LSVNO - Ngày 13/02/2020, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án "Trốn thuế" ra xét xử phúc thẩm do trước đó phía bị cáo là vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng các bị cáo đều không có hành vi phạm tội.
Bị cáo Luật sư Trần Vũ Hải trình bày nội dung kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm chiều 13/02/2020. Ảnh: Tuổi trẻ.
Buổi sáng, chúng tôi đến tòa cùng bị cáo và thủ tục đầu tiên vẫn là hàng rào an ninh dày đặc tổ chức khám xét, thu giữ những thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại… của luật sư và bị cáo. Lần trước đã vậy và chúng tôi đã khiếu nại, nhưng cũng không ai giải quyết nên lần này nghĩ không nên mất công đôi co với họ, ngoan ngoãn cởi giày, lột bỏ những vật dụng cá nhân để họ khám.
Bước vào phòng xử cũng như lần trước đã có sẵn mấy chục người dân tham dự ngồi kín hết phần phía sau bị cáo nên những người dân khác có được vào tham dự cũng chẳng có chỗ để ngồi. Phòng xử hôm nay có vẻ thoáng hơn, dễ thở hơn vì lực lượng an ninh và cảnh sát tư pháp đứng bên ngoài, không áp sát luật sư và bị cáo như tại phiên tòa sơ thẩm.
Về phía báo chí, trước khi mở phiên tòa, các phóng viên đăng ký tham dự khá nhiều như Thanh niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi trẻ, Tạp chí Luật sư Việt Nam… nhưng tại phiên tòa, chỉ có Đài Truyền hình Khánh Hòa và Báo Tuổi trẻ được tham dự. Tôi tự hỏi, một vụ án nhỏ, bình thường, không thuộc dạng an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước tại sao lại ngăn cấm nhân dân và báo chí tham dự?! Một trong những chức năng của báo chí là tuyên truyền nhằm phòng chống tội phạm; tại sao không để báo chí phản ánh, tuyên truyền rộng rãi nhằm bảo vệ pháp luật; tại sao họ bị ngăn cấm và gây khó dễ; phải chăng việc truy tố, xét xử có vấn đề?! Chúng tôi cho rằng hoàn toàn không nên ngăn cấm, hạn chế báo chí tham dự đưa tin, vì đây là một trường hợp duy nhất bị truy tố, xét xử về hành vi trốn thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản từ trước tới nay cần được tuyên truyền rộng rãi, cần để người dân tham dự phiên tòa giúp họ hiểu rõ thế nào là hành vi phạm tội, qua đó soi lại mình, tránh vi phạm pháp luật.
Tại phần thủ tục, bị cáo và các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa với nhiều lý do, trong đó có những lý do như: lo ngại dịch corona lây truyền; tổ chức giám định lại về thuế; thay đổi thẩm phán, kiểm sát viên vì có dấu hiệu thiếu khách quan và triệu tập công chứng viên tham gia phiên tòa; tổ chức thu thập chứng cứ về tình tiết mới; giải quyết yêu cầu được tham dự của báo chí và nhân dân…
Bị cáo và các luật sư cho rằng đây là một vụ án nhỏ, bình thường không cần phải xét xử gấp khi dịch bệnh đang có dấu hiệu phát tán, lây truyền, đặc biệt tại TP. Nha Trang là nơi có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc đang còn lưu trú. Đặc biệt, trong vụ án này, Kết luận giám định về thuế do Giám định viên cá nhân là Nguyễn Văn Trang thực hiện có dấu hiệu áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến oan sai; cần tổ chức giám định lại bằng một hội đồng giám định ở cấp cao hơn nhằm bảo đảm độ chính xác vì đây là lĩnh vực giám định khá phức tạp liên quan đến kiến thức chuyên môn ở nhiều lĩnh vực như tài chính, tư pháp, thuế và quản lý đất đai.
