Mang bản chất là một điều ước quốc tế, Công ước không có nguồn các quy phạm pháp luật khác giống như hệ thống pháp luật của một quốc gia để có thể viện dẫn và áp dụng khi có tranh chấp. Việc diễn giải các quy định của Công ước phải dựa vào các bản án, diễn giải về lịch sử hình thành Công ước (travaux préparatoires) và giải thích của các học giả (scholary writings).[1] Nhằm có thể giúp luật sư và các cơ quan giải quyết tranh chấp hiểu đúng phạm vi điều chỉnh của Công ước, thúc đẩy tính thống nhất trong việc áp dụng theo tinh thần của Điều 7(1),[2] bài viết này cố gắng kiến giải các khía cạnh quan trọng về phạm vi áp dụng của Công ước.

Ảnh minh hoạ.
Phạm vi áp dụng theo Điều 1
Điều 1(1) Công ước quy định:
“Công Ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên mà địa điểm kinh doanh thuộc các Quốc Gia khác nhau:
(a) trong trường hợp các Quốc Gia là Quốc Gia Thành Viên [Công ước]; hoặc
(b) trong trường hợp các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn đến việc áp dụng pháp luật của một Quốc Gia Thành Viên” (gạch chân để nhấn mạnh).[3]
Theo tinh thần của Điều 1(1) trên thì Công ước sẽ áp dụng đối với các hợp đồng “mua bán” đối với “hàng hóa” giữa các bên có “địa điểm kinh doanh” tại các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, thế nào là “mua bán”, “hàng hóa” và “địa điểm kinh doanh” thì Công ước không định nghĩa hay giải thích thêm. Dưới đây, tác giả sẽ giải thích cách hiểu phổ biến đối với ba khái niệm trên dựa trên các án lệ và giải thích của học giả và Ban thư ký Ủy ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế.[4]
Thế nào là "mua bán"?
Công ước không định nghĩa các yếu tố cấu thành một hợp đồng mua bán. Án lệ giải thích một hợp đồng mua bán là hợp đồng “mà theo đó một bên (bên bán) có nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu và bên kia (bên mua) có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng.”[5]
Lưu ý: Án lệ cũng cho thấy một số loại giao dịch/hợp đồng như liên doanh,[6] hàng đổi hàng[7] hay thậm chí phân phối (mà không chứa đựng điều khoản rõ ràng về hàng hóa, giá cả và số lượng) cũng không được coi là hợp đồng mua bán thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước.[8]
Thế nào là "hàng hoá"?
Công ước không có định nghĩa thế nào là hàng hóa. Các học giả cho rằng nó phải là là “vật có thực” (tangible/corporeal things) và là “động sản”.[9] Mang tính chất là “vật có thực” nên hàng hóa dưới dạng quyền tài sản hay sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp v.v. không thuộc phạm vi áp dụng của Công ước.[10]
Lưu ý: Án lệ cho thấy xăng được coi là hàng hóa.[11] Đối với phần mềm máy tính, đây có phải là “hàng hóa” theo tinh thần của Công ước hay không thì còn đang tranh cãi. Một số phán quyết của tòa án chỉ chấp nhận phần mềm tiêu chuẩn[12] mới được coi là “hàng hóa” theo nghĩa của Công ước. Một số phán quyết khác lại tuyên rằng bất kỳ loại phần mềm nào, kể cả phần mềm được thiết kế/đặt hàng riêng,[13] đều có thể được coi là hàng hóa và hợp đồng mua bán các phần mềm này chịu sự điều chỉnh của Công ước. Ngoài ra, cũng liên quan đến loại hàng hóa này là tranh luận về khía cạnh chuyển giao/chuyển nhượng hay cấp quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.[14]
Điều 2 Công ước liệt kê các loại hàng hóa mà Công ước không điều chỉnh, bao gồm: (i) mua bán hàng hóa dùng cho cá nhân hoặc hộ gia đình (có ngoại lệ như được nêu tại Điều 2(a)); (ii) thông qua bán đấu giá; (iii) mua sắm theo luật; (iv) mua bán cổ phiếu, chứng khoán, tiền tệ và các công cụ chuyển nhượng; (v) tàu thuyền, máy bay, tàu đệm khí (hovercraft); và (vi) điện.
