Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự

21/11/2021 22:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn so với BLTTHS năm 2003 về đối chất (Điều 189) và thực nghiệm điều tra (Điều 204) trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. BLTTHS năm 2003, không quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc đối chất, thực nghiệm điều tra, trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, kiểm sát viên chủ yếu kiểm sát việc đối chất, thực nghiệm điều ra thông qua biên bản đối chất, biên bản thực nghiệm điều tra do điều tra viên thực hiện. Để nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên trong kiểm sát hoạt động điều tra, BLTTHS năm 2015 đã quy định bổ sung Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất, thực nghiệm điều tra và trường hợp cần thiết Kiểm sát viên tiến hành đối chất, thực nghiệm điều tra vụ án hình sự.

  Ảnh minh họa. 

Theo quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015, đối chất là biện pháp điều tra được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ, qua đó xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án.

Theo quy định tại Điều 204 BLTTHS năm 2015, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Những vướng mắc khi tiến hành đối chất và thực nghiệm điều tra vụ án hình sự

Thực tiễn giải quyết án cho thấy, việc nhận thức và áp dụng biện pháp đối chất và thực nghiệm điều tra giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng còn có những quan điểm, nhận thức khác nhau, chưa thống nhất về vấn đề có cần thiết phải tiến hành đối chất, thực nghiệm điều tra hay không? Đây là cơ sở thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để có nhận thức đúng và thống nhất đối với biện pháp đối chất và thực nghiệm điều tra trong hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự.

Vướng mắc về đối chất

Thứ nhất, chưa có quy định đối chất của Thẩm phán tại phiên tòa

BLTTHS năm 2015 chưa có quy định đối chất của Thẩm phán tại phiên tòa, mặc dù hoạt động đối chất tại phiên tòa trên thực tế có thực hiện. Quá trình xét hỏi, tùy tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ án xét thấy lời khai của các bị cáo mâu thuẫn với lời khai có trong hồ sơ vụ án hoặc tại phiên tòa, bị cáo phản cung không nhận tội. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa cho đối chất giữa các bị cáo hoặc giữa bị cáo với bị hại, với người làm chứng và những người có liên quan, để làm rõ những tình tiết còn mâu thuẫn, Thẩm phán công bố lời khai của họ tại giai đoạn điều tra nếu thấy lời khai tại phiên tòa có mâu thuẫn, cho cách ly giữa bị cáo này với bị cáo khác, sau đó cho đối chất giữa các bị cáo để làm sáng tỏ bản chất, sự thật của vụ án.

Có quan điểm cho rằng, việc xét hỏi của Thẩm phán đối với bị cáo tại phiên tòa để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, sử dụng các chứng cứ có tại hồ sơ và qua xét hỏi công khai tại phiên tòa để kết luận bị cáo có phạm tội như cáo trạng đã truy tố hay không thể hiện kỹ năng về nghiệp vụ, bản lĩnh của người Thẩm phán và đó là kỹ năng nghiệp vụ cần phải có, nên không cần thiết phải quy định riêng điều luật đối chất tại phiên tòa.

Theo quan điểm tác giả, cần phải có một điều luật riêng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đối chất tại phiên tòa của Thẩm phán, trên cơ sở quy định của luật, trường hợp có mâu thuẫn, xét thấy cần thiết thẩm phán cho tiến hành đối chất giữa các bị cáo hoặc giữa bị cáo với bị hại và những người làm chứng, những người có liên quan để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, để kết luận bị cáo có tội hay không.

Thứ hai, về đối chất khi vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm

Vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra, Điều tra viên có được tiến hành đối chất hay không. Vấn đề này cũng có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, vụ án đang trong quá trình xử lý, giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, cơ quan điều tra không được tiến hành biện pháp đối chất, vì nếu tiến hành đối chất trong giai đoạn giải quyết tin báo về tội phạm là vi phạm thủ tục tố tụng. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả, vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, mặc dù chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, chưa có quyết định khởi tố bị can, nhưng xét thấy có những mâu thuẫn mang tính chất quyết định để xem xét có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không, cần thiết cơ quan điều tra, Điều tra viên cho tiến hành đối chất để xác định có hay không có hành vi phạm tội, tội phạm và kết quả đối chất là cơ sở, nguồn chứng cứ để xem xét giải quyết vụ án.

Thứ ba, về đối chất giữa những người chưa có lời khai hoặc những người không buộc phải khai báo

Đối chất chỉ có thể được tiến hành giữa những người có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự và đồng thời phải là những người đã có lời khai về các tình tiết của vụ án, không thể đối chất giữa những người chưa có lời khai hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề này còn có quan điểm chưa thống nhất.

Ví dụ: Trong vụ án "Gây rối trật tự công cộng", bị can Q. không khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng các bị can khác khai Q. có thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp này có những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải tiến hành đối chất giữa bị can Q. với các bị can khác để làm rõ hành vi phạm tội của Q. Theo quan điểm tác giả, tình huống nêu trên không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất, vì Q. không khai nhận hành vi phạm tội của mình cần được xác định là không có lời khai của Q. về các tình tiết của vụ án nên không có cơ sở để tiến hành đối chất theo quy định; trường hợp này đồng nghĩa với việc bị can im lặng, không khai báo nên không thuộc trường hợp phải tiến hành đối chất.

Vướng mắc về thực nghiệm điều tra

Thứ nhất, Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra theo trình tự, thủ tục nào?

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS năm 2015, thì Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa cũng có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra. Trong khi đó, Điều 204 BLTTHS chỉ quy định trình tự, thủ tục áp dụng cho trường hợp Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiến hành biện pháp thực nghiệm điều tra. BLTTHS không có quy định việc thực nghiệm điều tra của Tòa án, Thẩm phán. Như vậy, vấn đề đặt ra là Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra theo trình tự, thủ tục nào?

