Luật sư, Thạc sĩ Đào Ngọc Lý.
Đầu năm 1992 tôi cùng 09 thành viên được kết nạp vào Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, là Luật sư tập sự trong thời gian 06 tháng theo Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987. Khi ấy, Luật sư tập sự có mọi quyền và nghĩa vụ như Luật sư chính thức, trừ quyền bầu, được bầu vào Ban Chủ nhiệm, Ban Kiểm tra và cả Đoàn khi ấy chỉ có chưa đến 100 thành viên, nay đã có hơn 5.200 Luật sư. Trong thời gian hành nghề Luật sư, tôi vẫn thuộc biên chế Nhà nước, vẫn làm công tác pháp chế thanh tra và được hưởng lương Nhà nước tại một tổng công ty thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nên thường gọi là Luật sư kiêm nhiệm để phân biệt với Luật sư chuyên trách dành cho các đồng nghiệp chỉ là thành viên của Đoàn và không hưởng lương Nhà nước, trừ những trường hợp hưu trí. Khi tôi nghỉ hưu năm 2015 thì mới thôi công tác pháp chế thanh tra và từ đó chỉ còn tham gia một lĩnh vực là hành nghề Luật sư.
Tại thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX, danh xưng Luật sư Hà Nội luôn được các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý Nhà nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân thực sự tôn trọng, yêu mến cũng như luôn là niềm tự hào và kiêu hãnh đối với tôi.
Nhớ lại sự kiện cách đây khoảng trên dưới 30 năm, tại Tòa án một huyện ngoại thành Hà Nội, lần đầu đến tham gia tố tụng nên tôi chưa hề biết ai ở đó, nhưng thật bất ngờ, tôi được ông Chánh án chủ động mời vào phòng làm việc uống trà, trò chuyện, qua đó ông Chánh án biểu lộ tình cảm rất trân trọng Luật sư Hà Nội và mong muốn luôn có nhiều Luật sư Hà Nội tham gia tố tụng tại Tòa. Điều khiến tôi cảm kích, xúc động hơn nữa là tại phiên tòa hôm đó, tôi được Tòa điều chỉnh chỗ ngồi, được mời ngồi trên bục cao ngang hàng với hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát, còn chỗ ngồi của Luật sư ở vị trí thấp ngang với bị cáo thì dành cho thư ký Tòa án. Tôi thoáng nghĩ, nếu thương hiệu Luật sư Hà Nội không được xã hội thực sự yêu mến và tôn trọng thì làm sao có thể xảy ra tình huống này trong hoạt động tố tụng? Và sau này, khi tôi cùng gần 10 Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội được Ban Nội chính Trung ương mời tham dự buổi họp mặt ngày 13/7/2004 do đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, chủ trì cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, để nghe các Luật sư báo cáo về thực trạng hành nghề Luật sư và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, tôi đã nêu lại tình huống này cùng một số kiến nghị, trong đó có nội dung nên thay đổi vị trí chỗ ngồi của Luật sư tại phiên tòa. Đến nay, vị trí ngồi của Luật sư tại phiên tòa đã ngang bằng với vị đại diện Viện Kiểm sát, tuy nhiên tôi thấy vẫn cần phải tiếp tục điều chỉnh thay đổi cho phù hợp và tôi sẽ nêu cụ thể vấn đề này trong một dịp thích hợp khác.
Một sự kiện khác của năm 1992, khi đang là Luật sư tập sự, tôi đã được mời bào chữa cho 03 bị cáo trong vụ án điểm sơ chung thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao (mô hình này hiện nay không còn nữa) vì Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao khi ấy trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm đối với một số vụ án trọng điểm và các bị cáo trong vụ án này không được quyền kháng cáo. Trong phiên tòa sơ chung thẩm đó có nhiều bị cáo và có khoảng 09 Luật sư Hà Nội tham gia bào chữa, được nhiều cơ quan Trung ương và báo chí theo dõi, giám sát chặt chẽ, tôi và một vài đồng nghiệp sau đó đã được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Rất tiếc là từ khi có Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đến nay, Luật sư tập sự đã không được quyền tham gia tố tụng như trước nữa và Luật Luật sư năm 2006 đã đổi tên thành “người tập sự hành nghề Luật sư”. Điều này không hề phát huy được yếu tố tích cực trong việc phát triển đội ngũ Luật sư mà ngược lại, gây nhiều hạn chế và bất cập trong thực tiễn. Ví dụ, có những chuyên gia pháp lý đang là đại diện ủy quyền cho một cá nhân hoặc tổ chức nào đó, nếu chuyên gia ấy sau quá trình học tập rèn luyện trở thành “người tập sự hành nghề Luật sư” và cá nhân hoặc tổ chức nêu trên trở thành khách hàng thì việc ủy quyền này lại không thể tiếp tục được nữa, phải bị chấm dứt vì đã vi phạm Luật Luật sư (mặc dù bất kỳ công dân nào, kể cả người không có kiến thức pháp lý cũng đều được phép nhận ủy quyền, trừ trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật). Bởi vậy, trong hội nghị ngày 22/8/2023 của Bộ Tư pháp về việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Luật sư, tôi đã đề nghị sửa đổi, bổ sung vấn đề này đúng như nội dung đã nêu trong Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987.
Về vấn đề vị thế của Luật sư trong hoạt động tố tụng, tôi nhớ mãi cảm xúc của mình khi đọc văn bản ngày 02/12/1992 “Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác chống tham nhũng và buôn lậu năm 1992”, ở mục 10 “Về quan hệ với Luật sư và tổ chức dịch vụ pháp lý”, ông Phạm Hưng - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khi ấy đã nhắc các Thẩm phán trong quá trình xét xử tại Tòa án cần lưu ý giữ gìn bản lĩnh nghề nghiệp khi gặp những Luật sư giỏi, những Luật sư nguyên là thầy giáo hoặc lãnh đạo cũ của mình, có đoạn “… có Thẩm phán ở phiên tòa trông thấy Luật sư đã cảm thấy e ngại, nếu Luật sư “tác động” nữa tin rằng anh ta sẽ “lúng túng”, đó cũng là biểu hiện thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh của người Thẩm phán”. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy Luật sư Hà Nội nếu xét theo một khía cạnh nào đó đã thể hiện được đẳng cấp và vị thế của mình trong hoạt động tố tụng. Tôi luôn trân trọng và biết ơn các Luật sư tiền bối của Việt Nam như Luật sư Phan Văn Trường, Luật sư Phan Anh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng nhiều thế hệ Luật sư Hà Nội đã gây dựng và tiếp nối thương hiệu quý báu vô giá này như các Luật sư Trần Thế Môn, Luật sư Vũ Khắc Toản, Luật sư Phạm Thái, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Luật sư Lê Kim Quế, Luật sư Vũ Thiện Kim và nhiều Luật sư bậc cha chú khác nữa luôn là những người thầy, là những tấm gương sáng để chúng tôi không ngừng học hỏi, noi theo.
Chợt nghĩ, đội ngũ Luật sư Hà Nội trên chặng đường mấy chục năm qua đã có những cống hiến và đóng góp hiệu quả như thế nào cho mỗi cá nhân, tổ chức và xã hội trong sự nghiệp bảo vệ công lý và Nhà nước pháp quyền. Chỉ sơ qua một số vụ việc mà cá nhân tôi đã trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng từ năm 1992 đến nay cũng đã thấy ngập tràn kỷ niệm, bộn bề nhiều sự kiện không dễ gì quên được, đơn cử như sau:
Trong lĩnh vực hình sự
Vụ án thứ nhất. Năm 1997, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt cả hai vợ chồng bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm, người chồng chung thân, người vợ 12 năm tù (sơ thẩm do Luật sư khác bảo vệ). Tôi bắt đầu tham gia vụ án này từ giai đoạn phúc thẩm đến các hoạt động tố tụng sau đó, đã phát hiện và luôn chứng minh người vợ không phạm tội. Phiên tòa phúc thẩm ấy đã hủy án sơ thẩm và sau nhiều quá trình tố tụng tại cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, đến ngày 12/7/1999, người vợ đã được minh oan, được khôi phục mọi quyền lợi hợp pháp.
Vụ án thứ hai là vụ án điểm ở huyện MườngTè, tỉnhLai Châu năm 2001, tôi cùng các đồng nghiệp Luật sư Hà Nội, ngay trong phần xét hỏi đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng của vụ án khiến vị đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa thấy cần thiết phải xin rút hồ sơ để xem xét lại, mặc dù vụ án điểm đã được các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương quan tâm xem xét kỹ lưỡng và các cơ quan báo chí liên tục truyền thông mạnh mẽ.
Vụ án thứ ba là vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam năm 2009, tôi là người bào chữa cho bị can C. (bị tạm giam khoảng gần 02 năm), sau đó bị can C. được tại ngoại và đến tháng 08/2011 được đình chỉ điều tra và đình chỉ vụ án.
Vụ án thứ tư là vụ sập mỏ Lèn Cờ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tôi có văn bản ngày 12/11/2012 (gồm 07 trang đánh máy) gửi các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh bị can H không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285, Bộ luật Hình sự, vì theo hồ sơ vụ án thì không có quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị can với hậu quả đã xảy ra. Ngày 30/01/2013 bị can H. được đình chỉ điều tra và được phục hồi các quyền lợi hợp pháp.
Vụ án thứ năm là vụ án hình sự tại tỉnh Quảng Bình năm 2012, tôi cùng đồng nghiệp đã tham gia tố tụng, bảo vệ thành công cho bị can M. (bị tạm giam 48 ngày về tội "Cưỡng đoạt tài sản"), sau đó bị can M. được tại ngoại và đến ngày 28/01/2013 được đình chỉ điều tra, được cơ quan pháp luật xin lỗi công khai và tiến hành bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại
Tôi cũng có nhiều kỷ niệm ấn tượng về những vụ hòa giải thành hoặc trường hợp khách hàng được bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp, đơn cử như:
Vụ án thứ nhất, Công ty Matexco (năm 1996) là bị đơn trong vụ án kinh doanh thương mại, bán lạc nhân cho nguyên đơn là một doanh nghiệp của Singapore, nhưng năm đó gặp bão lũ nên không có lạc nhân để giao hàng. Theo hợp đồng, ai vi phạm phải chịu phạt 10% giá trị hợp đồng và Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị đơn vì cho rằng bị đơn vi phạm nghĩa vụ giao hàng. Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đã nêu quan điểm ngược lại vì chứng minh nguyên đơn đã mở L/C sai biệt với hợp đồng (trước khi xuất hiện nghĩa vụ giao hàng của bị đơn) nên nguyên đơn mới là bên vi phạm hợp đồng. Tòa án cấp phúc thẩm đã có phán quyết nhất trí với ý kiến của tôi, nên đã sửa án sơ thẩm, buộc nguyên đơn phải chịu phạt, phải trả cho bị đơn 10% giá trị hợp đồng.
Vụ án thứ hai là tranh chấp kinh doanh thương mại năm 2009, Doanh nghiệp Văn Tuân là bị đơn (do Luật sư khác bảo vệ ở sơ thẩm), sau quá trình hòa giải không thành, Tòa án cấp sơ thẩm đã phán quyết bị đơn phải trả tiền cho nguyên đơn là Tập đoàn Bảo Sơn. Tôi chỉ bắt đầu tham gia ở giai đoạn phúc thẩm tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và sau đó đã giúp hai bên hòa giải thành, Nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện và chấm dứt vụ án.
Vụ án thứ ba năm 2012, tôi bảo vệ cho bị đơn là công ty S. trong vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Kết quả bị đơn đã không phải trả số tiền hơn 02 tỉ đồng cho nguyên đơn nữa, vì trong quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn nhận thấy có nhiều bất lợi về mặt pháp lý nên trước khi tòa tuyên án, nguyên đơn đã có văn bản rút đơn khởi kiện, chấm dứt vụ tranh chấp.
