/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số đặc thù của Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

Một số đặc thù của Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

13/01/2021 03:23 |3 năm trước

(LSVN) - Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế của Học viện Tư pháp được triển khai để thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (Chương trình). Đây là nhiệm vụ chính trị mới, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo nghề Luật sư truyền thống của Học viện Tư pháp. Chương trình hướng đến việc xây dựng đội ngũ Luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề Luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội. Chương trình hiện hành gồm có: Chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế của Bộ Tư pháp, ban hành theo Quyết định số 2539/QĐ-BTP ngày 06/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chương trình chi tiết đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế của Học viện Tư pháp, ban hành theo Quyết định số 1480/QĐ-HVTP ngày 17/9/2019 của Giám đốc Học viện Tư pháp.

Lễ Khai giảng Lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Hà Nội.

Với những đặc thù về mục đích đào tạo như đã đề cập trên đây, Chương trình có một số điểm đặc trưng như sau:

Về văn bằng tốt nghiệp

Học viên hoàn thành toàn bộ Chương trình sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề Luật sư (Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế), có giá trị tương đương với giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề Luật sư thông thường.

Về đối tượng đào tạo

Thứ nhất, học viên tham gia học Chương trình này đa phần đã có sự phân hóa rất rõ rệt về định hướng nghề nghiệp và phần lớn có định hướng làm việc cho các tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu về kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc làm Luật sư, chuyên gia pháp lý cho các công ty, tập đoàn nước ngoài. Do có định hướng nghề nghiệp rõ ràng khi đăng ký học, nên đa phần các học viên kỳ vọng, mong muốn được học hỏi những nội dung thực tế, mang tính ứng dụng cao liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Thứ hai, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ là một trong những điểm khác biệt của Chương trình so với các Chương trình đào tạo Luật sư khác tại Học viện Tư pháp. Do nội dung của Chương trình chuyên sâu về kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, nguồn học liệu bằng tiếng Việt về lĩnh vực này còn hạn chế, vì vậy đòi hỏi học viên muốn tham gia Chương trình cần có trình độ ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam ban hành kèm Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc IETLS đạt 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT đạt 45 điểm trở lên hoặc có trình độ ngoại ngữ tương đương. Thực tế cho thấy, nhiều học viên tham gia Chương trình có điểm IELTS từ 5.5 trở lên hoặc trình độ tương đương, một số học viên còn từng được đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại nước ngoài, một số khác là cử nhân ngoại ngữ. Dưới đây là thông tin về trình độ ngoại ngữ của Lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa 3 tại TP. Hồ Chí Minh.

Chuẩn đầu ra của Chương trình

Chương trình đào tạo đặt ra mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để học viên có thể tham gia tư vấn, tranh tụng và thực hiện các hoạt động khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Về chuẩn đầu ra, người tốt nghiệp Chương trình đào tạo này cần đạt được các chuẩn về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất sau đây:

- Hiểu và vận dụng được các quy định pháp luật về nghề nghiệp Luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư các kiến thức pháp lý cơ bản và chuyên sâu của Luật sư trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

- Có các kỹ năng hành nghề cơ bản của Luật sư  trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế (kỹ năng tư vấn pháp luật; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ; kỹ năng tra cứu và phân tích án lệ; kỹ năng tra cứu và áp dụng các nguồn của luật thương mại, đầu tư quốc tế; kỹ năng viết và soạn thảo văn bản pháp lý và kỹ năng tranh tụng); có các kỹ năng hành nghề của Luật sư  trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế; có các kỹ năng hành nghề của Luật sư  trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế thông qua các hình thức giải quyết tranh chấp như: thương lượng, hòa giải, trọng tài quốc tế, tòa án và vận dụng được các kỹ năng của Luật sư  khi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế theo cơ chế giải quyết của WTO, ASEAN và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ Việt Nam. Có các kỹ năng hành nghề của Luật sư trong một số lĩnh vực chuyên sâu về thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế.

- Có thái độ ứng xử nghề nghiệp và thực hành nghề nghiệp phù hợp với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Có tinh thần trách nhiệm khi tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế cho các cơ quan của Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước và khách hàng.

Về nội dung của Chương trình

Với mục tiêu chung và chuẩn đầu ra như nêu trên, Chương trình có nội dung chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng của Luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Tổng số tín chỉ phải tích lũy là 39 tín chỉ có cơ cấu như sau:

- Sáu môn học bắt buộc (33 tín chỉ), bao gồm: Nghề Luật sư và đạo đức nghề nghiệp Luật sư; Kỹ năng hành nghề cơ bản của Luật sư  về thương mại, đầu tư và giải quyết tranh chấp quốc tế; Kỹ năng tư vấn của Luật sư  trong lĩnh vực thương mại quốc tế; Kỹ năng tư vấn của Luật sư  trong lĩnh vực đầu tư quốc tế; Kỹ năng của Luật sư  trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế; Thực tập.

- Hai môn học lựa chọn (6 tín chỉ), học viên lựa chọn 2 trong số các môn học sau: Kỹ năng của Luật sư trong lĩnh vực thương mại điện tử; Kỹ năng của Luật sư  trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Kỹ năng của Luật sư  về đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế; Kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế về bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu và tự vệ thương mại; Kỹ năng của Luật sư  trong việc đàm phàn, soạn thảo một số loại hợp đồng đầu tư; Kỹ năng của Luật sư  trong việc tư vấn về vận tải quốc tế và logistic.

Thực tập nghề nghiệp

Với thời gian tương đương 08 tín chỉ, học viên được yêu cầu đăng ký thực tập ở các tổ chức hành nghề Luật sư  có hoạt động tư vấn hoặc tranh tụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại Việt Nam (trong đó có nhiều hãng luật là thành viên của Câu lạc bộ Luật sư  Thương mại quốc tế Việt Nam); các cơ quan nhà nước, tập đoàn, công ty và tổ chức có môi trường và đội ngũ chuyên gia có khả năng truyền thụ, đào tạo học viên về các kỹ năng nghề của Luật sư  trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng về đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.

Học viên tham gia Chương trình được tiếp cận với cơ hội thực tập và nhà tuyển dụng chuyên nghiệp là các tổ chức hành nghề Luật sư  hàng đầu tại Việt Nam (trong đó có nhiều hãng luật là thành viên của Câu lạc bộ Luật sư  Thương mại quốc tế Việt Nam); các cơ quan nhà nước, tập đoàn, công ty và tổ chức có môi trường và đội ngũ chuyên gia có khả năng truyền thụ, đào tạo học viên về các kỹ năng nghề của Luật sư  trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng về đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.

Giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống

Mặc dù mới bước đầu tổ chức 03 khóa đào tạo, đội ngũ giảng viên và học viên đã chú trọng và từng bước xây dựng hệ thống học liệu trong nước và nước ngoài có nội dung thiết thực, hữu ích, mang tính cập nhật. Nguồn học liệu tiếng Anh được sử dụng để phục vụ hoạt động đào tạo của Chương trình hiện nay đều đang được các trường đào tạo luật và kỹ năng hành nghề Luật sư  hàng đầu thế giới tại Anh, Mỹ, Singapore sử dụng.

Hồ sơ tình huống là bộ phận học liệu quan trọng trong Chương trình để phục vụ cho các phương pháp dạy-học tích cực: học theo tình huống, hồ sơ thực tế (case study); phương pháp đóng vai (role play); diễn án (moot court)… Hệ thống tình huống thực tế được hình thành theo cách thức: Học viện (Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư  thương mại quốc tế) chủ trì tổ chức xây dựng hồ sơ tình huống từ các vụ việc thực tế đáp ứng các tiêu chí chung của Học viện; giảng viên tự xây dựng tình huống (thực tế hoặc giả định) trong giáo án các bài giảng và trực tiếp sử dụng trong bài giảng của mình, các giảng viên tham khảo giáo án, tài liệu, tình huống từ các bài giảng trong và ngoài Chương trình để hiệu chỉnh, kết nối phù hợp với thời lượng và yêu cầu của từng môn học, bài học. Đến nay, Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư  thương mại quốc tế đã tổ chức xây dựng được 61 hồ sơ tình huống bước đầu cho 05 môn bắt buộc và 02 môn tự chọn [1], đang tiếp tục xây dựng hồ sơ tình huống cho một số môn tự chọn còn lại. Các bài giảng của mỗi giảng viên đều có sử dụng 2 - 3 tình huống nhỏ hoặc vừa phù hợp với nội dung lý thuyết được xây dựng trong từng bài giảng, sau 02 khóa học đã có hàng trăm tình huống nhỏ, vừa được xây dựng.

Ngôn ngữ giảng dạy

Một trong những mục tiêu của Chương trình là nâng cao trình độ tiếng Anh pháp lý cho người học nhằm hướng đến việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho đội ngũ Luật sư  phục vụ hội nhập. Vì vậy, học viên không chỉ rèn luyện kỹ năng đọc tiếng Anh trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị bài mà học viên còn được cải thiện cả kỹ năng nghe, trình bày, làm việc nhóm, viết bằng tiếng Anh khi tham gia các buổi học được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đầu ra về kiến thức, giải quyết sự chênh lệnh trong trình độ tiếng Anh của học viên như đã đề cập trên đây, Chương trình đã được cơ cấu nhằm hướng đến việc với cùng một nội dung học, học viên vừa được giảng dạy bằng tiếng Việt để lĩnh hội được các kiến thức căn bản đồng thời vẫn được giảng dạy bằng tiếng Anh để cải thiện vốn tiếng Anh pháp lý.     

Phương pháp giảng dạy

Được xây dựng trên cơ sở tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của các chương trình đào tạo nghề luật tiên tiến ở các nước trên thế giới và có tính đến đặc điểm của Việt Nam, Chương trình đào tạo Luật sư  hội nhập quốc tế có các phương pháp giảng dạy tiên tiến được áp dụng như: phương pháp hỗn hợp (blended learning); giảng dạy theo tình huống, hồ sơ thực tế (case study); phương pháp đóng vai (role play); diễn án (moot court); phương pháp học trải nghiệm (experiental learning); các phương pháp giảng dạy, học tập tích cực khác.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy

Do đặc thù về ngôn ngữ, chuyên môn giảng dạy và yêu cầu về chất lượng giảng dạy nên giảng viên tham gia Chương trình đều là các Luật sư, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, cụ thể gồm:

- Nhóm giảng viên nước ngoài: Chương trình đã có sự tham gia giảng dạy của một số trọng tài viên, giảng viên, chuyên gia pháp luật đến từ Tòa án Trọng tài quốc tế ICC, Hội đồng Trọng tài quốc tế (KCAB); Đại học SMU, Singapore; Công ty Luật Baker&McKenzie (Chi nhánh Việt Nam); Công ty Luật TNHH Rajah&Tann LCT (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam).

- Nhóm giảng viên Việt Nam: Chương trình đã có sự tham gia giảng dạy của một số giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia của các cơ quan: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Viện Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc Bộ Tư pháp; Khoa Luật - Học viện An ninh; Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; các Luật sư  từ hãng luật Mayer Brown, YKVN, Baker MacKenzi VN, VILAF, APAC, EPLegal, Dimac, RHTlaw Viet Nam, ATS, Luật Việt, LNT&Partners, Asia Legal, VCI LEGAL... Các Luật sư , chuyên gia nêu trên đều có nhiều uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh doanh và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia giảng dạy cho Chương trình, các giảng viên đều nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong việc chuẩn bị giáo án, bài giảng và tài liệu hướng dẫn học viên nghiên cứu, thực hành theo đề nghị của Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế.

Tất cả các giảng viên đều tiến hành tốt các phương pháp dạy - học tích cực nêu trên. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng thường xuyên chú trọng nhiệm vụ cố vấn học tập cho học viên, thường xuyên theo dõi, giám sát, định hướng các hoạt động hướng nghiệp tích cực cho học viên, hướng học viên tới việc đặt ra mục tiêu, phấn đấu sau khi hoàn thành Chương trình đào tạo này sẽ trở thành Luật sư  chuyên sâu về thương mại quốc tế làm việc cho Chính phủ, các cơ quan nhà nước, pháp chế bộ ngành hoặc pháp chế doanh nghiệp, đặc biệt là Luật sư  làm việc trong các tổ chức hành nghề Luật sư  chuyên sâu về thương mại quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, Chương trình đã tổ chức thành công 02 khóa đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế tại Hà Nội với tỷ lệ 4,76% học viên đạt loại giỏi và 41,26% học viên đạt loại khá. Khóa 3 là khóa đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với số lượng 65 học viên và hiện các học viên của khóa học này đã hoàn tất gần một nửa thời lượng của Chương trình. Khóa 4 được tổ chức tại Hà Nội đang trong quá trình tuyển sinh và dự kiến sẽ được khai giảng vào tháng 12/2020. Hiện Chương trình đã và đang được đánh giá là một trong những chương trình đào tạo Luật sư có uy tín, bám sát nhu cầu của người học và thực tế thực hành nghề Luật sư chuyên nghiệp, tiếp cận với các tiêu chuẩn về đào tạo kỹ năng nghề cho Luật sư tại một số quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Singapore.

===========================================

[1] Năm 2017 đã hoàn thành việc xây dựng 23 hồ sơ tình huống; năm 2018 đã hoàn thành việc xây dựng 29 hồ sơ tình huống theo tiêu chí và yêu cầu của Học viện Tư pháp.

NGUYỄN THỊ MINH HUỆ

Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp

Khai giảng Lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa IV

Lê Minh Hoàng