/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy

Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong đó có xe máy được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, cũng như giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước rủi ro bất ngờ. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít chủ xe máy mua bảo hiểm. Vậy lý do vì sao người dân không mặn mà với việc mua bảo hiểm? Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, chỉ ra một số điểm bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

1. Khái quát thực trạng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới nói chung và xe máy nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: kết quả thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới giai đoạn 10 năm (2008-2017) đã đạt được kết quả với số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).

Thống kê mới nhất của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính riêng trong năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS ước tính đạt 3.590 tỷ đồng, trong đó riêng ô tô đạt 2.825 tỷ đồng, xe máy đạt 765 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính đạt 972 tỷ đồng, trong đó ô tô đạt 927 tỷ đồng, xe máy đạt 45 tỷ đồng[1]. Kết quả trên thể hiện rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, giúp cho không chỉ nạn nhân mà còn chủ xe, người điều khiển xe nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện thời gian qua cũng cho thấy, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy), và tỷ lệ tham gia bảo hiểm lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô)[2]. Thời gian qua, sau khi lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý phương tiện giao thông, thị trường bảo hiểm xe máy vẫn chưa bớt “nóng” bởi “ma trận” thông tin vây quanh người dân. Thông tin quan trọng là quyền lợi của người mua bảo hiểm thế nào, trình tự thủ tục nhận bảo hiểm ra sao thì rất ít người nắm được.

Mặc dù vấn đề bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới trong đó có xe máy đã được đề cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 16/2/2016 quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhưng mỗi lần vấn đề được xới lên thì dư luận xã hội lại “xôn xao” như thể đây là chính sách mới. Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy đã được pháp luật quy định. Cụ thể, khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định: “Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội”, trong đó có bảo hiểm TNDS của chủ xe máy. Khoản 3 Điều 8 Luật này cũng quy định: “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác”.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) cũng đã làm rõ nguyên nhân tại sao xe cơ giới nói chung và xe máy nói riêng là đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc. Lý do bởi vì Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 xếp “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” trong nhóm “nguồn nguy hiểm cao độ” và quy định khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho đối tượng khác thì phải bồi thường. Thêm vào đó, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông đã ghi rõ phải mang theo một số giấy tờ bao gồm Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới[3].

Ngoài ra, Thông tư số 22/2016/TT-BTC cũng đã quy định rất rõ ràng, chi tiết quyền lợi lẫn trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm xe cơ giới, niêm yết mức giá bán bảo hiểm bắt buộc, bảng quyền lợi chi trả bồi thường cho các loại tổn thương do tai nạn, thậm chí còn cung cấp cả các biểu mẫu hồ sơ giúp chủ phương tiện điền thông tin để nhận bồi thường. Tuy nhiên, người dân khi mua bảo hiểm xe máy vẫn không nắm được là mình đang mua sản phẩm bảo hiểm nào, trách nhiệm, quyền lợi ra sao. Điều này trước hết là do lỗi của chính người dân không nắm được pháp luật hiện hành, không chủ động tiếp cận chính sách liên quan đến mình.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do pháp luật về bảo hiểm TNDS của chủ xe máy còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, nguyên tắc tham gia bảo hiểm và nguyên tắc bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành thiếu thống nhất. Theo nguyên tắc tham gia bảo hiểm “Chủ xe cơ giới không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS trở lên cho cùng một xe cơ giới”[4]. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 13 Thông tư số 22/2016 lại quy định “Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc TNDS cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực bảo hiểm trước”. Khác với hợp đồng bảo hiểm tài sản có đối tượng là tài sản cụ thể, hợp đồng bảo hiểm con người là bảo hiểm đối với một người cụ thể; đối tượng của hợp đồng bảo hiểm TNDS là trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba. Đó là thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, trong phạm vi, giới hạn bảo hiểm và thuộc trách nhiệm bồi thường của bên tham gia bảo hiểm. Trách nhiệm BTTH mang tính trừu tượng; chúng ta không nhìn thấy, không cảm nhận được bằng các giác quan và thực tế chúng không tồn tại hiện hữu tại thời điểm giao kết hợp đồng. Chỉ khi nào người tham gia bảo hiểm gây thiệt hại cho người khác và phải bồi thường thì mới xác định được trách nhiệm BTTH là bao nhiêu.