Theo các luật sư, việc giám định viên áp dụng giá mua bán thực tế 16.153.000 đồng theo thỏa thuận giấy tay để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là không đúng vì giá chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản đã có quy định riêng theo Luật Thuế TNCN, Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 92/2015/TT-BTC. Tại các văn bản này đã quy định, hướng dẫn rất rõ nếu hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc ghi thấp hơn quy định thì cơ quan thuế áp theo bảng giá của UBND tỉnh, thành. Từ trước tới nay, Chi cục Thuế TP. Nha Trang nói riêng và cơ quan thuế trên cả nước đều áp dụng thống nhất theo bảng giá và việc này cũng đã được chính phía Chi cục Thuế TP. Nha Trang thừa nhận tại tòa sơ thẩm là đã thu đúng và thu đủ thuế. Đồng thời, các luật sư và bị cáo Hải còn cho rằng chủ tọa phiên tòa đã tự mình ký ban hành công văn trả lời từ chối yêu cầu giám định lại, giám định bổ sung là thiếu khách quan, duy ý chí vì đây là giai đoạn đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nên mọi việc phải được hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định, thẩm phán chủ tọa không có quyền tự quyết; mặt khác, việc từ chối giám định lạị được ngầm hiểu là tòa cấp phúc thẩm đã nhận định kết luận giám định đúng, có việc trốn thuế, các bị cáo có tội. Bên cạnh đó, các luật sư và bị cáo còn cho rằng thẩm quyền thu thập chứng cứ để chứng minh tình tiết mới (hợp đồng chuyển nhượng giữa bị cáo Lắm và Hạnh) tại giai đoạn hoãn phiên toà chỉ thuộc quyền của tòa án, việc kiểm sát viên tự mình thu thập chứng cứ về tình tiết mới tại giai đoạn này là trái pháp luật nên tài liệu do Viện kiểm sát cung cấp bổ sung cần được loại ra khỏi hồ sơ vụ án (có quyền bổ sung, không có quyền thu thập), cần hoãn phiên tòa để tòa án thu thập theo đúng quy định.
Mặt khác, một tình tiết quan trọng cũng cần phải được làm rõ đó là quá trình công chứng hợp đồng ghi giá thấp, Công chứng viên Phạm Anh Tuấn có dấu hiệu đã tư vấn cho người bán và soạn thảo tất cả các hợp đồng, văn bản nên cần phải triệu tập để làm rõ hành vi của người này. Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, tôi đã phát biểu đề nghị HĐXX và tất cả chúng ta hãy tôn trọng pháp luật, cho dù sau đó thân chủ của chúng tôi có bị kết tội cũng phải để cho luật sư chúng tôi được thực hiện đầy đủ quyền của mình, tránh bị cản trở như tại phiên tòa sơ thẩm.
Về phía Viện kiểm sát, tại phần thủ tục họ chỉ đưa ra quan điểm chung cho rằng những đề nghị của bị cáo và luật sư không có căn cứ và đề nghị tiếp tục xét xử. Sau khi các luật sư nêu ý kiến về những căn cứ cụ thể, phía Viện kiểm sát cũng chỉ giải thích một vài ý cho rằng họ có quyền bổ sung chứng cứ theo Điều 266 Bộ luật Tố tụng hình sự, lời khai của các bên đã đầy đủ và cần phải tiếp tục xét xử.
Một điều để ghi nhận nét tiến bộ tại phần thủ tục phiên tòa này, đó là các luật sư và bị cáo khi đề nghị hoãn phiên tòa được trình bày khá tự do, đầy đủ các căn cứ và được phản biện lại các quan điểm của phía Viện kiểm sát, chính vì vậy riêng phần thủ tục đã kéo dài suốt cả buổi sáng. Thực tế tố tụng cho thấy, tại các phiên tòa, phần thủ tục thường diễn ra rất nhanh và người tham gia tố tụng không được trình bày cụ thể, hết ý, còn tại phiên toà này, vị thẩm phán chủ tọa đã để cho những người tham gia tố tụng trình bày đầy đủ, không hạn chế về thời gian và đây là nét khác biệt so với phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, dù các luật sư và bị cáo đưa ra đầy đủ lý do thuyết phục để hoãn phiên tòa, cuối cùng cũng không được HĐXX chấp nhận.
