/ Nghề Luật sư
/ Luật sư góp phần xây dựng, hoàn thiện công tác pháp luật

Luật sư góp phần xây dựng, hoàn thiện công tác pháp luật

07/10/2023 07:55 |

(LSVN) - Vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đương sự, giúp giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 22, Luật Luật sư 2016, phạm vi hành nghề Luật sư gồm:

"1.Tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;

2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật;

3. Thực hiện tư vấn pháp luật;

4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư;

Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý vừa là nghĩa vụ, vừa là đạo đức nghề nghiệp của Luật sư". 

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 21, Luật Luật sư quy định thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong các nghĩa vụ của Luật sư. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 93/BTV ngày 09/10/2014 hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư là 8 giờ trong một năm.

Việc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý không chỉ là nghĩa vụ mà còn là đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/ 2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc cũng ghi nhận điều này như sau:

Quy tắc 4. Tham gia hoạt động cộng đồng

4.1. Luật sư luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của Luật sư.

4.2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.

Thực tế cho thấy, các vụ việc yêu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu là các vụ việc tố tụng, do đó Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cần có những quy định thể hiện hoạt động trợ giúp pháp lý nên tập trung vào tố tụng, đồng thời có những quy định cụ thể  và nâng cao hơn nữa về điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, kinh nghiệm hoạt động người tham gia trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, trong hoạt động tố tụng, khi Luật sư có mặt thì quyền và nghĩa vụ của những đối tượng, đặc biệt là trong vụ án hình sự, sẽ được đảm bảo hơn, họ sẽ có tâm lý vững tin, có kiến thức pháp lý hơn, tránh những rủi ro pháp lý không đáng có, và sẽ hiểu hơn về địa vị pháp lý của mình trong xã hội.

Luật sư không chỉ tham gia tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, có các bài viết nghiên cứu trong việc phản biện xã hội mà trong tố tụng và kinh tế, các tập đoàn, công ty lớn cũng cần sự hỗ trợ của Luật sư để đảm bảo việc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy vai trò của Luật sư ngày càng vững mạnh trong cuộc sống hiện nay.

Ngoài việc tham gia tố tụng bảo vệ cho quyền lợi của trẻ em và phụ nữ, 10 năm gắn bó với chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, tôi đã cùng các Luật sư thành viên tổ chức hàng ngàn phiên tòa giả định và các buổi tuyên truyền pháp luật khác tại trường học, khu dân cư, khu chế xuất…; đóng góp hoàn thiện các quy định pháp luật về ứng xử với trẻ em bị xâm hại và phụ nữ yếu thế.

Thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, Luật sư chúng tôi luôn nhấn mạnh “Im lặng là tội ác”, “Hãy nói không với bạo lực, với xâm hại trẻ em”. Trong những trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại, nếu người nhà giấu kín hoặc thương lượng bao che thì đó là tội ác và là tiếp tay cho cái sai, cái ác.

Trong một số cuộc họp góp ý về công tác bảo vệ trẻ em do Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức, tôi từng đề nghị cơ quan điều tra phải ngưng việc yêu cầu trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tham gia đối chất cũng như không hỏi đi hỏi lại các em nhiều lần. Bởi sự thẩm vấn nhiều lần như vậy khiến các em bị tổn thương và sang chấn tâm lý nặng nề. 

Tôi cũng đề nghị điều tra viên phải có kinh nghiệm ở lĩnh vực trẻ em và chỉ hỏi các em một lần trong khoảng 30 phút. Nếu còn chưa ghi nhận đủ, điều tra viên xuống nhà các em hỏi thêm hoặc đến hội phụ nữ hay UBND địa phương, chứ không tiếp tục đưa các em lên cơ quan điều tra... Các kiến nghị của tôi đã dần được đáp ứng cụ thể qua những vụ án gần đây.

Chi hội Luật sư đã cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất mô hình “Một điểm dừng” dự kiến tại Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, lúc tiếp nhận tố cáo, cán bộ điều tra và người giám hộ đưa các em lên thẳng Bệnh viện. Đại diện hội phụ nữ, đơn vị giám định pháp y, Luật sư… cũng sẽ tập trung tại đây để phối hợp xử lý. Với mô hình này, các bé chỉ đến một lần tại một điểm duy nhất, tránh bị tổn thương thêm về tâm lý, đồng thời chứng cứ có thể được lưu giữ kịp thời.

Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Cha mẹ của bị cáo D.T.S.N. ở huyện H.M có đơn kêu oan, có đơn nhờ tôi bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho con (người chưa thành niên, bị tâm thần). Toà án nhân dân huyện H.M hoãn lần thứ nhất, sau đó nhiều lần tiếp tục hoãn phiên toà. Lần thứ tư vào ngày 29/9/2023, Toà tiếp tục hoãn với lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Nội dung vụ án

Một buổi tối, S.N. điều khiển xe gắn máy về nhà, trên đường về thì có nhóm bạn điều khiển xe ngược chiều thấy và kêu S.N. quay xe lại đi cùng, S.N. đi cùng nhóm bạn, sau đó dừng lại cho một người bạn quá giang. Đi được một đoạn thì S.N. ghé vào đổ xăng. Sau khi đổ xăng xong nhóm bạn đã bỏ S.N. lại, S.N. không biết nhóm bạn đã đi đâu nên N. chở người bạn kia về, đồng thời S.N. về nhà ngủ. 

