Những mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả tại Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Khai mạc hội thảo, Tiến sĩ, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, được Sở Tư pháp TP. Hà Nội ghi nhận và hỗ trợ kinh phí. Ban Chủ nhiệm Đoàn luôn đánh giá cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của luật sư thành viên và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của Đoàn trong những năm tới.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động phổ biến và giáo dục pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm: Nhà nước khuyến khích Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật miễn phí cho người dân; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư. Theo đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định cụ thể nghĩa vụ tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí của các luật sư; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định này (khoản 5 Điều 8 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh, chỉ riêng năm 2024, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã triển khai hơn 70 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với số lượng gần 80.000 lượt người dân được thụ hưởng. Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, gồm: Mô hình 1: Luật sư với mô hình phiên tòa giả định tại các nhà trường. Đối tượng áp dụng: Các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung: Xây dựng phiên tòa giả định với nội dung vụ án có thật, qua đó tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật Luật An ninh mạng; Luật An toàn giao thông; Pháp luật về phòng chống ma túy; Phòng chống bạo lực học đường; Văn hóa sử dụng mạng xã hội an toàn văn minh;… được Sở Tư pháp TP. Hà Nội ký hợp đồng và giao kế hoạch thực hiện. Mô hình 2: Học sinh Thủ đô với pháp luật. Mô hình 3: Luật sư Thủ đô đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương. Đối tượng áp dụng: Hội viên Hội Cựu chiến binh, hội viên hội phụ nữ, người khuyết tật;… Mô hình 4: Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở. Mô hình 5: Luật sư Thủ đô với công tác chuẩn pháp luật.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Xuân San, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, sở dĩ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là do sự đoàn kết, nhiệt tình hỗ trợ của các luật sư thành viên trong Đoàn. Mỗi luật sư trợ giúp pháp lý đều có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân và chấp hành tốt sự điều hành của Ban Chủ nhiệm.
Đề xuất thêm nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Phát biểu tại Hội thảo, nhiều luật sư đề xuất nên mở thêm nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hơn nữa, Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt đề xuất việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được phổ biến rộng hơn bằng nhiều hình thức dưới dạng mô hình như trang fanpage, website, các kênh trên các nền tảng mạng xã hội, tủ sách pháp luật, sân khấu, tiểu phẩm… mỗi mô hình cần phải nghiên cứu đến tâm lý của các đối tượng được tuyên truyền để có thể mang lại hiểu quả cao.
Để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thoan, Giám đốc Công ty Luật Thoan Nguyễn cho rằng: Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan nhà nước, như: Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và thế mạnh của từng đơn vị. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức không chỉ tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật mà còn góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo công bằng và phát triển bền vững.
TS. Phạm Minh Chiêu, Phó Viện trưởng Viện Pháp luật kinh tế, Đại học Tài chính ngân hàng Hà Nội chia sẻ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cần tổ chức thêm những buổi trao đổi kinh nghiệm về nghề luật sư với các bạn là sinh viên học ngành luật (đặc biệt là sinh viên Đại học Tài chính ngân hàng Hà Nội). Vì trong tương lai gần, những bạn sinh viên này sẽ là nguồn lực dồi dào cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Kết thúc hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các luật sư thành viên; mong muốn các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thông báo cho Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để động viên, chia sẻ.