Lý do vì sao Công ước không áp dụng với hợp đồng mua bán các loại hàng hóa nêu trên là vì:
(a) Đối với giao dịch mua bán của cá nhân hay hộ gia đình, lý do là tôn trọng pháp luật quốc gia liên quan đến phạm vi bảo vệ người tiêu dùng;[15]
(b) Công ước không áp dụng với hợp đồng mua bán qua đấu giá vì không biết người mua cuối cùng là ai, có thuộc Quốc gia thành viên Công ước hay không. Ngoài ra pháp luật nội địa cũng thường có các quy định đặc thù về bán đấu giá;[16]
(c) Hợp đồng để thực thi lệnh hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền mang bản chất đặc biệt vì một bên hầu như không có cơ hội đàm phán và thường sẽ được điều chỉnh bởi các quy định đặc biệt;
(d) Chứng khoán, tiền tệ và giấy tờ có giá: vì các nhà soạn thảo Công ước hướng đến việc điều chỉnh hàng hóa là những vật có thực/định hình (tangible/corporeal) như nêu trên, chứ không phải là các loại hàng hóa/quyền vô hình (intangible goods/rights). Hàng hóa là tàu thủy, máy bay là loại hàng hóa đặc biệt, giống như bất động sản và có nhiều điểm khác biệt lớn giữa các quốc gia; và
(e) Về điện, lý do Công ước không áp dụng vì trong nhiều hệ thống pháp luật, điện không được coi là hàng hóa và vì lý do các tranh chấp từ hợp đồng mua bán điện quốc tế có những đặc thù (unique problems) so với tranh chấp xung quanh các loại hàng hóa thông thường.[17]
Thế nào là "địa điểm kinh doanh"?
Đối với các công ước khác có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, yếu tố quốc tịch của cá nhân sẽ được tính đến. Tuy nhiên, đối với Công ước, yếu tố này bị loại trừ. Thay vào đó là yếu tố “địa điểm kinh doanh” (place of business) để xác định xem các bên hợp đồng có thuộc các quốc gia thành viên Công ước. Điều 1(3) Công ước quy định: “Khi xác định việc áp dụng Công ước, không được xem xét đến quốc tịch của các bên hoặc tính chất dân sự hay thương mại của các bên hay của hợp đồng.”[18]
Lý do vì sao Công ước lại bỏ đi tiêu chí “quốc tịch” là bởi vì “để tránh những khó khăn trong trường hợp một bên hợp đồng là chủ thể đa quốc tịch và để loại bỏ việc phải xác định quốc tịch của một pháp nhân”.[19] Công ước không có định nghĩa hay giải thích thế nào là một “địa điểm kinh doanh”. Tuy nhiên, Điều 10(a) Công ước có quy định: “Nếu một bên có nhiều hơn một địa điểm kinh doanh, địa điểm kinh doanh [cho mục đích của Công ước] là địa điểm có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng, có xét đến bối cảnh được các bên biết hoặc dự kiến trước hoặc tại thời điểm lập hợp đồng” (gạch chân để nhấn mạnh).
Bình luận Của Ban Thư Ký giải thích rằng: “Cụm từ ‘hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng’ đề cập đến toàn bộ giao dịch, bao gồm các yếu tố liên quan đến việc chào hàng, chấp nhận cũng như việc thực hiện hợp đồng. Địa điểm của trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính không liên quan đến mục đích của Điều 9[20] trừ trường hợp trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh chính đó trở nên liên quan đến giao dịch có liên quan đến mức trở thành địa điểm kinh doanh mà ‘có mối quan hệ chặt chẽ nhất với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng’”. Ngoài ra, khi xác định địa điểm kinh doanh có “mối quan hệ chặt chẽ nhất” thì cần phải xem xét đến “bối cảnh được các bên biết hoặc dự kiến trước hoặc tại thời điểm lập đồng”. Có nghĩa là nếu tại khoảng thời gian trước hoặc tại thời điểm lập hợp đồng mà các bên dự kiến một bên (ví dụ bên bán và giao hàng) sẽ thực hiện tại địa điểm kinh doanh của mình tại quốc gia A thì “địa điểm kinh doanh” sẽ là tại quốc gia A (có hay không là thành viên Công ước) kể cả trong trường hợp sau này bên này thực tế thực hiện hợp đồng (ví dụ giao hàng) tại địa điểm kind doanh hay trụ sở v.v. của mình tại quốc gia B.[21]
Lưu ý: Luật sư và các cơ quan giải quyết tranh chấp cần xác định “địa điểm kinh doanh” chứ không phải “địa điểm/trụ sở đăng ký kinh doanh hoặc trụ sở chính” của các bên hợp đồng để xác định hợp đồng có chịu sự điều chỉnh của Công ước hay không.
Phạm vi về nội dung của Công ước
Theo Điều 4, Công ước chỉ điều chỉnh hai khía cạnh là việc có hay không một hợp đồng được giao kết (thành lập) và nếu có, quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên. Công ước không điều chỉnh các vấn đề: (i) liệu hợp đồng (hoặc một điều khoản trong hợp đồng hoặc tập quán được áp dụng nào) có hiệu lực hay không;[22] và (ii) hệ quả của việc giao kết và thực hiện hợp đồng liên quan đến khía cạnh quyền sở hữu hàng hóa. Lý do mà Công ước không điều chỉnh khía cạnh chuyển quyền sở hữu hàng hóa là bởi vì sự khác biệt về nội dung này giữa các quốc gia. Một số quốc gia pháp luật quy định quyền sở hữu được chuyển giao tại thời điểm hợp đồng được giao kết. Một số quốc gia khác quy định quyền sở hữu chỉ chuyển giao khi hàng hóa được giao cho bên mua. Việc thống nhất các quan điểm này là không thể.[23]
Lưu ý quan trọng: Thực tế, ngoài hai khía cạnh loại trừ được liệt kê tại Điều 4 nói trên, Công ước cũng không điều chỉnh các nội dung: (i) xác định năng lực giao kết hợp đồng của các bên; (ii) đại diện; (iii) chuyển giao quyền hoặc nghĩa vụ; (iv) bù trừ nghĩa vụ; (v) bảo lưu quyền sở hữu; (vi) lãi suất phạt vi phạm; (vii) giao dịch bảo đảm liên quan; (viii) thời hiệu v.v.[24] Nếu xảy ra tranh chấp về các nội dung này, sẽ áp dụng theo luật quốc gia được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng.
Còn những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước (việc thành lập hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên và chế tài trong trường hợp vi phạm) mà không được các quy định tại Công ước giải quyết sẽ áp dụng Điều 7(2) Công ước, tức là áp dụng các nguyên chung làm nền tảng Công ước và trong trường hợp không có nguyên tắc chung, là luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng.[25]
Công ước không giải thích những nguyên tắc nào là “nguyên chung làm nền tảng Công ước”. Nhưng theo quan điểm của các học giả và án lệ, các nguyên tắc chung này bao gồm: (i) quyền tự quyết của các bên (party autonomy) tại Điều 6; (ii) thiện chí (good faith) tại Điều 7(1); (iii) đồng thuận và “phi hình thức” (consensualism principle) theo Điều 11; (iv) áp dụng tập quán (usage) và thói quen (practice) theo Điều 9; (v) bồi thường đầy đủ (full compensation) và giới hạn trách nhiệm trong phạm vi dự liệu trước tại Điều 74; (vi) không đi ngược lại hành động của chính mình (estoppel hay venire contra factum proprium) quy định tại Điều 80; và (vii) nguyên tắc ủng hộ hợp đồng (favor contractus) tức là các bên phải duy trì hiệu lực hợp đồng đến chừng mức tối đa có thể.[26]
Hậu quả khi các bên loại trừ việc áp dụng Công ước
Công ước cho phép các bên hợp đồng có quyền loại trừ việc áp dụng hay sửa đổi một, một số hoặc toàn bộ các điều của Công ước (ngoại trừ Điều 12).[27] Các bên có quyền loại trừ việc áp dụng một phần hoặc toàn bộ Công ước bằng việc lựa chọn pháp luật một quốc gia làm luật điều chỉnh hợp đồng.
Lưu ý quan trọng: Bên cạnh việc quy định pháp luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng do các bên lựa chọn, trong trường hợp các bên lựa chọn loại trừ áp dụng Công ước để điều chỉnh hợp đồng của mình thì cần phải quy định rõ ràng tại hợp đồng là “loại trừ việc áp dụng Công ước”. Phần lớn án lệ cho thấy việc các bên quy định rằng: “Luật điều chỉnh hợp đồng là pháp luật nước A” (vốn là thành viên Công ước) để bày tỏ ý chí loại trừ việc áp dụng Công ước đã không được chấp nhận vì lý do Pháp luật nước A (thành viên Công ước) đã gồm cả Công ước.[28]
Hậu quả khi một quốc gia bảo lưu
Công ước cho phép các quốc gia thành viên nhiều quyền bảo lưu về phạm vi áp dụng Công ước tại quốc gia mình. Phạm vi các bảo lưu được quy định tại các Điều từ 92 – 96. Các bảo lưu cơ bản bao gồm: (i) Việc không áp dụng các Phần II (giao kết hợp đồng) và/hoặc Phần III (các quy định về mua bán hàng hóa); (ii) Bảo lưu việc áp dụng Công ước tại một phần lãnh thổ mà thôi; (iii) Một hoặc nhiều quốc gia thành viên có các quy định pháp lý tương tự nhau về hợp đồng mua bán bảo lưu việc không áp dụng Công ước tại các quốc gia này,[29] Công ước sẽ chỉ điều chỉnh hợp đồng của một bên thuộc các quốc gia này và bên khác ngoài khối các quốc gia nói trên; (iv) Bảo lưu việc áp dụng Điều 1(1)(b) (việc áp dụng Công ước bằng cách dẫn chiếu đến quy định tư pháp quốc tế); (v) Bảo lưu không áp dụng quy định của Điều 12 Công ước không yêu cầu hình thức văn bản của hợp đồng. Việt Nam đã bảo lưu việc không áp dụng Điều 12 này.
Lưu ý: Vì Công ước cho phép các quốc gia thành viên quyền bảo lưu rộng rãi như nêu trên, khi luật sư hay cơ quan giải quyết tranh chấp xác định việc các quy định của Công ước có được áp dụng vào hợp đồng liên quan hay không thì cần xem các bên thuộc quốc gia liên quan có những bảo lưu nào đối với Công ước.
[1] Lưu ý: Toàn bộ những nguồn nêu trên đều chỉ mang bản chất khuyến nghị. Vì vậy, sự khác biệt giữa phán quyết tuyên bởi cơ quan giải quyết tranh chấp này với cơ quan giải quyết tranh chấp khác thuộc hai quốc gia khác nhau về một nội dung là có thể hiểu được và đang diễn ra, bất chấp những nỗ lực diễn giải và áp dụng Công ước một cách thống nhất.
[2] Điều 7(1) quy định rằng: “Khi giải thích Công ước này, cần phải xem xét đến tính chất quốc tế của Công ước và nhu cầu thúc đẩy tính thống nhất trong việc áp dụng Công ước cũng như việc tuân thủ nguyên tắc thiện chí trong thương mại quốc tế.”
[3] Nguyên văn: “This Convention applies to contracts of sale of goods between parties whose places of business are in different States:
(a) when the States are Contracting States; or
(b) when the rules of private international law lead to the application of the law of a Contracting State.”
[4] The Secretariat of the United Nations Commission on International Trade Law (UNCITRAL).
[5] Vụ H.H. kiện A., có thể tham khảo tại https://www.unilex.info/cisg/case/320 (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024).
[6] Vụ Amco Ukrservice & Promriladamco kiện American Meter Company, có thể tham khảo tại https://www.unilex.info/cisg/case/1311 (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024).
[7] Xem quan điểm của Tòa trọng tài liên bang khu vực Moscow (Federal Arbitration Court for the Moscow) ngày 26/5/2003 với phần tóm lược vụ án tại https://www.unilex.info/cisg/case/958 (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024). Tuy nhiên, xem bài viết “Revisisting Barter under the CISG” (Xem Xét Lại Vấn Đề Hợp Đồng Hàng Đổi Hàng Theo CISG) của Andrew J. Horowitz tại Tạp Chí Pháp Luật Và Thương Mại (Journal of Law and Commerce) số tháng 9 năm 2010, có thể tham khảo tại https://www.researchgate.net/publication/271069123_Revisiting_Barter_under_the_CISG (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024) nêu vấn đề cần xét lại quan điểm CISG không điều chỉnh hợp đồng hàng đổi hàng.
[8] Vụ Viva Vino Import kiện Farnese Vini, có thể tham khảo tại https://www.unilex.info/cisg/case/742 (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024). Giải thích rõ hơn, một hợp đồng phân phối có thể có các nội dung khác với một hợp đồng mua bán hàng hóa thuần túy ở chỗ trong hợp đồng phân phối thường có các khía cạnh cung cấp dịch vụ. Ví dụ như dịch vụ hay nghĩa vụ quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo...
[9] Xem, ví dụ, sách “Uniform Law for International Sales under the 1980 United Nations” (Pháp Luật Thống Nhất Cho Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế Theo [Công Ước] Liên Hiệp Quốc Năm 1980) của John O. Honnold, ấn bản lần thứ 3 năm 1999 tại Mục 56 B (§ 56 B), có thể tham khảo tại https://iicl.law.pace.edu/sites/default/files/cisg_files/honnold.html (truy cập lần cuối ngày 08/12/2024).[
10] Xem Honnold, tlđd., Mục 56 B. Tuy nhiên, xem ý kiến của Jelena S. Perovic Vujacic tại cước chú số 14 dưới đây.
[11] Vụ BP Oil International, Ltd. and BP Exploration & Oil, Inc. kiện Empresa Estatal Petroleos de Ecuador et al., Tòa Phúc thẩm Khu vực 5, Tòa án liên bang Mỹ ngày 11/6/2003, có thể tham khảo tại: https://cisg-online.org/search-for-cases?caseId=6666 (truy cập lần cuối ngày 07/12/2024).
[12] Phần mềm tiêu chuẩn (standard software) là phần mềm được làm sẵn cho đông đảo đối tượng người dùng. Ví dụ như phần mềm Microsoft Office, Adobe...
[13] Phần mềm thiết kế/đặt hàng riêng (tailor-made software) là phần mềm được làm/đặt hàng bởi một khách hàng phục vụ cho nhu cầu riêng của khách hàng đó.
[14] Xem Jelena S. Perovic Vujacic tại bài viết “Contracts for the international sale of goods: A comparative review of the solutions of the UN Convention on the international sale of goods and the Serbian Law of Obligations” (Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: So sánh về các giải pháp đối với Công ước Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Luật Về Nghĩa Vụ của Serbia) công bố lần đầu tại “Biên Bản Cuộc Họp Lần Thứ 33 của Trường Luật Tự Nhiên Kopaonik Chủ Đề ‘Thống Nhất Pháp Luật Và Sự Chắc Chắn Pháp Lý’ của GS. Slobodan Perović”, Tập I (Proceedings of the 33rd Meeting of the Kopaonik School of Natural Law - Slobodan Perović Unification of Law and Legal Certainty, Volume I) tại trang 172 – 173, có thể tham khảo tại https://cisg-online.org/files/commentFiles/Perovic_Vujacic_Kopaonik-Law-Review_2022_133.pdf (truy cập lần cuối ngày 27/12/2024).