Vì vậy, người tham gia bảo hiểm có tâm lý mong muốn bỏ ra số tiền nhỏ nhất mà được bồi thường nhiều nhất bằng cách tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm TNDS. Điều này có được hay không thì pháp luật còn chưa quy định thống nhất. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có các quy định cụ thể về trường hợp phát hiện ra hợp đồng bảo hiểm trùng như trên thì hợp đồng thứ 2 sẽ bị chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm nào? Việc hoàn phí được xử lý như thế nào? Điều này không chỉ gây hoang mang cho chủ xe máy mà còn ảnh hưởng đến doanh thu hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

Thứ hai, hồ sơ bồi thường theo quy định hiện hành chưa thực sự khoa học và hợp lý. Theo quy định, DNBH có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu liên quan đến thiệt hại về tài sản (như hóa đơn sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại); các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (như biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông…); biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do DNBH hoặc người được DNBH ủy quyền lập; các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn[5]. Thực tế cho thấy, việc quy định quá nhiều giấy tờ, nhiều cơ quan liên quan gây khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ bồi thường, thậm chí nhiều trường hợp không thể thực hiện được. Thiệt hại lớn không nói, còn với thiệt hại vài trăm nghìn không phải lúc nào cũng đi báo công an xác minh, giám định, hay xác nhận của chính quyền địa phương, các chủ phương tiện thường tự thương lượng bồi thường vì việc hoàn thiện hồ sơ thanh toán bảo hiểm quá phức tạp.

Ví dụ như đối với tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của DNBH sau khi đã đối chiếu với bản chính) yêu cầu bồi thường phải có trong hồ sơ bồi thường gồm: a) Giấy đăng ký xe; b) Giấy phép lái xe; c) Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của lái xe; d) Giấy chứng nhận bảo hiểm. Vấn đề đặt ra là, nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ có bản chứng thực Giấy đăng ký xe do bản gốc đang sử dụng thế chấp tại tổ chức tín dụng thì sẽ không đáp ứng được điều kiện về hồ sơ bồi thường; chưa kể không phải lúc nào DNBH cũng có trách nhiệm xác nhận vào bản sao các loại giấy tờ, trong khi chủ xe máy hoàn toàn có thể chứng thực các loại giấy tờ này tại các văn phòng công chứng.

Thứ ba, pháp luật thiếu quy định về trách nhiệm cụ thể đối với DNBH và các bên liên quan trong quá trình thu thập hồ sơ bồi thường. Liên quan đến tài liệu chứng minh thiệt hại về người cần có một hoặc một số các tài liệu sau: a) Giấy chứng thương; b) Giấy ra viện; c) Giấy chứng nhận phẫu thuật; d) Hồ sơ bệnh án; đ) Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong). Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm rất khó có thể cung cấp được Giấy chứng tử và phải được gia đình nạn nhân cung cấp thì bên mua bảo hiểm mới có thể có được.

Do vậy, để nhanh chóng giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho bên thứ ba, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải cấp các giấy tờ cần thiết theo quy định trong trường hợp nạn nhân tử vong; trách nhiệm của các cơ sở y tế nơi cấp cứu và điều trị cho nạn nhân tai nạn giao thông cũng như Công an chủ trì điều tra để việc bồi thường được giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Thực tế thời gian qua, rất nhiều người mua bảo hiểm phải tự đi thu thập đầy đủ các chứng từ trên mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Như vậy, trách nhiệm phối hợp của DNBH ở đâu? Và có cách nào để người tham gia bảo hiểm yêu cầu DNBH phối hợp để thu thập các loại giấy tờ trên hay không cũng là vấn đề pháp luật cần quy định.

Thứ tư, thời hạn bảo hiểm theo quy định quá ngắn, không đáp ứng được nhu cầu bảo hiểm của người mua. Thời hạn bảo hiểm là khoảng thời gian được xác định theo hợp đồng bảo hiểm mà trong khoảng thời gian đó, DNBH có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm hoặc BTTH cho người được bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thông thường, thời hạn bảo hiểm trùng với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm nên việc xác định thời điểm bắt đầu cũng như thời điểm kết thúc của thời hạn bảo hiểm cũng theo nguyên tắc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tuy cũng trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng nhưng chỉ những thiệt hại nào được coi là sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm thì DNBH mới phải chi trả tiền bảo hiểm hoặc BTTH cho người được bảo hiểm.

Do đó, quy định hiện hành về thời hạn bảo hiểm 1 năm cho tất cả các phương tiện xe cơ giới chưa tạo điều kiện chủ động cho việc tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy. Trên thực tế, nhiều chủ xe máy khi mua bảo hiểm không thể nhớ được thời hạn kết thúc để mua tiếp; họ có nhu cầu mua với thời hạn dài để đỡ phải đi mua nhiều lần nhưng lại không được phép, nên không mấy người còn mặn mà và quan tâm đến vấn đề này.