Vụ án thứ tư, tôi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý năm 2020 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công ty B là bị đơn, có tranh chấp đất đai rất phức tạp và nhiều năm tại Phú Quốc (vụ tranh chấp này đã kéo dài hơn 10 năm, đã qua nhiều quá trình giải quyết hành chính tại UBND các cấp, qua các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm). Sau đó, tôi cùng Luật sư của nguyên đơn đã giúp hai bên hòa giải thành vào tháng 6/2022 tại Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, chấm dứt hoàn toàn vụ tranh chấp…
Trong lĩnh vực tư vấn
Vụ việc thứ nhất, cách đây khoảng hơn 10 năm, tôi tư vấn và giải quyết vướng mắc về hôn nhân gia đình cho người chồng đang có nguy cơ phải ly hôn vì người chồng đó bị phát hiện ngoại tình. Sau quá trình trao đổi, tôi thấy có nhiều tình tiết quan trọng nên chủ động đề xuất với người chồng cho tôi trao đổi qua điện thoại với người vợ để đặt lịch gặp trao đổi riêng, nhằm hàn gắn vướng mắc giữa hai bên. Sau khi trực tiếp gặp riêng người vợ và cô con gái để trao đổi những nội dung cần thiết, một thời gian ngắn sau đó tôi vui mừng nhận được điện thoại của họ cám ơn và báo tin gia đình đã được đoàn tụ ổn thỏa, không ly hôn nữa.
Vụ việc thứ hai, năm 2020, tôi tư vấn cho Công ty A. (bên thuê nhà) trong vụ tranh chấp và vướng mắc khá nan giải với Nhà trường N. (bên cho thuê) xảy ra tại Hà Nội. Mặc dù hai bên đã ký kết và thực hiện hợp đồng ổn thỏa từ hơn 10 năm trước, còn 05 năm nữa mới hết thời hạn thuê, nhưng do Nhà trường bị các cơ quan chức năng của Nhà nước có văn bản yêu cầu xem xét lại, nên đã kiên quyết thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Công ty A. đã chuẩn bị khá kỹ phương án ra tòa. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ và thực trạng, tôi đã đề nghị và được cả hai bên nhất trí cùng nhau tổ chức một buổi làm việc trực tiếp để nghe Luật sư tư vấn trước khi tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng và ra tòa. Tại phiên họp, tôi đã tư vấn cho cả hai bên cùng hiểu rõ thực trạng pháp lý, các căn cứ áp dụng pháp luật, các yếu tố có liên quan đến vụ việc, giải đáp tất cả các băn khoăn vướng mắc và cam kết sẽ viết thành văn bản để làm rõ và thuyết phục các cơ quan hữu quan. Kết quả là sau đó hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng bình thường từ đó đến nay và không phải khởi kiện ra tòa nữa.
Vụ việc thứ ba là vụ tư vấn về tranh chấp đất đai rất phức tạp giữa các nhà đầu tư trên địa bàn Hà Nội năm 2022, mâu thuẫn và vướng mắc đã bị đẩy đến độ gay gắt quyết liệt khiến các bên đã từng phải tìm đến các giải pháp tiêu cực. Sau khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, tôi cùng các cộng sự trong Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý một mặt hướng dẫn khách hàng bình tĩnh tin tưởng pháp luật, mặt khác tích cực tìm hiểu kỹ thực trạng cũng như những căn cứ pháp lý có liên quan, đưa ra các giải pháp tháo gỡ phù hợp và hiệu quả, nên sau đó các bên đã từng bước hòa giải được từng phần và cuối cùng cũng đã hòa giải xong toàn bộ, kết thúc tốt đẹp vụ tranh chấp.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, trong quá trình hành nghề Luật sư, tôi đã tham gia nhiều hoạt động khác như giảng dạy cho sinh viên tại các trường đại học về chuyên ngành luật như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Văn hóa và tham gia đào tạo nghề Luật sư cho các học viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia công tác quản lý tại Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng như các hoạt động xã hội hữu ích khác.
Nhân dịp Kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2023), tôi chia sẻ một số thực trạng hành nghề Luật sư của mình cũng như những trăn trở, kiến nghị nhằm kỳ vọng đóng góp vào sự đổi mới và phát triển lành mạnh nghề Luật sư ở Việt Nam; tôi mong mỏi, tin tưởng và chúc mỗi Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, Đoàn Luật sư cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn thuận lợi và thành công, có thể đáp ứng tốt nhất các nhu cầu chính đáng cũng như sự yêu mến, tin cậy của toàn xã hội.
Thạc sĩ, Luật sư ĐÀO NGỌC LÝ
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội