Binh nghiệp
Pyotr Semenovich Makhrov sinh năm 1876 ở Tambov, nhưng đã trải qua thời thơ ấu tại thành phố Borisov. Mặc dù cha của vị tướng tương lai là một nhân viên lâm nghiệp, bản thân Pyotr vẫn quyết định cống hiến cuộc đời mình cho nghề binh. Như Anatoly Romanov viết trong một cuốn sách của mình, Makhrov đã chọn Trường thiếu sinh quân Vilna gần nhà nhất để theo đuổi sự nghiệp; sau đó, ông vào Học viện Bộ Tổng tham mưu Nikolaev.
Trong thời gian học tập, khi được tin cuộc chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, Pyotr Makhrov từng khẩn khoản xin gặp cấp trên, tình nguyện ra mặt trận. Năm 1907, sau khi tốt nghiệp Học viện, Makhrov được điều về Trung đoàn bộ binh số 105 Orenburg. Năm 1914, Đại úy Makhrov tạm thời làm Tham mưu trưởng sư đoàn 34; tháng 01/1917, với quân hàm Đại tá, Makhrov được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn Bộ binh Siberia số 13 - Trung đoàn đã tỏ ra xuất sắc trong các trận chiến gần Riga vào tháng 08/1917.
Cùng năm đó, sau cuộc cách mạng của giai cấp vô sản, Pyotr Makhrov đứng về phía Bạch vệ. Lúc đầu, viên Tướng này không muốn tham gia vào cuộc nội chiến, đặc biệt là kể từ khi anh trai ông là Nikolai gia nhập Hồng quân. Nhưng sau đó ông vẫn gia nhập hàng ngũ Quân tình nguyện ở Crimea. Ngày 16/3/1920, tướng Makhrov được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nam Nga thay tướng Romanovsky.
Ngày 22/3/1920, tướng Wrange được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh mới. Ngày 08/6 cùng năm, Makhrov được Wrange thăng hàm Trung tướng, và ngày 16/6, được bổ nhiệm làm Đại diện quân sự của Tổng tư lệnh quân Nam Nga tại Ba Lan, nơi ông được chỉ thị thành lập Quân đoàn Nga số 03 từ tàn dư của quân Bạch vệ đóng tại đó.
Tuy nhiên, ngày 12/10/1920, một hiệp ước hòa bình giữa phía Liên Xô và Ba Lan đã được ký kết tại Riga. Thay vì thành lập quân đội, Makhrov phải đối phó với việc bố trí và bảo vệ những người lính Nga, Kavkas và các sĩ quan ở lại Ba Lan sau Hiệp ước Riga, và vẫn là đại diện của Tướng Wrangel tại Ba Lan cho đến tháng 12/1924.
Di cư và cuộc tấn công của Đức Quốc xã
Sau lệnh của Wrange, Pyotr Makhrov và gia đình chuyển từ Ba Lan đến Pháp. Theo Valery Claving - tác giả ấn phẩm “Các sĩ quan cấp cao của đội quân Bạch vệ” - trong một thời gian, nhà Makhrov sống ở Paris, nhưng 07 năm sau, họ chuyển đến Cannes. Không còn phương tiện mưu sinh nào khác, ở nơi đất khách quê người, viên tướng này làm những công việc lặt vặt như dạy tiếng Anh và tiếng Nga.
Ngoài ra, Makhrov (được xác nhận bởi Tướng von Dreyer - người biết Pyotr Semenovich từ Học viện Bộ Tổng tham mưu) có năng khiếu viết lách, và do đó, nhận được một khoản thu nhập nhỏ từ các ấn phẩm trên báo di cư. Nhìn chung, cho đến năm 1941, Pyotr Makhrov sống khá bình lặng. Tuy nhiên, khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra, ông đã không thể thờ ơ với số phận của quê hương mình.
Như chính Makhrov đã nhớ lại trong ấn phẩm “Những cái tên vinh quang của Bạch Nga. Cận vệ trắng của Bạch Nga”, cuộc tấn công của Đức đã gây sốc cho ông đến mức, vào ngày thứ hai của cuộc chiến, viên cựu Tướng đã gửi một bức thư kèm thông điệp tới Đại sứ Liên Xô tại Pháp Bogomolov đề nghị để được ghi tên vào hàng ngũ Hồng quân “kể cả với tư cách một Binh nhì”. Rõ ràng, Makhrov hiểu rằng cựu tướng Bạch vệ không thể trông chờ cao hơn.
Vụ bắt giữ và hậu quả
Tuy nhiên, thay vì ra tiền tuyến, Pyotr Semenovich lại bị đứng sau song sắt. Thực tế là bức thư của Makhrov đã rơi vào tay các Sĩ quan tình báo Đức và như chính vị tướng thất sủng đã đưa vào cuốn hồi ký “Trong đội quân Bạch vệ của Tướng Denikin” - thư đã bị kiểm duyệt. Ngày 19/8/1941, Makhrov bị bắt và bị đưa vào nhà tù ở Nice, sau đó được chuyển đến trại Verne.
Không biết mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào nếu tướng Pháp Nissel - người đã cộng tác với Makhrov ở Ba Lan, không đứng ra bênh vực. Với sự can thiệp của Nissel, tháng 12/1941, Pyotr Semyonovich đã được trả tự do. Tuy nhiên, sự thôi thúc của lòng yêu nước vẫn gây ra những hậu quả khó chịu cho Pyotr Makhrov, cụ thể ông bị tước quyền di cư.
Chỉ đến cuối những năm 1940, Makhrov mới khôi phục được các quyền đã mất của mình. Vào thời điểm đó, cuộc chiến với Đức Quốc xã đã kết thúc, vì vậy Makhrov không còn lựa chọn nào khác ngoài việc viết hồi ký của mình, được xuất bản ở Nga vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, bản thân Peter Semyonovich không bao giờ trở lại quê hương; ông qua đời tại Cannes năm 1964, ở tuổi 87.
LÊ NGỌC/VOV
Cuộc đời thăng trầm của phát thanh viên nổi tiếng nhất Liên Xô