/ Góc nhìn
/ Một năm cao trào phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế

Một năm cao trào phòng chống tham nhũng và tội phạm kinh tế

06/02/2023 10:53 |

(LSVN) - Những diễn biến trong đời sống pháp luật của năm 2022 cho thấy cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế đã đẩy lên mức cao trào. Có không ít những vụ án gây chấn động dư luận và làm rúng động các đường dây tội phạm tưởng chừng như thành trì vững chắc không xâm phạm được.

Ảnh minh họa.

Hai vụ án điển hình “hậu covid” là Việt Á và “Chuyến bay giải cứu” đã khiến dư luận không khỏi căm giận những kẻ phạm tội và xót xa cho thân phận người dân. Chưa bao giờ bộ mặt thật của giới quan chức thoái hóa và những doanh nhân vị tiền lại được nhìn gần đến thế với những thủ đoạn bất chấp cả pháp luật lẫn đạo lý. Lộ diện hoàn toàn những kẻ “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, những tên tội phạm đó trước khi lộ diện đã có những lời nói tuyệt hay về tình yêu Tổ quốc, đồng bào và thể hiện một quyết tâm chống tham nhũng đến cùng.

Những biến cố trong đời sống pháp luật năm qua gây bất ngờ cho nhiều người, kể cả giới chuyên gia pháp luật hay những người quan sát, bình luận sự kiện pháp lý. Không ai ngờ con đường vào vào vòng lao lý của doanh nhân tiếng tăm Trịnh Văn Quyết lại đến sớm như thế, Cũng không ai ngờ “thành trì” của Vạn Thịnh Phát bỗng chốc sụp đổ hoặc “đế chế” của Nguyễn Thị Thanh Nhàn có ngày tan tác. Sự bất ngờ còn đến ở phía những người có tên tuổi, uy tín bấy nay, tưởng như không ai đụng chạm được lại là những kẻ âm mưu tối tăm, “Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Diễn biến của các vụ “đại án” cũng gây bất ngờ khi phạm vi ngày càng mở rộng và mức độ phạm tội lên cao, lan tới cả những người quyền lực. Chẳng hạn như vụ giải cứu, mới đây, đương kim Phó Chủ tịch Hà Nội phải tra tay vào còng.

Một dấu ấn trong hoạt động tư pháp rất đáng phải quan tâm của đời sống pháp luật năm 2022 là tội phạm hối lộ bị phát hiện và đưa ra xét xử khá nhiều. Tội nhận hối lộ là chuyện “xưa nay hiếm” trong lịch sử tố tụng nước nhà, có đưa ra xét xử cũng chỉ vài ba vụ lẻ tẻ ở các công chức cấp thấp, thậm chí chỉ xử người đưa hối lộ, môi giớ hối hối lộ còn người nhận hối lộ thì chưa phát hiện được hoặc chưa đủ căn cứ đế xác định nhận hối lộ. Nay, tình hình biến chuyển và không ít cán bộ cấp cao dính phải tội này, kể cả ngành Công an, Ngoại giao hay các lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Đặc biệt, đáng lo ngại là quan chức nhận hối lộ cứ như không, coi là món quà bình thường, mặc nhiên phải có chứ chẳng tội lỗi gì, họ mang về đưa vợ, cho con hoặc “làm từ thiện”. Một dấu ấn khác cũng cần ghi nhận là bên cạnh tội phạm về quản lý đất đai về các “quan ăn đất” xảy ra khá phổ biến thì giờ đây, các loại tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu,… và cả “lợi ích nhóm” đều bị phanh phui và đưa ra xét xử.

Phiên tòa cuối cùng của năm 2022 và “bắc cầu” sang năm mới cũng là một vụ đại án với đầy đủ yếu tố bất ngờ, nghiêm trọng. Đó là vụ xử vắng mặt chủ mưu, cầm đầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm, trong đó có cả dàn cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với tội Nhận hối lộ và các doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu và bản chất của nó theo nhận định của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa là “điển hình của nhóm lợi ích”. Nhận diện tội phạm loại này và cắt đứt đường dây liên kết, phá vỡ những “liên minh ma quỷ”, lành mạnh hóa môi trường đầu tư và công bằng, minh bạch trong đấu thầu cũng như thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.

Năm 2022 đã khép lại với những biến cố không ngờ cùng các biến động tích cực  trong đời sống pháp luật ở nước ta. Điều đó khẳng định pháp luật không có vùng cấm và không ai ở ngoài hoặc bên trên pháp luật – những yếu tố cần thiết để xây dựng một nhà nước trong sạch và vững mạnh, một xã hội công bằng và văn minh.

NHỊ NGỌC

Khi lừa đảo đất lộng hành, chính quyền ở đâu?

Nguyễn Hoàng Lâm