/ Luật sư - Bạn đọc
/ Trách nhiệm khi xây nhà gây ảnh hưởng công trình liền kề

Trách nhiệm khi xây nhà gây ảnh hưởng công trình liền kề

06/11/2024 08:42 |

(LSVN) – Mới đây, một ngôi nhà ở thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội bất ngờ đổ sập. Nguyên nhân ban đầu được cho là do hàng xóm đang thi công móng nhà. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định nguyên nhân đổ sập của ngôi nhà nói trên là do hàng xóm thi công móng nhà thì trách nhiệm thuộc về ai và mức bồi thường được xác định như thế nào?

Trong những năm gần đây, tình trạng xây dựng nhà gây ảnh hưởng đến các nhà liền kề đã xảy ra nhiều tại các khu vực đô thị, để lại nhiều hậu quả đau lòng và tranh cãi. Việc bồi thường thiệt hại trong quá trình xây nhà gây nứt tường, lún nền nhà hàng xóm đã được pháp luật quy định rõ. Theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại nếu công trình của họ gây ra nứt tường nhà hàng xóm. Nếu người thi công xây dựng cũng có lỗi, họ phải liên đới bồi thường. Bộ luật Dân sự không quy định cụ thể mức bồi thường, do đó, các bên có thể thỏa thuận dựa trên thiệt hại thực tế để thống nhất mức bồi thường.

Hiện trường ngôi nhà bị sập.

Hiện trường ngôi nhà bị sập. 

Bên cạnh đó, việc quy trách nhiệm cho các cá nhân hoặc tổ chức phê duyệt phương án xây dựng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy trình phê duyệt và giám sát thi công. Theo quy định pháp luật, nếu có sai sót trong quá trình phê duyệt hoặc giám sát dẫn đến sự cố, các cá nhân hoặc tổ chức này có thể phải chịu trách nhiệm liên đới. Cụ thể, trong trường hợp cơ quan phê duyệt phương án xây dựng không tuân thủ các quy định về an toàn, hoặc không kiểm tra kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật, dẫn đến việc thi công gây ra thiệt hại, thì họ có thể bị xem xét trách nhiệm.

Trường hợp nếu cấp phép xây dựng nhà khi chưa đủ điều kiện an toàn thì tuỳ tính chất mức độ hành vi vi phạm đơn vị thi công xây dựng hoặc cá nhân, tổ chức cấp phép có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý vi phạm hành chính

Theo khoản 7, Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với trường hợp tổ chức thi công xây dựng công trình nếu có  hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đủ điều kiện an toàn có thể bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đối với các công trình xây dựng khác hoặc trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, các hành vi vi phạm còn có thể bị yêu cầu dừng thi công và hoàn thành hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn nhất định (90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ)

Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu việc xây dựng sai phép gây thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 298 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Theo đó, người phạm tội có thể bị bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp tổ chức, nếu cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng không thông báo cho các vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến mười hai năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong thi công, xây dựng tại những khu vực có nguy cơ sập đổ cao đòi hỏi các giải pháp đặc biệt để đảm bảo an toàn và bảo tồn giá trị lịch sử. Do đó, khi cấp phép xây dựng, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền cần lưu ý những vấn đề sau đây: 

Thẩm định kỹ lưỡng: Trước khi cấp phép, cần tiến hành thẩm định kỹ lưỡng về hiện trạng công trình và khu vực xung quanh. Điều này bao gồm kiểm tra cấu trúc, nền móng và các yếu tố địa chất.

Quy định nghiêm ngặt: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt về thiết kế và thi công, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn xây dựng. Các công trình mới phải phù hợp với kiến trúc và cảnh quan của khu vực phố cổ.

Giám sát chặt chẽ: Trong quá trình xây dựng, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng để đảm bảo công trình được thực hiện đúng theo giấy phép và các quy định an toàn.

Sử dụng công nghệ hiện đại: Áp dụng các công nghệ xây dựng hiện đại để tăng cường độ bền và an toàn của công trình, như sử dụng vật liệu chống động đất, hệ thống cảnh báo sớm và các biện pháp gia cố nền móng.

Bảo tồn và cải tạo: Đối với các công trình có giá trị lịch sử, cần có kế hoạch bảo tồn và cải tạo hợp lý, kết hợp giữa việc giữ gìn kiến trúc cổ và nâng cấp các yếu tố an toàn.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. HCM

Các tin khác