Thứ hai, Kiểm sát viên tiến hành thực nghiệm điều tra có phải thông báo cho Điều tra viên không?

Khoản 2 Điều 204 BLTTHS có quy định: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản”. Vấn đề chưa rõ điều tra viên phải thông báo cho Viện Kiểm sát bằng văn bản hay hình thức nào? Với trường hợp Kiểm sát viên tiến hành thực nghiệm điều tra thì Kiểm sát viên có phải thông báo cho Cơ quan điều tra, Điều tra viên hay không. Vấn đề này quy định chưa rõ, vì vậy cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, trường hợp nào Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành thực nghiệm điều tra?

Qua thực tiễn áp dụng quy định về thực nghiệm điều tra thấy còn có vướng mắc như vi phạm quy định về thực nghiệm điều tra, thể hiện ở việc không tổ chức thực nghiệm để kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không; người làm chứng, bị hại có thể trông thấy, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mà thực hiện ở nơi khác, dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng.  

Đối với tình tiết quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì hiện đang có một số quan điểm chưa thống nhất. Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về vần đề thực nghiệm điều tra trong vụ án hình sự. Theo đó, thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Do vậy, trong mọi trường hợp khi thực nghiệm điều tra cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án. Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với trường hợp tình tiết điều luật quy định “diễn lại hành vi, tình huống” thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, mà chỉ cần tại một địa điểm nhất định như trụ sở làm việc hoặc tại nơi giam, giữ bị can là đúng quy định.

Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho bị can, bị hại, người làm chứng diễn lại hành vi mà bị can khai nhận để kiểm tra, xác minh lại tình tiết đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự không nhất thiết phải diễn tả tại nơi hiện trường xảy ra vụ án. Bởi vì, nếu thực nghiệm tại nơi xảy ra vụ án, thì công tác bảo vệ hiện trường phức tạp, tốn công sức cũng như chi phí cho công tác thực nghiệm điều tra.

Theo quan điểm tác giả, biện pháp thực nghiệm điều tra tại hiện trường nơi xảy ra vụ án phải trong các trường hợp nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án như: Kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể trông thấy việc làm, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không? Theo đó, trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án.

Đối với trường hợp lời khai của bị hại, bị can mâu thuẫn nhau, ví dụ: Bị hại khai bị chém bốn nhát dao vào đầu, vai, lưng, tay gây thương tích, nhưng bị can cho rằng không có chém mà chỉ dùng dao quơ qua, quơ lại không biết trúng vào đâu. Trường hợp này, chỉ cần cho bị can, bị hại diễn tả lại hành vi chứ không nhất thiết phải dựng lại hiện trường nơi xảy ra vụ án.

Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Qua những vướng mắc đã nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất khi tiến hành đối chất, thực nghiệm điều tra giải quyết vụ án hình sự, cụ thể những vấn đề sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trường hợp thẩm phán tiến hành hoạt động đối chất tại phiên tòa và trình tự thủ tục trường hợp Thẩm phán tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án hình sự; quy định cụ thể Cơ quan điều tra, Điều tra viên được tiến hành đối chất trường hợp vụ án đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm, để quyết định có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay không.

Thứ hai, hướng dẫn cụ thể khoản 1, 5 Điều 189 BLTTHS trường hợp nào Điều tra viên, Kiểm sát viên phải tiến hành đối chất; không đối chất giữa những người chưa có lời khai hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Hướng dẫn khoản 1 Điều 204 BLTTHS về thực nghiệm điều tra để thống nhất áp dụng: Đối với trường hợp chỉ cho diễn lại hành vi thì không nhất thiết phải thực nghiệm tại hiện trường xảy ra vụ án mà chỉ cần một địa điểm nào đó thuận tiện cho việc bị can, bị hại, người làm chứng diễn tả lại hành vi là đảm bảo đúng thủ tục tố tụng.

Thứ ba, bổ sung lập biên bản thực nghiệm điều tra Điều 204 BLTTHS: “Biên bản thực nghiệm điều tra được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này”. Hướng dẫn khi thực nghiệm điều tra để kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không; người làm chứng, bị hại có thể nhìn thấy việc làm, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bắt buộc phải thực hiện tại hiện trường nơi xảy ra vụ án, thời gian, địa điểm phải đồng nhất với thời gian, địa điểm mà bị can thực hiện hành vi phạm tội, trừ trường hợp hiện trường bị xáo trộn, hoặc hiện trường vụ án đã thay đổi không thể khắc phục được thì chỉ cần cho diễn lại hành vi tại một địa điểm nào đó là đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, bổ sung khoản 2 Điều 204 BLTTHS cụm từ “để cử kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra”, cụ thể: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra”.

Thứ năm, giao quyền quyết định thực nghiệm điều tra cho Điều tra viên, vì vậy khoản 1 Điều 204 BLTTHS nên sửa đổi “Khi cần kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Điều tra viên có thể thực nghiệm điều tra. Khoản 4 Điều 204 BLTTHS cũng nên sửa đổi theo hướng ‘‘Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành thực nghiệm điều tra’’.

Nhận thức đúng và đầy đủ về đối chất và thực nghiệm điều tra có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận cũng như thực tiễn, có nhận thức đúng thì việc áp dụng để giải quyết vụ án hình sự mới đạt hiệu quả, nếu nhận thức không đúng thì dẫn đến việc áp dụng tùy tiện gây tốn kém về thời gian và công sức cho những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

                                                        Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

                                                          Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015