Một điều chúng tôi băn khoăn nữa đó là buổi chiều hôm đó, HĐXX đã để cho bị cáo - Luật sư Trần Vũ Hải trình bày nội dung, lý do kháng cáo nguyên cả buổi. Hiện tượng này tôi chưa từng thấy vì đây là một vụ án nhỏ và trong thực tế tố tụng, tòa chỉ cho phép trình bày tóm tắt nội dung kháng cáo, khi người kháng cáo trình bày dài thường bị cắt lời, nhưng trường hợp này HĐXX đã để cho bị cáo trình bày chi tiết, cụ thể các lý do kháng cáo, thậm chí còn lặp đi lặp lại nhiều lần một ý. Theo nội dung kháng cáo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng một loạt thủ tục tố tụng; việc kết luận điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có dấu hiệu thiếu chính xác, thiếu khách quan, có dấu hiệu muốn ngăn cản một luật sư chân chính hành nghề và có nguy cơ tạo ra một tiền lệ án bất lợi cho hàng triệu công dân chứ không riêng gì các bị cáo. Một trong những quan điểm chính để chứng minh vô tội mà bị cáo Hải đã trình bày là hành vi ký kết hợp đồng và sử dụng hợp đồng chuyển nhượng ghi giá thấp 1,8 tỷ đồng của các bị cáo đều không cấu thành tội phạm vì Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có quy định, hướng dẫn riêng về việc xác định giá chuyển nhượng bất động sản để tính thuế trong trường hợp người dân không ghi giá trên hợp đồng hoặc ghi thấp hơn giá mua bán thực tế. Bị cáo cho rằng, phía Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã áp theo mức giá 2,14 tỷ đồng để tính thuế đối với hợp đồng này là hoàn toàn đúng quy định vì đây là mức giá theo bảng giá đất của UBND tỉnh Khánh Hòa tại thời điểm chuyển nhượng. Bị cáo cho rằng giám định viên, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào quy định chung tại Luật Quản lý thuế và Bộ luật Hình sự để nhận định có hành vi trốn thuế nhằm kết tội các bị cáo là phiến diện và thiếu chính xác khi áp dụng pháp luật.
Phần xét hỏi được tiếp tục vào ngày 14/02/2020. Diễn biến cho thấy, phía HĐXX chỉ xét hỏi xung quanh các tình tiết về việc thỏa thuận giá mua bán, ký kết và kê khai thuế đối với hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị cáo, không hỏi những nội dung, tình tiết liên quan mà bị cáo cho là mình vô tội. Đến phần Viện kiểm sát xét hỏi cũng chỉ hỏi một vài câu xoay quanh vấn đề đồng phạm, ngoài ra không đả động gì đến phần lớn các nội dung và các căn cứ chứng minh vô tội do bị cáo trình bày. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xem xét toàn diện vụ án, có nghĩa vụ phải xem xét cả những tình tiết buộc tội lẫn gỡ tội; tuy nhiên, nhìn vào diễn biến phần xét hỏi của họ, chỉ thấy toàn nội dung theo hướng buộc tội nên các luật sư chúng tôi nhận thấy khó có hy vọng gì ở phiên tòa này.
Tiếp đó là phần các luật sư hỏi bị cáo Hải. Tại đây, một số luật sư đã hỏi xoay quanh các dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong việc khám xét, thu giữ có dấu hiệu trái pháp luật; trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của phía bị cáo; trong việc điều tra, khởi tố vụ án; trong việc kết luận điều tra, truy tố và xét xử nhằm làm rõ những vi phạm tố tụng. Phần hỏi chính của các luật sư tập trung vào việc các bên thỏa thuận, thực hiện việc ký kết hợp đồng và các căn cứ mà bị cáo cho rằng mình vô tội. Buổi chiều đến lượt tôi thực hiện việc hỏi. Vì thứ hai tuần tới tôi phải tham gia một phiên tòa quan trọng tại Gia Lai nên tôi đã xin HĐXX cho tôi hỏi giám định viên trước về các cơ sở để tính thuế nhằm làm rõ đúng sai của kết luận giám định nhưng Chủ tọa không chấp nhận, buộc phải hỏi theo lượt. Sau đó, tôi phải dùng phương pháp hỏi bị cáo Hải - một người am hiểu pháp luật để nhằm chứng minh tính bất hợp pháp của Kết luận giám định qua việc chứng minh giám định viên không hề áp dụng quy định cụ thể tại Luật Thuế TNCN, Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 92/2015/TT-BTC (luật chuyên ngành) để tính thuế.
Nội dung phần hỏi còn nhằm làm rõ những quy định chung tại Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý thuế chỉ mới là những quy định chung về tội trốn thuế, chưa quy định nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng bất động sản, chưa xác định cách tính mức thuế phải nộp như luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, phần hỏi cũng nhằm mục đích làm rõ những vi phạm tố tụng mà cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm đã vi phạm như khám xét, thu giữ có dấu hiệu trái pháp luật, tổ chức xét xử trái thẩm quyền vì bị cáo Hạnh có quốc tịch nước ngoài, chồng bị cáo Hạnh là người nước ngoài, khối tài sản mua bán có dấu hiệu là tài sản chung của vợ chồng họ. Phần xét hỏi còn nhằm chứng minh việc Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã khai đúng khi cho rằng họ đã thu đúng, thu đủ thuế TNCN theo quy định; điều này đã thể hiện sự mâu thuẫn về quan điểm tính thuế giữa Chi cục Thuế và giám định viên cũng như cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm; thể hiện dấu hiệu oan sai của bản án sơ thẩm.
Một tình tiết cần phải nêu để cấp tòa phúc thẩm xem xét đó là “Biên bản phiên tòa sơ thẩm” thể hiện ý kiến của bị cáo và các luật sư khá đầy đủ, riêng ý kiến của tôi được nêu hơn 7 trang giấy nhưng tại bản án sơ thẩm không nêu một dòng, không phân tích, đánh giá và cũng không đưa ra quan điểm bác bỏ. Tôi và các luật sư nhận thấy tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nguyên tắc xem xét vụ việc, nguyên tắc viết bản án, thiếu tôn trọng luật sư vì nhìn vào nội dung bản án sơ thẩm chỉ thấy những nội dung, tình tiết do cơ quan tiến hành tố tụng nêu và những quan điểm kết tội của họ. Chính vì vậy, mục đích của tôi tại phần xét hỏi cũng muốn biến thủ tục này thành thủ tục tranh luận, muốn để bị cáo trả lời, phơi bày những vi phạm tố tụng, chứng minh tính bất hợp pháp của Kết luận giám định và quan điểm buộc tội có dấu hiệu thiếu chính xác ra trước công đường để HĐXX, Viện kiểm sát và những người dự phiên tòa nghe và hiểu.
Kết thúc ngày làm việc thứ hai vẫn chưa xong phần xét hỏi.
Sau 02 ngày tham gia phiên tòa, những điều mà tất cả chúng tôi đều nhận ra và thầm cám ơn HĐXX đó là tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi không còn cảnh bị áp sát, bị ngăn cản như tại phiên tòa sơ thẩm; tại đây chúng tôi được thực hiện đầy đủ quyền của mình khi thực hiện quyền đề nghị và quyền xét hỏi. Tôi cũng nghĩ rằng sở dĩ có dấu hiệu này chính vì dư âm không tốt tại phiên tòa sơ thẩm.
LS. Nguyễn Duy Bình