Nghị định 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2024.
Trong đó đáng chú ý, Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 8 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Cụ thể: “b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, khoản 5a, các điểm c, d và e khoản 6, khoản 7 Điều này”.
Như vậy, từ ngày 15/11/2024, Luật sư có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm sau:
- Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư;
- Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác;
- Sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Hành nghề luật sư tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề; chưa được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam hoặc vẫn hành nghề khi đã bị tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
- Cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật;
- Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật;
- Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;
- Tham gia lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư;
- Thực hiện hoạt động dịch vụ pháp lý khác không đúng theo quy định tại Điều 30 của Luật Luật sư.
Có thể thấy, so với quy định tại điểm b khoản 8 Điều 6 tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP trước đây thì Nghị định 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng đối với Luật sư hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hiện nay, tại Chương IV Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ, ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc quy định rõ về quan hệ của Luật sư với cơ quan, người tiến hành tố tụng. Theo đó, về quy tắc chung khi tham gia tố tụng, Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà Luật sư tiếp xúc khi hành nghề; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Về ứng xử tại phiên tòa, Luật sư phải chấp hành nội quy phiên tòa, nội quy phòng xử án, tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa và Hội đồng xét xử; tôn trọng người tiến hành tố tụng, Luật sư đồng nghiệp và những người tham gia tố tụng khác; có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa; có thiện chí, hợp tác khi giải quyết các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến trật tự hoặc tiến trình giải quyết vụ việc tại phiên tòa.
Trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, Luật sư phải tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.
Trước những hành vi sai trái, thái độ thiếu tôn trọng Luật sư hay khách hàng của Luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, Luật sư luôn giữ bình tĩnh và thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật.
Theo Quy tắc 28 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng gồm:
- Phát biểu những điều biết rõ là sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nơi công cộng về những vấn đề có liên quan đến vụ việc mà mình đảm nhận hoặc không đảm nhận nhằm gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
- Phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng.
- Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.