Trách nhiệm của Luật sư trong việc bảo vệ người yếu thế trong xã hội

08/10/2023 17:29 | 7 tháng trước

(LSVN) - Các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người yếu thế bằng các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân, gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế trong xã hội.

Ảnh minh hoạ. 

Đến nay, chưa có một quy định cụ thể hay một định nghĩa, khái niệm cụ thể nào về người yếu thế, vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về nhóm đối tượng này trong xã hội. Tuy nhiên, thuật ngữ này vẫn thường được sử dụng phổ biến trong xã hội, và được coi như là một thuật ngữ pháp lý. Hiểu một cách đơn giản, người yếu thế là người bị hạn chế một phần năng lực tự nhiên hoặc do những yếu tố xã hội tác động khiến họ bị đánh giá thấp hơn so với người bình thường về địa vị trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện và năng lực có sẵn như nhau, cụ thể như: người nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, …

Để đảm bảo sự bình đẳng, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, Nhà nước và cộng đồng sẽ thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ khác nhau trên các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm khắc phục những chênh lệch, khó khăn mà họ đang gặp phải. Đối với lĩnh vực pháp lý, Nhà nước và các cá nhân, tổ chức hỗ trợ đối với nhóm người yếu thế thông qua hình thức cung cấp, thực hiện việc trợ giúp pháp lý.

Tại Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Sứ mệnh và nghĩa vụ của Luật sư trong thực hiện trợ giúp pháp lý

Với sứ mệnh “bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Luật sư có nghĩa vụ thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 21 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao (Quy tắc 4 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc), và Luật sư phải thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý (Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2018 của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư cho mọi tổ chức, cá nhân có yêu cầu).

Theo Quyết định số 112/QĐ-BTV thì các nội dung trợ giúp pháp lý của Luật sư bao gồm: (1) Tham gia phổ biến pháp luật; (2) Tư vấn pháp luật; (3) Tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; (4) Đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; (5) Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Cũng theo Quyết định số 112/QĐ-BTV thì Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây: (1) Thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hoặc Trưởng tổ chức hành nghề Luật sư; (2) Tham gia các đoàn, nhóm trợ giúp pháp lý lưu động do Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư tổ chức; (3) Tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý do các cơ quan, tổ chức khác tổ chức; (4) Tự mình thực hiện trợ giúp pháp lý khi có đề nghị của người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

Đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Quyết định 112/QĐ-BTV cũng rộng hơn Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) đều là đối tượng được trợ giúp pháp lý của Luật sư. Tuy nhiên, đối tượng thuộc diện của Luật Trợ giúp pháp lý vẫn được ưu tiên trợ giúp pháp lý.

Vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ người yếu thế trong xã hội

Thứ nhất, các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư có vai trò nâng cao nhận thức pháp luật cho những người yếu thế trong xã hội

Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật được các Luật sư thực hiện trên tinh thần tự nguyện thông qua việc trợ giúp pháp lý theo các đợt tổ chức của Đoàn Luật sư và tại nơi làm việc của các tổ chức hành nghề Luật sư. Từ đó, đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật của nhóm người yếu thế trong xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhóm người yếu thế đã tiếp cận, hiểu rõ hơn về các quy định, quy trình của pháp luật và ý nghĩa của việc tuân thủ pháp luật trong cuộc sống hàng ngày, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật. Từ đó, họ sẽ có nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đồng thời tự thức dậy trách nhiệm học tập, tìm hiểu pháp luật để tránh vi phạm, và đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ pháp luật.

Thứ hai, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư có vai trò bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế

Các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người yếu thế bằng các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân, gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác nhằm mục đích trực tiếp bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế trong xã hội.

Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư, những người yếu thế trong xã hội biết lựa chọn các hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng tư pháp giữa các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội trong tiếp cận và thực hiện pháp luật.

Đồng thời, thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã gián tiếp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật; góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ việc; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; phòng ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ công vụ dẫn đến sai sót, oan sai, phải bồi thường thiệt hại hoặc dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội; giúp người yếu thế yên tâm lao động, sản xuất tạo ra của cải cho xã hội.

Nhiều vụ việc tham gia tố tụng với sự tham gia của Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận các quan điểm bào chữa, bảo vệ theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội… góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người yếu thế, củng cố niềm tin vào công lý của nhân dân, bảo đảm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Thứ ba là, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư có vai trò giúp cho người yếu thế có thể hòa nhập được với xã hội, được hưởng sự bình đẳng trong xã hội

Mặc dù, pháp luật đã quy định rõ các quyền của nhóm người yếu thế được hưởng, song không phải ai trong nhóm người yếu thế cũng có đủ khả năng để biết và nhận thức đầy đủ các quyền của mình vì những hạn chế về ngôn ngữ, phương tiện, sức khỏe, trí tuệ… Chưa kể nỗi sợ hãi, sự tự ti về bản thân khiến những người yếu thế sớm bỏ cuộc hoặc không sử dụng và áp dụng đúng các quyền pháp lý của mình.

Vì vậy, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý có vai trò không chỉ đơn thuần giúp nhóm người yếu thế vượt qua rào cản, tiếp cận về pháp luật, bảo đảm các quyền lợi chính đáng của họ mà hơn hết là giúp họ vượt qua nỗi mặc cảm, sợ hãi và đặt niềm tin vào công lý từ đó dám đứng lên đấu tranh, tự bảo vệ các quyền con người của mình hoặc của cộng đồng mình sinh sống. Các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện việc trợ giúp pháp lý không phải chỉ là nghĩa vụ bắt buộc, mà nó xuất phát từ cái Tâm, cái Tầm, và sứ mệnh cao cả của Luật sư và nghề Luật sư góp phần phát huy uy tín, truyền thống của Luật sư Việt Nam, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Vai trò của các Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đối với việc bảo vệ những người yếu thế trong xã hội cũng ngày càng được khẳng định trong thực tế hiện nay. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ những người yếu thế trong xã hội của Luật sư thì còn cần tăng cường, sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước liên quan.

Thạc sĩ, Luật sư LÊ QUỐC NGHĨA

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Luật sư góp phần xây dựng, hoàn thiện công tác pháp luật

Từ khoá : lsvn.vn LSVN