GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì hội thảo trực tuyến.
Buổi hội thảo do GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đồng thời là Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế Huế tại TP. HCM chủ trì.
Gần 200 điểm cầu trên cả nước đã kết nối tham gia hội thảo, bao gồm các bệnh viện tỉnh, các bệnh viện huyện, các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 và các cán bộ y tế quan tâm đến công tác điều trị Covid-19.
Hội thảo đã tập trung chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng thuốc chống đông trên bệnh nhân Covid-19; về ứng dụng các xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19; về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, từ hướng dẫn đến kinh nghiệm thực hành qua kinh nghiệm thực tế tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19. Trong phiên thảo luận, các đầu cầu đã tham gia ý kiến sôi nổi, đưa ra nhiều câu hỏi hay, mang tính chất thực tiễn. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng đã báo cáo một ca lâm sàng bệnh nhân Covid-19 nguy kịch và đưa ra các vấn đề cần bàn luận trong hội thảo. Các câu hỏi, các vấn đề thắc mắc đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Trong thời gian qua Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những đơn vị chủ lực tổ chức các buổi hội thảo, hội chẩn, đào tạo trực tuyến (Telehealth) trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth Center) của Bệnh viện được khai trương và đưa vào hoạt động ngày 01/9/2020, đã tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, hội chẩn, tư vấn, đào tạo trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, kết nối trực tuyến với hàng trăm đầu cầu khác là các đơn vị y tế khu vực miền Trung -Tây Nguyên.
Việc triển khai thực hiện tốt hoạt động Telehealth đã góp phần nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4, ngoài đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Bệnh viện cũng đã tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ tổ chức thiết lập hệ thống và hỗ trợ điều trị Covid-19 cho các bệnh viện ở Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Quận 10 TP. HCM … Bệnh viện đã cử các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Y tế tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế đã thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. HCM là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. HCM; có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại TP. HCM.
Từ đầu tháng 8/2021 đến nay Trung tâm ICU thuộc Bệnh viện TW Huế tại TP. HCM đã phát huy rất hiện quả, cho đến nay Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị duy nhất vẫn tiếp tục vận hành hoạt động Trung tâm ICU theo mô hình Bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trọ cho TP. HCM. Theo thống kê kết quả hoạt động cũng như đánh giá của lãnh đạo TP. HCM và Bộ Y tế thì đây là một trong những trung tâm đã hỗ trợ rất hiệu quả với đa phương thức hoạt động từ cấp cứu hồi sức, điều trị, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội chẩn trực tuyến…, và cho đến ngày 03/12/2021 tại Trung tâm đã huy động đến 831 nhân lực của 5 bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện Trung ương Huế chiếm trên 50% tổng nhân lực, còn lại là các Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, C Đà Nẵng, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Phong Da liễu Quy Hòa.
Trung tâm với quy mô 600 giường, trong đó 252 giường Hồi sức nguy kịch, 250 giường hồi sức, với hệ thống cận lâm sàng hoàn chỉnh từ chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh với gần 20.000 mẫu PCR, hàng chục ngàn mẫu xét nghiệm khác đã đáp ứng cho công tác điều trị và đã tiếp nhận gần 1.800 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nặng từ các tuyển chuyển đến trên 1.500 bệnh nhân, đã điều trị khỏi và ra viện là 1.300 bệnh nhân, thực hiện gần 10.000 các thủ thuật và phẫu thuật, triển khai hầu hết các kỹ thuật cao cấp trong điều trị như ECMO, lọc máy liên tục, chạy thận nhân tạo… đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch và đặc biệt là chưa để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong Trung tâm điều trị.
Với kinh nghiệm tổ chức Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại TP. HCM, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị sẵn các phương án thiết lập, chuyển đổi công năng cơ sở 2 (tại huyện Phong Điền) trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 khu vực miền Trung. Ngoài ra, các kỹ thuật chuyên môn và công nghệ cao trong chữa trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thường xuyên, hiệu quả như hội chẩn từ xa, hội chẩn hồi sức cấp cứu từ xa, robot theo dõi bệnh nhân khi gặp sự cố để bám sát tình trạng sức khỏe các ca bệnh khi có vấn đề kịp thời.
Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả của Telehealth, bám sát hơn nữa chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp trực tuyến ngày 01/12/2021 về việc tăng cường Telehealth trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo, chỉ đạo tuyến trong tình hình mới, Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục tổ chức thường xuyên các buổi trực tuyến với nhiều chuyên đề khác nhau, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 5500/QĐ-BYT ngày 30/11/2021 của Bộ Y tế về việc Phân công các bệnh viện tuyến trên tiếp tục hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ cho TP. HCM trong công tác đánh giá, tổ chức hệ thống và các điều kiện cho công tác thu dung điều trị; Công tác đào tạo, hội chẩn từ xa, giao ban và hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực; Nâng cao năng lực và giám sát về chất lượng cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong thời gian tới, Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động trực tuyến thường xuyên để hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện các tuyến trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, tiếp tục cập nhật kinh nghiệm từ tuyến đầu chống dịch, ngoài các chuyên để về điều trị lâm sàng, sẽ tiếp tục cập nhật kịp thời các lĩnh vực cận lâm sàng, tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược, vật tư thiết bị và các công tác hậu cần khác cho công tác phục vụ điều trị bệnh nhân.
HOÀNG NGHĨA
Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự