Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Ngày 23/5/2021, sau khi kết thúc bỏ phiếu, Tổ bầu cử số 4, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã mở hòm phiếu để kiểm tra phiếu bầu. Qua kiểm đếm cho thấy, riêng số phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt thu về là 1.303 phiếu, nhiều hơn số phiếu được phát ra trước đó (1.228 phiếu). Ngay khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã niêm phong số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã, đồng thời báo cáo Ủy ban bầu cử huyện Mê Linh về vụ việc.
Qua kết quả điều tra, Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt phát hiện ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Tráng Việt (là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4 xã Tráng Việt) đã lợi dụng chức vụ của mình, đặt vấn đề với ông Nguyễn Hữu Hoàn, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 4 để lấy một số phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hùng đã mang số phiếu trên về nhà riêng và gạch tên những ứng cử viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu bầu, rồi nhờ người bỏ phiếu hộ. Từ đó dẫn đến việc bị thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt tại đơn vị bầu cử số 4.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, quá trình bầu cử đã được pháp luật quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các quy trình bầu cử phải được tuân thủ đầy đủ theo các quy định về pháp luật bầu cử như quy định về lập danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử, kiểm phiếu, nguyên tắc xác định người trúng cử....
Xử lý vi phạm
Người có hành vi gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định rõ:
Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Theo đó, Điều 161 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội "Làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân" quy định, người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Bên cạnh đó, phạm tội có tổ chức; dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin,…) không phù hợp với tiêu chuẩn của đại biểu HĐND đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi bổ sung 2019 thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu HĐND.
Nếu là đảng viên, căn cứ Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành. Theo đó:
Điều 9. Vi phạm các quy định về bầu cử 3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: a) Tổ chức thực hiện việc giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc làm sai lệch kết quả bầu cử. ... |
Gian lận bầu cử, giải quyết thế nào?
Việc gian lận phiếu bầu trong công tác bầu cử đại biểu HĐND là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật bầu cử, làm mất đi tính khách quan, minh bạch trong hoạt động quan trọng của quốc gia. Vì vậy, trường hợp việc gian lận phiếu bầu cử dẫn đến việc người gian lận trúng cử, căn cứ theo Điều 16 và Điều 81 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND có quyền hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu HĐND và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND. Ngày bầu cử lại được tiến hành chậm nhất 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên và cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử (trừ người vi phạm bị xóa tên) tại cuộc bầu cử đầu tiên.
Như vậy, khi kết quả trúng cử có được do gian lận thì người trúng cử sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND, hủy bỏ kết quả trúng cử đại biểu HĐND của mình. Đồng thời, cuộc bầu cử tại đơn vị đó sẽ được tổ chức lại để tìm ra danh sách đại biểu HĐND mới, đảm bảo tính khách quan và chính xác.
LINH NHI
Những mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật đất đai với các văn bản pháp luật khác