Riêng nhóm bạn S.N. trên đường đi thì 01 xe va quẹt giao thông với người đi đường nên bị Công an kiểm tra xử lý. Quá trình xử lý vụ va chạm giao thông, Công an kiểm tra phát hiện thu giữ nhiều hung khí. Nhóm bạn của S.N. khai mang hung khí để đánh nhau với nhóm khác do mâu thuẫn từ trước. Từ vụ va chạm giao thông nêu trên, Công an và Viện Kiểm sát huyện H.M củng cố khởi tố, kết luận điều tra 11 bị can trong nhóm bạn của S.N. tội “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Sau khi kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát huyện H.M. trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu xem xét xử lý đối với S.N. (Do N. bị bệnh tâm thần bẩm sinh, trước đó đã có Kết luận giám định tâm thần của Trung tâm pháp y tâm thần). Trong vụ việc này S.N. tiếp tục bị CQĐT huyện H.M trưng cầu giám định pháp y tâm thần và được kết luận: S.N. hạn chế điều khiển năng lực của hành vi. Từ việc trả hồ sơ của Viện Kiểm sát, CQĐT huyện H.M. khởi tố bị can đối với S.N. về tội “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại khoản 2, Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau khi điều tra bổ sung xong, Viện Kiểm sát huyện H.M. truy tố 12 bị can và chuyển hồ sơ vụ án đến TAND huyện H.M. để xét xử theo thẩm quyền. 

Vụ án này toà đã lên lịch xử rất nhiều lần, nay đã trả hồ sơ lại cho Viện Kiểm sát. Nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy dấu hiệu oan ở chỗ N. không có bàn bạc, không biết nhóm bạn hẹn đi đánh nhau, khi N. ghé cây xăng thì nhóm bạn đã bỏ đi, sau đó N. chở bạn về nhà, đồng thời cũng về nhà ngủ. Những tình tiết và chứng cứ trong hồ sơ thể hiện rất rõ dấu hiệu N. không phạm tội….

Bảo vệ phụ nữ trong vòng tố tụng

Một vụ án khác mà tôi đang trợ giúp pháp lý, đó là vụ án có dấu hiệu oan hoặc khởi tố sai tội danh. Đó là vụ án T.N.N. bị truy tố tội "Giết người". Con gái của bị cáo N. có đơn kêu oan cho mẹ, đồng thời có đơn nhờ tôi.

TAND TP. Hồ Chí Minh vừa trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung để xác định hành vi sai trái của bị hại, đồng thời làm rõ hành vi “Giết người”, quy định tại khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 của bị cáo N.

Tuy nhiên, CQĐT và Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố T.N.N. về tội “Giết người”. Ngày 29/9/2023, TAND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. 

Nội dung vụ án

T.N.N. (sinh năm 1977, có 02 người con gái sinh năm 1999 và 2001), N. ly hôn chồng năm 2002, N. thuê mặt bằng tại một khu vực chợ để bán quán nhậu bình dân. 

Khoảng gần 10 năm nay N. có quen biết và yêu thương ông T. (ông T. đang có vợ con, sinh sống tại quận Gò Vấp nhưng giấu N.). Một buổi tối, ông T. đến thì thấy N. đang cầm ly rượu trên tay do khách quen mời nên T. lao đến đánh đấm vào mặt N. nhiều cái, lúc này khách ăn uống can ngăn không cho T. đánh N. nữa, sau đó T. bỏ đi, N. dọn dẹp bàn ghế và đóng cửa nhà, N. vào nhà khóc và điện thoại cho chị gái kể lại sự việc.

Chị gái của N. nhà ở gần đó nên kêu con trai chở qua chỗ N. Khi chị gái đến, N. mở cửa cho chị vào thì T. từ phía sau lao vào tiếp tục đánh vào mặt N. nhiều cái, do quá bức xúc nên N. chạy vào trong bếp hai tay cầm 02 con dao và nói: Ông còn đánh tôi nữa thì tôi đâm ông chết (N. khai mục đích nói vậy để hù dọa cho ông T. không đánh mình nữa, ông T. khai: nghĩ N. hù dọa chứ không dám đâm mình nên ông T. tiếp tục lao vào đánh N.), do ông T. tiếp tục lao vào đánh nên N. dùng dao đang cầm trên tay phải đâm đại 01 cái vào vùng bụng ông T., N. thấy đâm trúng ông T. nên N. ngồi sụp xuống tại chỗ và bỏ 02 con dao xuống đất… Ông T. tiếp tục lao vào đánh N. thì được người dân xung quanh đó can ngăn, ông T. đi ra ngoài và nổ máy xe bỏ đi. Tuy nhiên, lực lượng Công an và dân phòng (Công an phường 3 cách đó khoảng hơn 10 mét) thấy trên bụng ông T. có máu chảy ra nên mọi người không cho ông T. chạy xe và đưa ông T. vào bệnh viện cấp cứu, kết luận giám định: ông T. bị tổn thương sức khỏe 59%. 

