/ Nghề Luật sư
/ Luật sư với công tác xây dựng pháp luật, trợ giúp pháp lý

Luật sư với công tác xây dựng pháp luật, trợ giúp pháp lý

09/10/2023 05:52 |

(LSVN) - Nghề Luật sư ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của mình trong đời sống xã hội. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là hoạt động góp phần bảo vệ công lý, quyền tự do, dân chủ của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân chủ, công bằng và văn minh.

Ảnh minh họa.

Quản lý xã hội thông qua pháp luật là cần thiết trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhà nước pháp quyền với hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch. Luật sư là những người thực tế hành nghề tư vấn pháp luật đến người dân và những tranh chấp thực tế, khi áp dụng các quy phạm pháp luật sẽ có ý kiến đề xuất giúp việc xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật được sát thực tế và định hướng quan hệ xã hội đó trong tương lai. 

Vai trò của Luật sư trong tham gia xây dựng các văn bản pháp luật

Thứ nhất, tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ của Luật sư đã được quy định trong Luật Luật sư.

Theo khoản 15, Điều 65, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là: “Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật”. 

Theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26/12/2021 theo Quyết định phê duyệt số 856/QĐ-TTg tại khoản 7, Điều 22 quy định về Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.

7. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

i) Tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp của Luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật;

Căn cứ quy định trên, việc tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ của các Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, các Luật sư là thành viên. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 39 Luật Luật sư 2006 cũng quy định tổ chức hành nghề Luật sư có quyền: “Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Như vậy, việc tham gia xây dựng pháp luật không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của Luật sư trong hoạt động hành nghề.

Nhận thức được nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật, bản thân tôi đã tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…

Với những ý kiến đóng góp khi tham gia góp ý kiến vào dự thảo luật tại Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội,… các ý kiến đã được tổng hợp và gửi về Ban soạn thảo. Ví dụ như đóng góp về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Thủ đô, đóng góp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đóng góp ý kiến về đối tượng bạo lực gia đình trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi…

Sự đóng góp của Luật sư với kiến thức chuyên sâu về pháp luật

Luật sư là những người đã đủ các tiêu chuẩn được quy định trong Luật Luật sư như: Có bằng cử nhân luật, được đào tạo nghề Luật sư và đã qua thời gian tập sự hành nghề Luật sư, thi đạt kết quả trong kỳ thi tập sự hành nghề Luật sư.

Trong quá trình hành nghề tư vấn pháp luật, Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, Luật sư sẽ tích luỹ kinh nghiệm hiểu biết về các lĩnh vực như đất đai, dân sự, hình sự, thủ tục hành chính... Chính vì vậy, khi tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là góp phần thực hiện sứ mệnh của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và đưa các ý kiến vướng mắc từ quá trình hành nghề vào việc sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tôi đã tham gia góp ý các dự thảo luật, như tham gia góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tổ chức; tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội tổ chức; tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại UBMTTQ Hà Nội…

Thứ hai, Luật sư thực hiện các hoạt động hành nghề nên trong quá trình hành nghề sẽ góp ý với tư cách chuyên gia xây dựng pháp luật.

Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động ngành nghề của Luật sư được quy định tại Luật Luật sư như thực hiện tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp….

Chính vì việc thực hiện các hoạt động hành nghề nên Luật sư là những người hiểu rõ, nắm bắt được các bất cập, chồng chéo của các quy định pháp luật từ đó nhận ra được sự hạn chế của pháp luật để có đề xuất đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật sư thể hiện vai trò của mình trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật tham gia ý kiến để góp ý đối với các dự thảo luật góp phần đưa tiếng nói của nhân dân về thực tiễn thực hiện pháp luật đến với Nhà nước.

Vai trò của Luật sư trong trợ giúp pháp lý cho người dân

Không chỉ trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Luật sư còn có vai trò to lớn trong trợ giúp pháp lý cho người dân. Đây cũng là một trong những nghĩa vụ của Luật sư là thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo Điều 21 Luật Luật sư. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định tại quy tắc 4.2: “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động vì người dân, người nghèo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, giới Luật sư đã góp phần phát huy uy tín, truyền thống của Luật sư Việt Nam, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Luật sư không nhận thù lao khi trợ giúp pháp lý, hoạt động này được các Luật sư thực hiện từ cái tâm của mình.

Năm 2022, tôi là khách mời quen thuộc của VOV "01 giờ đường dây nóng" với các chủ đề bảo vệ quyền trẻ em, góp phần tuyên truyền pháp luật, phản biện ý kiến về các vụ việc nóng liên quan đến trẻ em hiện nay. 

Cũng trong năm 2022, tôi đã tham gia trợ giúp pháp lý 04 vụ án hình sự, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Tháng 6/2022, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân là bé L.H.A. tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, trong vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Bị cáo L.T.C. khi dạy con học đã dùng que tre và gậy gỗ đánh nhiều lần dẫn đến bé L.H.A. tử vong. Tháng 8/2022, Luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho ông Đ.V.C. và gia đình trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con ông là Đ.T.K. nghi bị đánh chết vào ngày 29/5/2022. Từ tháng 8/2022 tới nay, tôi là người trợ giúp pháp lý cho các trẻ em bị lừa đảo qua mạng xã hội, đã có cháu đòi lại được tiền bị lừa, có cháu phía công an vẫn đang trong quá trình điều tra…

Bên cạnh trợ giúp pháp lý cho đối tượng trẻ em, nghĩa vụ của những người Luật sư đó là tham gia trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là đối tượng yếu thế với các buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình.

Vai trò của Luật sư bên cạnh hoạt động hành nghề còn có sứ mệnh đóng góp vào xây dựng Nhà nước pháp quyền, trợ giúp pháp lý cho người dân. Với mỗi đóng góp của các Luật sư là một bông hoa nhỏ góp phần vào xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển, vì nhân dân.

Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ người yếu thế trong xã hội

Nguyễn Hoàng Lâm