Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
Đến nay, việc triển khai Luật Công chứng (sửa đổi) đã đạt nhiều kết quả rất tích cực, tiếp tục đóng góp vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; phát triển đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp..., góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng (thay đổi Trưởng Văn phòng công chứng, trụ sở Văn phòng công chứng) nhưng không thay đổi tên gọi Văn phòng công chứng; việc thường xuyên thay đổi thành viên hợp danh Văn phòng công chứng, các công chứng viên hợp danh hình thức, đối phó; quảng cáo về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trái quy định; chứng thực bản sao không đối chiếu bản chính, không có mặt người yêu cầu chứng thực; công chứng hợp đồng, giao dịch ngoài trụ sở không đúng quy định; còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng theo quy định gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề công chứng trong xã hội… Một số hành vi vi phạm của công chứng viên đã bị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trong thời gian tới, theo tác giả cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tích cực tham gia xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng.
Thứ hai, tăng cường phát triển đội ngũ công chứng viên (chú trọng công tác kiểm soát chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên), tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu thực tiễn để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng tại địa phương, trong đó thường xuyên nắm bắt thông tin, phản ánh, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý các hành vi phạm của các tổ chức hành nghề công chứng và của các công chứng viên.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng chứng thực bản sao không đối chiếu bản chính, không có mặt người yêu cầu chứng thực; công chứng giao dịch khi chưa xác định nội dung, chủ thể giao dịch; công chứng ngoài trụ sở không đúng quy định; công chứng viên không trực tiếp chứng kiến các bên giao kết hợp đồng, giao dịch ký hoặc điểm chỉ vào văn bản công chứng mà giao cho nhân viên làm thay…
Thứ tư, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về vai trò, vị trí, bản chất của hoạt động công chứng để các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn tính chất quan trọng của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, có các giải pháp phát triển hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.
Thứ năm, thường xuyên rà soát các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trên địa bàn; có biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm đối với việc thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng không đúng quy định; hợp danh, thay đổi thành viên hợp danh hình thức, đối phó. Phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản để quán triệt, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trong việc hướng dẫn người yêu cầu công chứng giao dịch mua bán tài sản, kê khai nộp thuế đúng quy định; phối hợp các cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thứ sáu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng và chính trị tư tưởng cho công chứng viên, người tập sự hành nghề công chứng; xây dựng kế hoạch phát triển công chứng viên, căn cứ theo nhu cầu thực tế của địa phương để có phương án quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc hành nghề của các công chứng viên, không để hành vi vi phạm xảy ra, nhất là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tiếp tay cho các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...