/ Tin nổi bật
/ Một số nội dung cần lưu ý đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất

Một số nội dung cần lưu ý đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất

07/11/2024 10:11 |

(LSVN) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp ngày 03/11/2024 và Kết luận số 1032/KL-UBTVQH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban khác. Trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, về tên gọi của Nghị quyết: nghiên cứu tên gọi của Nghị quyết, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh: Làm rõ cơ sở, căn cứ, tính cấp thiết, tính hiệu quả, khả thi và sự phù hợp với kết luận của cấp có thẩm quyền về việc thí điểm trên toàn quốc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Thứ ba, về đối tượng áp dụng: rà soát, nghiên cứu, quy định cho phù hợp, tránh chồng chéo giữa các đối tượng áp dụng và tạo sự thống nhất trong Nghị quyết.

Thứ tư, về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: Làm rõ cơ sở, căn cứ việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất quy định tại điều 9 Luật Đất đai năm 2024; nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm đối với điều kiện nhận chuyển nhượng của các loại đất đã được quy định trong Luật Đất đai, điều kiện thí điểm dựa trên thời điểm nhận quyền sử dụng đất (hoặc đang có quyền sử dụng đất); quy định chặt chẽ đối với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có liên quan đến phạm vi khu đất thực hiện thí điểm. Việc thực hiện thí điểm phải đảm bảo tuân thủ diện tích đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, các chỉ tiêu về đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thứ năm, về tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm: Làm rõ cơ sở, căn cứ đồng thời rà soát để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, khả thi và không trái với kết luận của cấp có thẩm quyền đối với các tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Các tiêu chí cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch và có thứ tự ưu tiên để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án thí điểm. Nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra về đề nghị không quy định đối với đất quốc phòng, đất an ninh đã được đưa ra khỏi quy hoạch.

Thứ sáu, về trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: thống nhất giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm: nghiên cứu quy định về thời gian để thực hiện thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; việc xử lý các hậu quả pháp lý trong trường hợp thỏa thuận kéo dài, nhà đầu tư không thể hoàn thành dự án hoặc thực hiện dự án không đúng theo tiến độ, không kết thúc dự án theo tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thứ tám, về thời gian thực hiện thí điểm: tán thành quy định thí điểm thực hiện trong thời gian 05 năm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần dự báo đầy đủ rủi ro để đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội các quy định phù hợp hoặc thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa hoặc đầu tư nhà ở thương mại tràn lan vượt nhu cầu dẫn đến bỏ không, lãng phí hoặc gây các hệ lụy khác cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô; đồng thời chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các nội dung đề xuất trong Tờ trình, dự thảo Nghị quyết với kết luận của cấp có thẩm quyền.

PHƯƠNG THẢO (t/h)

Các tin khác