Thiết nghĩ, mặc dù mục đích của bảo hiểm TNDS bắt buộc là an sinh xã hội, phi lợi nhuận nên nguyên tắc của nó là cân bằng thu chi. Sau mỗi một năm bảo hiểm, cơ quan quản lý sẽ cân đối quỹ, nếu thu lớn hơn chi thì sẽ giảm phí và ngược lại. Tuy nhiên, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy chỉ là 1 sản phẩm nhỏ trong các sản phẩm kinh doanh của DNBH, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cân bằng thu chi.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tâm lý đối phó của chủ xe máy khi mua bảo hiểm TNDS là tiền do cơ quan bảo hiểm bồi thường không theo kịp biến động về giá cả thị trường. Theo quy định hiện hành, mức trách nhiệm bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô, xe máy gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Bên cạnh việc bồi thường cho chủ xe, một phần số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân khi gặp tai nạn giao thông. Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người. Tuy nhiên, các quy định này hiện không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Ví dụ như quy định mức trách nhiệm bảo hiểm chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế cũng như chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra, dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm của chủ xe máy rất thấp. Ngoài ra, việc giải quyết bồi thường không phân biệt theo mức độ lỗi, nên trên thực tế, có nhiều trường hợp lỗi dẫn đến tai nạn giao thông hoàn toàn là do nạn nhân gây ra nhưng chủ xe vẫn phải bồi thường mức cao nhất theo bảng tỷ lệ bồi thường, và DNBH phải chi trả theo quy định. Ðiều này không chỉ đặt gánh nặng về kinh phí lên vai DNBH và vi phạm nguyên tắc lấy số đông bù số ít mà còn chưa hợp lý vì vô hình chung sẽ khuyến khích vi phạm pháp luật, không công bằng đối với người chấp hành tốt pháp luật về giao thông.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy

Qua khái quát thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy như đã nêu trên, tác giả kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật như sau:

Thứ nhất, yêu cầu các DNBH chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đồng thời, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy, từ đó chủ động và tích cực tham gia.

Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm; cũng như việc nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn của đội ngũ cán bộ khai thác bảo hiểm, chăm sóc khác hàng, đội ngũ đại lý bảo hiểm… là các vấn đề mà cơ quan quản lý, cũng như các DNBH phải thực sự chú trọng; đảm bảo phát huy tính nhân văn của chế độ này là bảo vệ tài chính cho các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Thứ hai, cần triển khai loại hình bảo hiểm TNDS của người điều khiển phương tiện giao thông, thay vì bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới như hiện nay. Bởi vì, trên thực tế mặc dù người điều khiển xe máy gây tai nạn không phải là chủ xe, nhưng chủ xe vẫn phải có trách nhiệm bồi thường, do đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng xe máy (nguồn nguy hiểm cao độ), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[6]. Điều này sẽ sinh ra tính ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm của người thực sự gây tai nạn. Theo đó, bảo hiểm TNDS của người điều khiển phương tiện giao thông được xác định dựa trên thông tin cá nhân thay vì thông tin của phương tiện xe cơ giới như hiện nay. Từ đó, dựa vào lịch sử liên quan đến các sự kiện tai nạn giao thông của một người, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro và đưa ra mức phí phù hợp cho người điều khiển phương tiện giao thông đó. Ví dụ: Tăng giảm phí bảo hiểm cho cá nhân đó trong thời gian tiếp theo. Điều này sẽ khắc phục được cả vấn đề khó quy trách nhiệm đối với xe không chính chủ cũng như sẽ quản lý được vấn đề tính phí bảo hiểm theo rủi ro trách nhiệm cá nhân. Bảo hiểm TNDS của người điều khiển phương tiện giao thông sẽ trở thành quyền cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả những người tham gia giao thông.

Thứ ba, hồ sơ bồi thường bảo hiểm cần được quy định theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của DNBH nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm. Đồng thời, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm thu thập hồ sơ của từng bên tại mỗi đầu mục tài liệu; cho phép sử dụng bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực thay cho bản chính trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính để giảm nhẹ gánh nặng cho chủ xe máy.

Thứ tư, cần tăng mức trách nhiệm bảo hiểm; về cơ bản, cần đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản. Người dân không mặn mà với bảo hiểm xe máy là do thủ tục bồi thường bảo hiểm khó khăn, bồi thường lại thấp. Vì vậy, nếu việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm thuận lợi và chất lượng cùng nội dung rõ ràng thì người dân sẽ không ngần ngại khi mua sản phẩm này.

Thứ năm, pháp luật không nên quy định thời hạn cứng của hợp đồng bảo hiểm mà nên quy định linh hoạt theo hướng chỉ quy định thời hạn tối thiểu và tối đa. Điều này tạo sự chủ động cho người mua bảo hiểm, phù hợp chiến lược mục tiêu kinh doanh và khả năng quản lý của DNBH./.

[1] http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/chan-chinh-xu-ly-kip-thoi-vi-pham-bao-hiem-bat-buoc-trach-nhiem-dan-su-cua-chu-xe-co-gioi-323425.html.
[2] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-05-21/bao-hiem-xe-may-se-co-them-nhieu-quy-dinh-moi-mang-tinh-can-co-va-lau-dai-87076.aspx.
[3] Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
[4] Điều 4 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
[5] Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
[6] Điều 601, Bộ Luật dân sự năm 2015
ThS. TẠ THỊ THÙY TRANG
Trường Đại học Thương mại
(Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)
/quyen-bao-chua-cua-nguoi-bi-buoc-toi-la-nguoi-duoi-18-tuoi-nhung-bat-cap-han-che-va-kien-nghi-hoan-thien.html