Những hạn chế còn tồn đọng
Về quy định xác lập người đại diện theo pháp luật
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thêm tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự của người đại diện theo pháp luật, tuy nhiên lại chưa đề cập đến chức năng “xác lập” giao dịch nhân danh doanh nghiệp. Mặc dù, có thêm quy định mở “các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” song việc không quy định cụ thể cũng là một hạn chế.
Về quy định tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là tòa án sẽ chỉ định ai trong số những người đang là đại diện theo pháp luật đối với trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật mà người đó không thể tiếp tục thì tòa án sẽ chỉ định ai là người đại diện theo pháp luật?
Về quy định thời điểm xác lập đại diện, pháp luật không quy định thứ tự ưu tiên áp dụng căn cứ xác lập nên vẫn đang có nhiều tranh luận trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật, thời điểm xác lập thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ là thời điểm doanh nghiệp ra quyết định bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật hay thời điểm được cấp giấy chứng nhận điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Về quy định tiêu chuẩn, điều kiện của người đại diện theo pháp luật
Khoản 1 Điều 31 Hiến năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, việc quy định người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trái với quy định về quyền con người, quyền công dân hay không vì họ chưa phải là tội phạm?.
Đối với quy định về điều kiện thường trú. Luật quy định bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện cư trú tại Việt Nam và nếu chỉ có một người đại diện, thì khi xuất cảnh phải thực hiện việc ủy quyền. Ngoài ra, trường hợp người đại diện theo pháp luật vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền, như vậy thì người đại diện theo pháp luật vẫn được phép vắng mặt trong một khoảng thời gian không xác định (1 năm, 2 năm…) cho nên quy định điều kiện “thường trú” ở đây không có ý nghĩa nhiều trong thực tiễn.
Về số lượng người đại diện
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định số lượng người đại diện theo pháp luật, nhưng xét ở góc độ kỹ thuật lập pháp thì vẫn còn chưa hợp lý khi đặt ở phần quy định chung, nên sẽ dẫn đến cách hiểu là chỉ có công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần mới có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, còn các loại hình doanh nghiệp khác sẽ không được có nhiều người đại diện theo pháp luật mà trong khi công ty hợp danh luôn có ít nhất từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên.
Thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp mà không phải doanh nghiệp nào cũng có trang thông tin điện tử nên các chủ thể bên ngoài sẽ khó mà biết được người đại diện mà mình đang đàm phán có thẩm quyền hay không? Thực tiễn cho thấy khi tòa án tiếp cận giải quyết các tranh chấp đối với doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện, việc sửa đổi bổ sung đơn từ cũng mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, đồng thời trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện mà một trong những người đó đi vắng không thể ký đơn hoặc có tranh chấp về việc khởi kiện tại tòa án thì lại chưa có hướng giải quyết. Luật Doanh nghiệp cũng chưa tính đến biện pháp xử lý trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã bị bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật phải được đăng ký mất 03 ngày làm việc. Trong thời gian chờ thay đổi, nếu đối tác kiểm tra thông tin thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp sẽ chỉ biết về người đại diện theo pháp luật cũ, trong khi trên thực tế kể từ thời điểm nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông được thông qua, người đại diện theo pháp luật cũ đã không còn thẩm quyền.
Về phạm vi, thẩm quyền
Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định “Tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, bên thứ ba rất khó để tiếp cận điều lệ hay các văn bản nội bộ của doanh nghiệp. Do đó, quy định của pháp luật chưa thực sự khả thi.
Về quyền và nghĩa vụ
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dường như chỉ chú trọng quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ mà bỏ quên quyền lợi của họ khi là người đại diện theo pháp luật, mặc dù Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định rải rác về quyền của người đại diện, tuy nhiên lại chưa thể chế thành điều luật cụ thể.
Người đại diện theo pháp luật phải thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách cẩn trọng, trung thực, tuy nhiên rất khó xác định khi nào người quản lý vi phạm các nghĩa vụ này bởi đây là một quy định mang tính định tính. Pháp luật doanh nghiệp vẫn chưa giải thích thế nào là vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng, trung thực
Một số đề xuất hoàn thiện các quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Cần bổ sung vai trò “xác lập” các giao dịch vào khái niệm về người đại diện theo pháp luật. Cụ thể: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp... theo quy định của pháp luật”.
Cần ban hành những quy định trong trường hợp tòa án chỉ định. Cụ thể, đối với trường hợp công ty cổ phần có hai người đại diện mà một trong số họ không thể làm người đại diện thì tòa án sẽ chỉ định người còn lại. Trường hợp doanh nghiệp có hơn hai người đại diện theo pháp luật thì tòa án căn cứ vào điều lệ hoặc sự thỏa thuận của công ty; đối với trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì tòa án sẽ chỉ định trong số những người đó; hoặc nếu quy định không có nhiều sự lựa chọn thì tòa án căn cứ vào điều lệ công ty, sự thỏa thuận của doanh nghiệp để chỉ định.
Quy định rõ thời điểm xác lập tư cách đại diện theo pháp luật hoặc thứ tự ưu tiên áp dụng. Có thể quy định theo hướng tương tự như thời điểm xác lập quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự là “thời điểm xác lập quyền đại diện thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo điều lệ; trường hợp luật không quy định và điều lệ không quy định thì thời điểm xác lập quyền đại diện là thời điểm quyền đại diện được chuyển giao”.
Nên cho phép người bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc có áp dụng biện pháp như: bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, được làm người đại diện bởi đối với các trường hợp này họ vẫn có khả năng thực hiện được chức năng, nhiệm vụ. Cần sửa đổi Luật theo hướng giữ nguyên quy định “bị kết án tù” của Luật Doanh nghiệp 2014 để bảo đảm quyền cho những người đại diện chưa bị kết tội bằng bản án.
Bỏ quy định về điều kiện “thường trú” hoặc quy định thống nhất đối với trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện và có nhiều người đại diện. Mặt khác, nếu đã quy định người đại diện được phép ủy quyền hoặc chủ sở hữu công ty, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị được quyền cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty thì không cần thiết quy định điều kiện thường trú.
Trong trường hợp khi đã chấm dứt tư cách pháp lý của người đại diện theo pháp luật cũ mà chưa thực hiện thủ tục thì phải quy định trong điều lệ, hoặc phải đăng công bố thông tin về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật. Có thể quy định “đối với việc thay đổi người đại diện thì kể từ thời điểm phòng đăng ký kinh doanh ra biên nhận hợp lệ về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp thì chấm dứt quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật cũ”.
Tòa án nhân dân tối cao cần có giải đáp hoặc hướng dẫn về việc người đại diện doanh nghiệp ký đơn khởi kiện hoặc ký hồ sơ tố tụng, có thể căn cứ vào điều lệ hoặc sự thỏa thuận của doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp không quy định trong điều lệ thì tòa án căn cứ vào quy định đủ thẩm quyền của người đại diện ở khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp để công nhận tính hợp pháp của các đơn từ, văn bản.
Cần có điều luật cụ thể quy định về quyền của người đại diện theo pháp luật để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, có thể quy định tương tự như quyền của chủ sở hữu công ty. Pháp luật doanh nghiệp cần giải thích những quy định về “nghĩa vụ trung thực”, “nghĩa vụ cẩn trọng” trong các văn bản hướng dẫn.
Luật sư MAI THỊ NGỌC OANH
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại