nga, trở ngại này đến với mình từ cách đây 20 năm, ngày mà nữ Luật sư bước chân vào nghề. Mọi thứ đều rất khó khăn, từ việc nghiên cứu hồ sơ, nhận diện vụ án cho đến các quy định pháp luật. Chưa kể bên cạnh vai trò của một Luật sư thì còn có thiên chức của một người vợ, người mẹ nữa.
“Tuy nhiên, càng tham gia nghiên cứu nhiều vụ án, nhất là những vụ có tình tiết không sáng tỏ thì tôi lại càng bị cuốn hút. Tôi tìm mọi cách để nghiên cứu những hành vi đó có phù hợp với thực tế khách quan, không gian, thời gian hay không. Đam mê, nhiệt huyết, lòng yêu nghề cứ vậy mà đẩy lùi những trở ngại này về phía sau. Đặc biệt, được gia đình hết lòng ủng hộ nên tôi cũng có nhiều thời gian cho các vụ án hơn”, Luật sư Nga chia sẻ.
Đối với các vụ thương mại quốc tế thì phải đòi hỏi dành nhiều thời gian, toàn tâm toàn ý với một kho hồ sơ rất nhiều tài liệu. Vậy thời gian nào là thời gian dành cho gia đình, cho bản thân? Vì vậy, các nữ Luật sư phải có một niềm đam mê với nghề luật để họ có thể tự cân bằng được cuộc sống của họ.
Ba vụ án oan lớn luật sư Nga từng tham gia Vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Ông Nguyễn Thanh Chấn (trú Việt Yên, Bắc Giang) từng bị kết án oan chung thân về tội giết người. Sau hơn 10 năm ngồi tù oan cùng chặng đường kêu oan đằng đẵng, ông được minh oan, xin lỗi và bồi thường hơn 7 tỉ đồng. Trong vụ án này, Luật sư Vũ Thị Nga là người tích cực tham gia cùng gia đình ông Chấn kể từ giai đoạn kêu oan. Vụ án Hàn Đức Long : Ông Hàn Đức Long (Tân Yên, Bắc Giang) từng bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại một cháu bé hàng xóm. Sau hơn 11 năm ngồi tù, ông được các cơ quan tố tụng xác định là oan, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai. Hiện vụ việc trong giai đoạn thương lượng tiền bồi thường. Ở vụ án này, Luật sư Vũ Thị Nga là một trong những Luật sư kiên trì theo đuổi, đồng hành cùng gia đình ông Long. Vụ án bà Đặng Thị Nga cùng các con: Đây là một trong những vụ án oan khủng khiếp nhất, bởi bà Đặng Thị Nga (trú huyện Tuần Giáo, Điện Biên) cùng hai con trai bị cáo buộc sát hại chính chồng, cha của mình. Sau hơn 30 năm mang án oan, tháng 10/2017, TAND tỉnh Điện Biên đã tổ chức xin lỗi công khai đối với mẹ con bà. Đến thời điểm hiện tại, Luật sư Vũ Thị Nga cùng gia đình bà Nga bước đầu đạt được thỏa thuận bồi thường hơn 13 tỉ đồng. |
Chia sẻ về cơ duyên đến với các vụ án oan thời gian qua, Luật sư Nga cho biết: “Dường như có một mối duyên vô hình gắn kết tôi với những vụ án gai góc này. Chúng xảy ra ở khắp các tỉnh, thành và bằng cách nào đó thì thân nhân của những người bị oan họ tìm tới tôi. Mỗi lần như vậy, công việc đầu tiên là đánh giá các lời khai cũng như diễn biến, kết quả xét xử trên bản án. Bằng linh cảm cùng kinh nghiệm của bản thân, Luật sư sẽ cảm nhận được vấn đề đang nằm ở đâu”.
Khó khăn đầu tiên và cũng lớn nhất là các vụ án oan đều diễn ra trong một thời gian dài, tập trung cả một đội ngũ người tiến hành tố tụng.
Điều này khiến hồ sơ vụ án gần như được “làm tròn”, khi đó Luật sư chỉ có một niềm tin nội tâm qua việc tiếp xúc với bị can hay người thân của họ. Có những vụ án khi mới tiếp xúc thì thấy rằng CQĐT, VKS đã làm kỹ rồi, tòa xét xử và trả hồ sơ nhiều lần rồi thì Luật sư còn gì nữa mà làm. Nếu không có kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ, niềm tin nội tâm thì chắc chắn sẽ bỏ qua.
Bên cạnh đó, ngoài kinh nghiệm về mặt pháp luật thì cũng phải lắng nghe thân chủ, gia đình của họ, thậm chí là hàng xóm để xem động cơ, mục đích gây án của họ là gì. Và để làm được điều này thì đương nhiên là cần rất nhiều thời gian, tâm huyết. Sau khi có những điều trên, Luật sư phải đưa ra được suy nghĩ, phân tích, đánh giá của mình để gửi tới những cơ quan có thẩm quyền cao hơn xem xét.
Oan, sai có rất nhiều để nói. Khi minh oan được cho một người, nó có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ với cá nhân và gia đình họ mà còn với chính Luật sư và lớn hơn là việc quyền con người được đảm bảo.
Đối với những gia đình có oan sai, hơn ai hết họ là người tiếp xúc với người thân và vụ việc từ đầu, do đó họ phải có quyết tâm, có niềm tin và đặc biệt là không nản chí. Phải tìm mọi cách tiếp cận, gần gũi với người thân để lắng nghe, chuyển tải lời kêu oan đưa ra bên ngoài.
Nhiều trường hợp đơn từ gửi đi nhiều nơi nhưng không nói hết được các khúc mắc trong vụ án. Điều này đòi hỏi họ phải tìm đến một tổ chức hành nghề Luật sư đủ tin cậy. Luật sư sẽ tư vấn cho họ hướng giải quyết vụ việc, đồng hành cùng họ gõ cửa các cơ quan tố tụng.
Nhân ngày 08/3, Luật sư Nga cũng gửi lời chúc sức khỏe đến các nữ Luật sư, thêm một ngày nhiệt huyết để tạo động lực hoàn thành các công việc về chuyên môn, chức năng, thiên chức của phụ nữ, có thêm động lực, tâm huyết với nghề Luật sư.
THANH THANH