Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo Bộ GTVT, để mở rộng dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đơn vị tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ điều chỉnh theo hướng bỏ khoản 2, Điều 2, Nghị định 139/2018/NĐ-CP. Như vậy, các cơ sở kiểm định của Công an, Quân đội đáp ứng các điều kiện quy định thì được tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Ngoài ra, dự thảo vẫn giữ quy định: “Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân thì cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”.
Theo lý giải của Bộ GTVT, việc giữ quy định này nhằm mục đích để giải quyết tình huống cấp bách khi hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng được Bộ GTVT chỉnh lý theo hướng không hạn chế các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô tham gia vào hoạt động kiểm định xe cơ giới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, Bộ GTVT cho biết dự thảo Nghị định theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Cục Đăng kiểm, Sở GTVT và chức năng cung cấp dịch vụ của các đơn vị đăng kiểm.
Theo đó, Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thống nhất quản lý hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước; Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Bộ GTVT cũng đưa ra lộ trình chuyển tiếp hoạt động để Sở GTVT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, kể từ ngày 01/01/2026, Sở GTVT thay Cục Đăng kiểm thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.
Đối với các Sở GTVT chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp tại Nghị định thì Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục thực hiện và có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho Sở GTVT.
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung quy định Trung tâm đăng kiểm quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại đơn vị đăng kiểm.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho hay, thời gian vừa qua đã phát sinh trường hợp một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới lợi dụng tình trạng ùn tắc phương tiện để trục lợi. Điển hình như vụ việc “cò khám xe nhanh” ở Bắc Ninh mới phát sinh trong thời gian vừa qua. Do đó, đề xuất này để nâng cao trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm nhằm thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới…
Về thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của các Trung tâm Đăng kiểm có sai phạm, Bộ GTVT không đề xuất “cứng” 03 tháng như dự thảo trước đây, mà chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể đối với trường hợp nào thì bị tạm đình chỉ hoạt động 01 tháng và trường hợp bị tạm dừng hoạt động 03 tháng. Mục đích của cơ quan soạn thảo là tránh tiêu cực trong xử phạt.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ khoản 5, Điều 11, quy định đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận trong trường hợp “có từ 05 lượt đăng kiểm viên trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 03 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục”.
Theo lý giải của Bộ GTVT, đây là hành vi vi phạm của cá nhân đăng kiểm viên, đã được xử lý bởi các quy định pháp luật khác...
TRẦN VŨ
Những thay đổi về mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình từ 01/7