Ảnh minh họa.
Thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm đấu giá biển số xe đã đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, khai thác tối đa giá trị của các biển số xe, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay việc đấu giá biển số xe mới chỉ thí điểm đối với biển số xe ô tô nền trắng, chữ và số màu đen, chưa áp dụng rộng rãi đối với các loại biển ô tô khác và biển số mô tô, xe gắn máy nên chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của người dân có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích.
Tại Điều 37 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (viết tắt là dự thảo Luật), Bộ Công an đề xuất biển số xe đưa ra đấu giá là biển số ô tô, xe mô tô, xe gắn máy. Khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật quy định: Giá khởi điểm của biển số ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng; giá khởi điểm của một biển số mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu đồng. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá. Về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước không thấp hơn giá khởi điểm của loại biển số xe đấu giá; bước giá bằng 10% giá khởi điểm (khoản 3, 4 Điều 37 dự thảo Luật).
Việc quy định giá khởi điểm của biển số ô tô đưa ra đấu giá không thấp hơn 40 triệu đồng; giá khởi điểm của một biển số mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá không thấp hơn 5 triệu đồng là chưa phù hợp, còn cứng nhắc, chưa phân loại theo nhóm biển số xe để xác định giá khởi điểm. Bởi vì, qua thực tiễn tổ chức đấu giá biển số xe cho thấy, giá khởi điểm là 40 triệu đồng nhưng khi tổ chức đấu giá thì biển số được đấu giá lên hàng chục tỉ đồng, điều này là do chưa được đánh giá, phân loại mức độ giá trị của từng nhóm biển số. Đồng thời, do giá khởi điểm biển số xe quy định thấp nên việc quy định bước giá 10% giá khởi điểm là chưa phù hợp, đề nghị nâng bước giá lên 20% giá khởi điểm để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người tham gia đấu giá, cũng như nâng cao giá trị của biển số xe qua các lần trả giá.
Điểm a, khoản 8 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “8. Người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ sau đây: a) Nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá; tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước”.
Việc quy định người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá là quá dài, không cần thiết, theo tôi nên rút ngắn thời gian này. Bởi vì, đa số người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá là những người có nhu cầu thực, cho nên họ sẵn sàng nộp tiền trúng đấu giá ngay sau khi có thông báo kết quả trúng đấu giá hoặc trong trường hợp cần thiết, nếu cần thời gian để người trúng đấu giá thu xếp tài chính để nộp tiền trúng đấu giá thì chỉ cần quy định không quá 10 ngày là phù hợp; trong trường hợp người trúng đấu giá cần thêm thời gian để nộp tiền trúng đấu giá thì có thể làm đơn xin gia hạn với người có tài sản trúng đấu giá thì có thể được xem xét, giải quyết nhưng không quá 10 ngày. Việc này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người trúng đấu giá trong việc thanh toán tiền trúng đấu giá; đồng thời, giúp các cơ quan có liên quan tiết kiệm được thời gian, chi phí để giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến biển số xe trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước. Quy định này là phù hợp để tránh các trường hợp người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá. Trường hợp người trúng đấu giá biển số xe không nộp tiền trúng đấu giá thì không được hoàn trả số tiền đặt trước là đương nhiên, tuy nhiên trường hợp người trúng đấu giá biển số xe nộp không đủ tiền trúng đấu giá (vì lý do bất khả kháng như người trúng đấu giá bị mất mát tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, trộm cắp... hoặc người trúng đấu giá bị tai nạn làm hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị chết...) thì xử lý như thế nào? Có trả lại số tiền đã nộp tiền trúng đấu giá nhưng chưa đủ và có mất tiền đặt trước trong trường hợp này hay không?
Mặt khác, khi người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Tuy nhiên, muốn biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe thì phải có trải qua thủ tục hủy kết quả đấu giá và phải giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) có liên quan đến việc hủy kết quả đấu giá trong một khoản thời gian nhất định thì mới có thể tổ chức đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe.
Ngoài ra, hành vi không nộp tiền trúng đấu giá biển số xe hay còn gọi là bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật đấu giá, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, gây lãng phí thời gian, công sức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, cần thiết phải bổ sung chế tài xử lý để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi bỏ cọc. Theo đó, cần có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không nộp tiền trúng đấu giá trong thời gian quy định. Số tiền xử phạt tăng, giảm tương ứng với số tiền đã trúng đấu giá nhưng không nộp; đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là cấm tham gia đấu giá biển số xe trong một khoản thời gian nhất định.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Bàn về biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015