[15] Xem Honnold, tlđd. tại Mục 50.
[16] Honnold, tlđd., Mục 51.
[17] Xem “Bình Luận Dự Thảo Công Ước Về Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế Được Soạn Bởi Ban Thư Ký” (Commentary on the Draft Convention for the International Sale of Goods, Prepared by the Secretariat), Tài liệu số A/CONF.97/5 (Document No. A/CONF.97/5) ngày 14/3/1979 tại trang 16 (“Bình Luận Của Ban Thư Ký”), có sẵn tại https://cisg-online.org/Travaux-preparatoires/1979-secretariat-commentary (truy cập lần cuối ngày 22/12/2024).
[18] Nguyên văn: “Neither the nationality of the parties nor the civil or commercial character of the parties or of the contract is to be taken into consideration in determining the application of this Convention.”
[19] Xem Vujacic, tlđd. tại cước chú số 98.
[20] Bình Luận Của Ban Thư Ký ghi lại quá trình soạn thảo và được lập vào ngày 14/3/1979, trước ngày Công ước được thông qua. Tại thời điểm lập bình luận, Điều 10 của Công ước hiện tại là Điều 9 của dự thảo Công ước.
[21] Xem Bình Luận Của Ban Thư Ký tại trang 19.
[22] Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến yêu cầu về tính “phi hình thức” hay không phải lập thành văn bản của hợp đồng nêu tại Điều 11 Công ước. Điều 11 này sẽ được ưu tiên áp dụng đối với các quy định của luật nội địa khi xác định hợp đồng liên quan có hiệu lực hay không (trừ trường hợp một quốc gia, như Việt Nam, bảo lưu không áp dụng tính “phi hình thức” của hợp đồng theo các Điều 12 và 96 của Công ước).
[23] Xem Bình Luận Của Ban Thư Ký tại trang 17.
[24] Có thể tham khảo các án lệ tại http://www.unilex.info/dynasite.cfm?dssid=2376&dsmid=13356&x=1.
[25] Điều 7(2) quy định rằng: “Các câu hỏi liên quan đến các vấn đề được điều chỉnh bởi Công ước mà không được giải quyết rõ ràng bởi Công ước sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung làm nền tảng của Công ước. Trong trường hợp không có các nguyên tắc như vậy thì theo pháp luật áp dụng căn cứ theo các quy tắc tư pháp quốc tế.”
[26] Xem Vujacic, tlđd., tại các trang 218 – 229.
[27] Điều 6 Công ước quy định rằng: “Các bên có thể loại trừ việc áp dụng Công ước này hoặc, tuân thủ theo Điều 12, làm giảm hoặc thay đổi hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào của Công ước.”
[28] Xem, ví dụ, vụ BP Oil International, Ltd. and BP Exploration & Oil, Inc. kiện Empresa Estatal Petroleos de Ecuador et al., tại cước chú số 11 trên. Tuy nhiên, nên xem thêm Honnold, tlđd. tại Mục 71.1, nêu quan điểm chi phối nói trên nhưng liệt kê một số án lệ tuyên rằng với thỏa thuận như vậy, các bên có ý chí loại trừ việc áp dụng của Công ước.
[29] Ví dụ các quốc gia Đan Mạch, Phần Lan, Na-uy và Thụy Điển cùng bảo lưu theo đó hợp đồng giữa các bên tại các quốc gia này sẽ không chịu sự điều chỉnh của Công ước.
TS. LS. NGUYỄN QUỐC VINH
Công ty luật Scientia