Quá trình điều tra xác định ông T. thường xuyên đánh đập N., đánh rất nhiều lần, ngoài ra con gái N. lục tủ của mẹ thì thấy mẹ có viết giấy quyên sinh (tự tử), với nhiều lý do đau khổ, đồng thời nêu “T. mượn N. số tiền gần 700 triệu đồng, nếu N. có chết thì kiếm ông T. ở quận Gò Vấp đòi lại số tiền đó”…

Nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi nhận thấy hành động của N. nhằm mục đích phòng vệ một cách chính đáng do N. cận rất nặng, chiều cao khoảng hơn 1.4m, nặng chưa đến 35kg, trong khi đó ông T. cao trên 1,7m, nặng trên 70kg.

Ông T. thừa nhận hành vi sai trái có đánh N. trong lúc ông T. nhậu say dẫn đến việc N. dùng dao đâm ông...

Chúng tôi kiến nghị xem xét việc tiếp tục đề nghị truy tố N. tội "Giết người" vì căn cứ vào các nội dung Tòa án trả điều tra bổ sung, điểm cần điều tra bổ sung quan trọng của vụ án là: Bị cáo N. có “Hành vi côn đồ hay không” để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đổi với bị cáo T.N.N. về tội gì, có tội hay không có tội thì CQĐT không thực hiện, kết luận điều tra bổ sung cũng không thể hiện…

Hiện, Toà án đang tiếp tục trả hồ sơ để xem xét làm rõ những kiến nghị của Luật sư.

Đồng hành cùng quyền lợi chính đáng của dân

Cùng chung niềm vui của Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam với các Luật sư đồng nghiệp, tôi và Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Chi Hội phó Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh) vừa có niềm vui bảo vệ thành công cho một người già mất gần 10 năm đòi lại căn nhà của mình.

Đó là vụ án “Mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc” mà báo chí phản ánh nhiều.

Vụ án bắt đầu từ việc vợ chồng ông N.V.Q. ký hợp đồng chuyển nhượng đối với diện tích đất 447,6m2, trên đó có căn nhà tại 335 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận TB. cho ông T. với giá 58 tỉ đồng, được công chứng ngày 02/10/2014. Sau khi công chứng, ông Q. đã đưa giấy tờ nhà bản chính cho ông T.

Ngay hôm sau, ông T. đã cập nhật, sang tên xong. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi sang tên (khi vẫn còn nợ ông Q. 47 tỉ đồng) thì ông T. đem đi chuyển nhượng cho bà H.N.Đ giá 28 tỉ đồng.

Sau đó, ông T. ký cam kết ngày 17/11/2014, ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung ngày 28/11/2014, ký bản hủy hợp đồng ngày 27/12/2016 xác nhận còn nợ ông Q. 47 tỉ đồng và hẹn cuối tháng 11/2014 sẽ thanh toán hết. Ông T. cam kết nếu không thực hiện được thì sẽ mất hết số tiền đã đưa trước đó là 11 tỉ đồng; đồng thời sẽ trả lại bản chính giấy tờ nhà đất và chuyển chủ quyền lại cho ông Q.

Giai đoạn xét xử trước đây, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều bác yêu cầu của ông Q. về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng với ông T. Hai bản án này đã bị cấp giám đốc thẩm hủy với yêu cầu khi xét xử lại cần tôn trọng sự thỏa thuận giữa ông Q. và ông T.

Khi nhận lời giúp ông Q., chúng tôi nghiên cứu hồ sơ và nhận ra rằng sau khi bên mua khuất tất, còn nợ tiền không trả mà đem nhà đi bán nên ngày 28/11/2014 Ông Q. đã yêu cầu bên mua đến Văn phòng công chứng ký tên thỏa thuận chuyển số tiền đã thanh toán 10 tỉ đồng ngày 02/10/2014 thành tiền cọc và bên mua nhà phải chịu chế tài mất số tiền trên nếu vi phạm thời hạn thanh toán. Sự thỏa thuận này là tự nguyện, không trái pháp luật và không có bất cứ nội dung nào làm thay đổi, trái với hợp đồng chuyển nhượng hai bên đã ký, nên hợp đồng sau này có giá trị pháp lý.

Do hợp đồng sau có giá trị pháp lý nên việc hai bên thống nhất cho thêm thời hạn thanh toán và thỏa thuận điều kiện mất số tiền xác định là tiền cọc để ràng buộc nghĩa vụ thanh toán đúng hạn đã được gia hạn. Việc không thực hiện được thủ tục công chứng là do lỗi của ông T.  không xuất trình được bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ

Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

 Luật sư trong các chế độ cũ ở Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lâm