Ảnh minh họa.
Có thể nói, sau hơn 7 năm kể từ khi Thông tư số 244/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) có hiệu lực, việc triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc triển khai Thông tư này đã giúp các cơ quan liên quan trong việc thực tốt công tác phối hợp xác minh, tra cứu và cấp Phiếu LLTP phục vụ nhu cầu của công dân, tổ chức. Đồng thời, quy định này còn đảm bảo công khai, minh bạch và hợp lý về trách nhiệm, khối lượng công việc và chế độ cho các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai Luật LLTP. Tuy nhiên, khi triển khai Thông tư số 244/2016/TT-BTC ở các địa phương vẫn gặp một số khó khăn, bất cập, chưa hợp lý cần sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, tại Công văn số 44/TTLLTPQG-HCTH của Trung tâm LLTP quốc gia (Trung tâm) quy định: “Về trích, nộp và phân bổ phí cung cấp thông tin LLTP: Sở Tư pháp trích 4% số tiền phí thu được chuyển về tài khoản của Trung tâm để Trung tâm sử dụng trang trải chi phí cho các nội dung chi quy định tại Nghị định 120/2016/NĐ-CP; nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (NSNN)...
Số tiền còn lại Sở Tư pháp được xác định là 100% và được phân bổ, sử dụng như sau: Trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát phối hợp trong công tác xác minh 60% số tiền phí được để lại, tương ứng với số lượng hồ sơ yêu cầu xác minh đã được hoàn thành, để trang trải cho các nội dung liên quan đến cung cấp thông tin LLTP, bao gồm: Chi mua văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, công tác phí; chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, mua sắm vật tư, phương tiện lưu giữ, xử lý, bảo quản hồ sơ; chi hỗ trợ cho người tham gia phối hợp với Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và các Sở Tư pháp trong việc liên hệ, đôn đốc, theo dõi, đối trừ các hồ sơ được miễn giảm phí, đối soát hồ sơ và kinh phí, tổng hợp thông tin, nhận và chuyển kết quả hồ sơ tra cứu, xác minh của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và các khoản chi khác có liên quan đến việc tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ cấp Phiếu LLTP.
Việc trích chuyển thực hiện thông qua Trung tâm, mỗi quý/lần. Trường hợp nhiều cơ quan phối hợp xác minh thông tin thì ngoài khoản trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, tổ chức thu phí hỗ trợ cho mỗi cơ quan khác thực hiện xác minh 25.000 đồng/yêu cầu... Sở Tư pháp căn cứ hồ sơ yêu cầu xác minh và kết quả trả lời của Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (trường hợp xác mình trực tiếp tại cơ quan này) hoặc Trung tâm (đã tích hợp kết quả trả lời của Cục C53, Bộ Công an) để thực hiện trích chuyển”.
Như vậy, khi thực hiện việc trích chuyển theo quy định của Thông tư số 244/2016/TT-BTC và Công văn số 44/TTLLTPQG-HCTH thì việc thực hiện trích chuyển “Trong trường hợp nhiều cơ quan phối hợp xác minh thông tin, thì ngoài khoản trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, tổ chức thu phí hỗ trợ cho mỗi cơ quan khác thực hiện xác minh 25.000 đồng/yêu cầu” sẽ không đủ phí để trích chuyển.
Bên cạnh đó, việc trích chuyển khi nhiều cơ quan phối hợp xác minh thông tin, thì ngoài khoản trích chuyển cho Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, tổ chức thu phí hỗ trợ cho mỗi cơ quan khác thực hiện xác minh 25.000 đồng/yêu cầu đối với những cơ quan khác thực hiện xác minh hết sức khó khăn trong việc tổng hợp tài khoản để trích chuyển việc phối hợp xác minh tại các tỉnh/thành trên toàn quốc.
Thứ hai, hiện nay Luật LLTP và Thông tư số 244/2016/TT-BTC chưa quy định về thu lệ phí cấp Phiếu LLTP đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, gây khó khăn trong việc thu lệ phí đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật LLTP đã được sửa đổi, bổ sung.
Để hạn chế những khó khăn, khó khăn nêu trên, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sớm sửa đổi, bổ sung những điểm còn bất cập, hạn chế của Thông tư 244 để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác LLTP. Theo đó, cần bổ sung quy định về thu lệ phí cấp Phiếu LLTP khi các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật LLTP.
Mặt khác, có quy định mức thu phí riêng đối với các trường hợp xác minh để thực hiện xóa án tích, vì việc xóa án tích đòi hỏi phải xác minh nhiều nơi, tốn kém nhiều thời gian, công sức hơn. Cùng với đó, nhằm khuyến khích cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực LLTP, thực hiện Chị thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giảm 10% mức phí cung cấp thông tin LLTP đã quy định tại Thông tư 244 đối với dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, để đảm bảo công bằng, phù hợp với tính chất công việc, công sức bỏ ra thì nên sửa đổi, bổ sung quy định mới mức thu, trích, hưởng lệ phí cung cấp thông tin LLTP hợp lý hơn. Trong đó, cần quy định Sở Tư pháp được trích lại một phần kinh phí để chi cho các hoạt động có liên quan.
Thạc sĩ, Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng người lao động chưa thành niên