Một số đánh giá về tội ‘Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông’

06/08/2023 23:02 | 9 tháng trước

(LSVN) - Sự hình thành và phát triển của mạng máy tính, mạng viễn thông đã và đang chịu những tác động của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trở lại những năm gần đây, khi mà trình độ kiến thức ngày càng được nâng cao thì nhu cầu được tiếp cận thông tin từ khắp mọi nơi trên thế giới là vô cùng cần thiết. Chỉ cần kết nối Internet, mọi người đã có thể gắn kết với nhau một cách dễ dàng. Từ đó, mà mạng máy tính, mạng viễn thông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích của nó, mạng máy tính, mạng viễn thông cũng đem lại khá nhiều tác hại tiêu cực đáng lo ngại.

Ảnh minh hoạ. 

Với khối lượng thông tin, kiến thức to lớn, người dùng trở nên khó khăn trong việc khai thác, chắt lọc thông tin, dẫn đến lạm dụng việc sử dụng mạng để công kích, đưa thông tin sai lệch, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, xâm phạm đến cơ quan, tổ chức. Chỉ với thông tin sai lệch, bình luận tiêu cực, hình ảnh phản cảm hoặc các bài đăng về các vấn đề xã hội nhạy cảm như bạo lực học đường, hiếp dâm,... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, hành vi của người dùng, gây hoang mang dư luận. Như vậy, bất kể người dùng nào đưa hoặc sử dụng những thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Tổng quan về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”

Tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017 so với BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009 thì có những điều mới sau:

 - Thay đổi tên điều luật “Sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính” (1999); “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” (2009) thành “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”;

- Sửa đổi dấu hiệu định tội và các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo hướng làm rõ hậu quả thiệt hại đã xảy ra;

- Thay đổi mức phạt tiền đối với hình phạt chính;

- Đối với trường hợp phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì bổ sung hình thức phạt tiền để lựa chọn.

Các yếu tố cấu thành tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”

Để có thể định tội và áp dụng biện pháp xử lý thích đáng thì cần phải xem xét rõ ràng các dấu hiệu pháp lý và việc phân tích dấu hiệu pháp lý tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” dựa trên các mặt cụ thể như sau:

Xét vào chủ thể của tội phạm: Được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.

Xét vào khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm an toàn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, đồng thời xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Xét vào mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng vẫn thực hiện hành vi để hậu quả xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.

Xét vào mặt khách quan của tội phạm: Tội phạm được thể hiện ở các hành vi như sau:

- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định pháp luật. 

Đối với trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, hoặc gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước thì sẽ cấu thành tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 BLHS;

Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 BLHS;

Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin có tính chất bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc có tính chất bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì hành vi này cấu thành tội “Vu khống” theo Điều 156 BLHS;

Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc có những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, thì hành vi này cấu thành tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 BLHS.

- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin.

Theo đó, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ. [1] Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể [2]. Những thông tin cá nhân thường được nhắc đến bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân/ mã số định danh, địa chỉ thường trú, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại cá nhân, thư điện tử, số tài khoản ngân hàng...

Như vậy, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức cá nhân được pháp luật bảo vệ như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân/ mã số định danh, số điện thoại, địa chỉ, bí mật đời tư của cá nhân; thông tin, bí mật của tổ chức; các thông tin khác được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự,…quy định bảo vệ.

- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định cụ thể hành vi nào thuộc nhóm các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Thực tế cho thấy, một số hành vi thuộc nhóm này như theo dõi, thu thập thông tin bất hợp pháp về cá nhân, tổ chức khác; không được phép sử dụng thông tin nhưng vẫn sử dụng; không đăng ký, chưa được cấp phép nhưng vẫn sử dụng thông tin…

Thực tiễn xét xử

Vừa qua, Toà án quân sự Quân khu 7 đã mở phiên tòa xét xử công khai bị cáo N.L.T.T. bị Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 truy tố về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 288 BLHS.

Bị cáo T. (là 1 trong các quản trị viên của Fanpage UEH Confession) đã dùng máy tính cá nhân trực tiếp duyệt, chỉnh sửa bài viết về vụ “hiếp dâm” dẫn đến người bị hại phải nhảy lầu ở Trường Quân sự Quân khu 7. Mặc cho những thông tin chưa được kiểm chứng, T. vẫn duyệt bài viết, ngay sau đó nhận hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ, làm hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng, tác động xấu đến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Quân đội. Hành vi của T. đã trực tiếp xâm hại đến quy định về quản lý môi trường mạng, tình hình an ninh chính trị, làm giảm uy tín của Quân đội.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo T, 12 tháng cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm vai trò quản trị, điều hành website, trang mạng xã hội trong thời gian 03 năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật [3].

Trên cơ sở nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn, qua đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhóm tác giả đưa ra một số khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; vướng mắc và kiến nghị một số nội dung sau:

Khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ

- Người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau (chỉ thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông). Do vậy, không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được danh tính thật và địa chỉ thật của người bị hại;

- Tội phạm thường sử dụng mạng máy tính, với thủ đoạn rất tinh vi, nên phạm vi lan tỏa rất nhanh và rộng, số lượng người tương tác, bình luận thường rất lớn, sống ở nhiều địa phương, nhiều nơi khác nhau.

Vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của BLHS 2015

Thứ nhất, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về “thông tin trái với quy định của pháp luật”. Qua nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều cách tiếp cận nội dung này dưới những những khía cạnh và phạm vi khác nhau. Cụ thể tại Điều 21 Hiến pháp 2013; các Điều 8, 16, 17 và 18 quy định về các hành vi xâm phạm An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng của Luật An ninh mạng; khoản 1 Điều 5 NĐ 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sửa đổi bổ sung một số điều bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018). Vì vậy, dẫn đến việc gây khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra về hành vi phạm tội.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định người đăng tải thông tin trái với quy định của pháp luật và hình thức xử lý đối với người chia sẻ thông tin vi phạm. Thực tế cho thế là có rất nhiều thông tin trái với quy định pháp luật, thông tin sai sự thật nhưng lan được lan truyền nhanh chóng, chia sẻ rất nhiều. Những thông tin trên tiếp cận đến khối lượng lớn người dùng mạng với tốc độ cực kì nhanh chóng, gây khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc thông tin. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành đã phát hiện, xử lý đối với tội phạm này cũng chưa đặt ra trách nhiệm xử lý đối với người chia sẻ thông tin, trong khi đây mới chính là những người lan truyền nhanh chóng, để lại hậu quả nặng nề.

Kiến nghị

- Cần thống nhất việc định nghĩa, giải thích về “thông tin trái với quy định của pháp luật” và cụ thể các hành vi phạm tội của tội phạm để làm cơ sở nhận diện, đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

- Cần quy định cụ thể về hậu quả và các mức độ để đánh giá tính nghiệm trọng. Khi xem xét đến hậu quả phi vật chất có thể cân nhắc những vấn đề: tần suất (số lần), khoảng thời gian người phạm tội thực hiện việc gửi, phát tán, cung cấp nội dung vi phạm,...

- Xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, thời gian cung cấp thông tin của các nhà cung cấp mạng máy tính, mạng viễn thông khi có yêu cầu đề nghị từ cơ quan chức năng, đảm bảo quá trình điều tra, xử lý hành vi phạm tội kịp thời.

Tóm lại, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc tiếp cận thông tin của người dùng cần phải có những hiểu biết cần thiết, kỹ năng nhất định. Người đưa những thông tin lên mạng xã hội lại càng phải thận trọng bởi việc này hiện nay vô cùng đơn giản. Song song đó, người đưa thông tin phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với toàn bộ nội dung thông tin của mình. Vì vậy, hãy là một người dùng thật thông minh để tránh được những rắc rối không đáng có.

[1] Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

[2] Khoản 15 Điều 3 Luật an toàn thông tin mạng năm 2015.

[3] https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/tuyen-phat-nguyen-le-tan-tai-muc-an-12-thang-cai-tao-khong-giam-giu-736237. 

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án quân sự Quân khu 7

TRẦN NGUYỄN BẢO NGÂN

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Thách thức của trí tuệ nhân tạo với ‘quyền được lãng quên’ và một số khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN