/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) -Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ làm thay đổi nhanh chóng hàng loạt vấn đề mang tính toàn cầu đặt ra yêu cầu phải có tư duy mới về phát triển, xác định lại vai trò các chủ thể phát triển. Vai trò của nhà nước cũng thay đổi, từ chỗ đơn thuần là công cụ thống trị giai cấp chuyển sang làm chức năng cơ quan công quyền, quản lý xã hội, phục vụ, cung cấp dịch vụ công - Nhà nước kiến tạo phát triển. Việc chuyển sang nhà nước kiến tạo phát triển là sự thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong điều kiện của xã hội hiện đại.

Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp CNC đang đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: VGP.

Thuật ngữ “nhà nước kiến tạo phát triển” lần đầu tiên được sử dụng bởi Chalmers Ashby Johnson (1982), khi nghiên cứu về mô hình phát triển “thần kỳ” của Nhật Bản. ông nhận thấy rằng trong sự phát triển “thần kỳ” đó, nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là về chiến lược phát triển công nghiệp “rút ngắn”.

Theo đó, nhà nước kiến tạo phát triển là thuật ngữ dùng để chỉ một mô hình phát triển nằm giữa hệ thống kinh tế tư bản thị trường tự do và hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung. Điều này cho thấy, nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhấn mạnh vai trò kiến tạo phát triển thông qua lựa chọn chính sách công một cách duy lý và có kế hoạch, việc lựa chọn và thực hiện những chính sách phát triển này do một bộ máy chức nghiệp độc lập, chuyên nghiệp thực hiện. 

Như vậy, nhà nước kiến tạo thực chất là một cơ chế quản lý công mà chủ thể quản lý ngoài nhà nước ra, còn huy động tất cả các chủ thể khác có khả năng trong xã hội tham gia nhằm tạo dựng đầy đủ thể chế, môi trường phát triển, phát huy hiệu quả các nguồn lực tổng hợp, duy trì động lực phát triển để xây dựng một xã hội thịnh vượng.

Nền tảng cho Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Theo Điều 8 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Điều 52 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân”.

Ngoài ra, trong các nghị quyết của Đảng và chính sách phát triển của Nhà nước vẫn luôn quán triệt quan điểm hướng tới một Nhà nước kiến tạo phát triển, theo đó, Nhà nước kiến tạo phát triển thì không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai, thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta.

Điều quan trọng là phải xây dựng được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do khế ước và quyền sở hữu tài sản... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; quan hệ hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, để cung cấp dịch vụ công tốt hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, đây là một cách làm đang ngày càng khác hơn so với trước. Tất cả những cố gắng trên đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cách nghĩ và cách làm của chúng ta. Thực sự chúng ta đang đi những bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý toàn diện sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.

Có thể nói rằng, ở Việt Nam đang xuất hiện những nền tảng để xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển. Cụ thể:

Thứ nhất, về vai trò của Nhà nước

Nhà nước Việt Nam đã chuyển từ một Nhà nước toàn trị, tập trung quan liêu, bao cấp sang Nhà nước dân chủ, pháp quyền với vai trò là “người cầm lái” sự phát triển của đất nước, thay vì “người trực tiếp chèo thuyền” như trước đây.

Nhà nước đang cố gắng thực hiện chức năng của mình là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.

Chính vì vậy, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần XI đã xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế.

Thứ hai, về bộ máy nhà nước

Theo Hiến pháp năm 2013, bộ máy Nhà nước đã được tổ chức minh bạch hơn và ít nhiều đã có năng lực và trách nhiệm giải trình. Hệ thống hành chính nhà nước đã dần được chuyển từ tư duy cai trị sang tư duy phục vụ, định hướng thị trường và chịu sự giám sát của xã hội. Công cuộc cải cách hành chính bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Theo đó, hệ thống đã được tinh giản, mối quan hệ giữa các bộ phận của Nhà nước dần được mạch lạc và quyền lực được kiểm soát theo pháp luật. Hệ thống công chức được tuyển dụng và đạo tạo có chuyên môn nghiệp vụ tương đối phù hợp, hoạt động theo tinh thần “gần dân”.

Thứ ba, về mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp, theo đó, các doanh nghiệp được tự do làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, đây là một nguyên tắc điển hình trong Nhà nước pháp quyền. Theo đó, mọi giới hạn của quyền tự do kinh doanh vì những mục tiêu hiến định đều phải được tiến hành theo những trình tự và thủ tục pháp lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, động lực phát triển của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước trong kinh tế thị trường phải bảo vệ và bảo hộ cạnh tranh công bằng, chống và cấm mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp làm méo mó thị trường cạnh tranh.

Khả năng áp dụng mô hình Nhà nước kiến tạo ở Việt Nam

Quả thực, không có mô hình mẫu và giá trị duy nhất của Nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, với những tiền đề cơ bản nêu trên, Việt Nam đang có một số tiền đề ban đầu để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, Nhà nước kiến tạo cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều yêu cầu, nguyên tắc và phương pháp tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước để đáp ứng khả năng áp dụng mô hình này ở Việt Nam. Những khả năng đó, thực sự là những đòi hỏi mà Việt Nam cần đạt được.

Thứ nhất, về nhận thức

Nhận thức về nhu cầu và yêu cầu của xây dựng Nhà nước kiến tạo ở Việt Nam vẫn chưa trở thành nhận thức chung trong xã hội, thậm chí, cả trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Cuộc cách mạng này vẫn còn đang ở phía bên trên, chưa thấm sâu vào đời sống thực tiễn. Bởi lẽ, ngay trong chính một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức chưa thay đổi được nhận thức từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, chưa thay đổi sang một Nhà nước kiến tạo thay vì Nhà nước quản lý.

Xa hơn nữa, đến nay, Đảng và Nhà nước ta cũng chưa minh định rõ nhu cầu và yêu cầu phải xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển. Ngay cả trong Hiến pháp, mặc dù đã trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận một số yếu tố liên quan đến Nhà nước kiến tạo phát triển, song nhìn chung, vai trò và chức năng kiến tạo phát triển của Nhà nước trong xã hội pháp quyền Việt Nam là chưa thực sự rõ.

Thứ hai, về hệ thống chính trị

Nhà nước Việt Nam tồn tại và hoạt động dưới sự lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng cầm quyền theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất và theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vấn đề đặt ra là:

- Nếu chưa có sự ghi nhận trong các nghị quyết của Đảng và cũng chưa được luật hóa thì liệu Nhà nước có thể “chủ động” thực hiện các phương thức kiến tạo phát triển. Nhà nước kiến tạo phát triển là một Nhà nước năng động, linh hoạt và có trách nhiệm giải trình. Vì vậy, sự rành mạch giữa quyền lực lãnh đạo và quyền lực kiến tạo cần được làm rõ.

- Trong một Nhà nước kiến tạo thì vai trò của Chính phủ luôn là vị trí trung tâm. Đây là nơi chủ yếu hoạch định chính sách và kiến tạo, sáng tạo phát triển, vì vậy, liệu có sự ngăn cản độc lập và sáng tạo của Chính phủ trong kiến tạo phát triển khi Chính phủ chỉ là “cơ quan chấp hành của Quốc hội Việt Nam”.

- “Tập trung dân chủ” là nguyên tắc chủ đạo trong quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa sinh thời. Ngày nay, Nhà nước mà Việt Nam xây dựng là Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và kiến tạo phát triển. Theo đó, Nhà nước là Nhà nước phục vụ và cầm lái, tiếng nói của người dân và xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách của Nhà nước. Trong khi, giá trị đích thực của tập trung dân chủ theo các khuôn mẫu của Nhà nước pháp quyền hiện tại vẫn còn khá mờ nhạt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, cần tính đến những nguyên tắc khác áp dụng trong tổ chức và quản trị một Nhà nước kiến tạo phát triển.

Thứ ba, sự can thiệp của Nhà nước

Theo kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, Nhà nước cần can thiệp đúng quy luật, quyết định mọi chính sách kinh tế, tạo nền tảng và điều kiện tốt để cho kinh tế phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, ở một số lĩnh vực, Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế. Ví dụ như việc quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại Điều 4 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo “Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.” đã làm hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo của thương nhân trên thực tế.

Chính vì vậy, Nhà nước cần bớt can thiệp và “làm hộ” mà hãy tạo điều kiện để cho các ngành kinh tế phát triển. Nhà nước cần đưa ra những quyết sách kinh tế thông minh, phù hợp với hoàn cảnh để tạo nên sự đột phá về kinh tế, cần can thiệp đúng quy luật và phải xây dựng một bộ máy dân chủ có năng lực đủ khả năng đưa ra những quyết sách. Để làm được việc này, chúng ta cần cải tổ bộ máy, chỉ khi có một bộ máy với những công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn và làm việc trong môi trường dân chủ, thì mới đưa ra được những quyết sách đúng đắn. 

Thứ tư, Nhà nước kiến tạo phát triển                                                                            

Một Nhà nước kiến tạo phát triển phải là một Nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc Nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng, pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc áp dụng các chế tài của pháp luật nặng với dân, mà nhẹ với quan là không thể chấp nhận được. Đây cũng đang là một trong những nút thắt trong xây dựng Nhà nước kiến tạo ở Việt Nam hiện nay.

Thứ năm, Nhà nước kiến tạo phát triển và cạnh tranh

Nhà nước kiến tạo phát triển cũng là một Nhà nước cần biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài. Tất nhiên, cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những quan chức này. Trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng đang hướng tới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự khởi đầu mà chưa có nhiều kết quả tích cực.

==========================================
1. Hiến pháp 2013;
2. Vũ Công Giao, Nhà nước kiến tạo phát triển - Lý luận và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, H.2017, tr.20;
3. Richard Boyd and Tak-Wing Ngo, eds (2005), Asian States Beyond The Developmental Perspective, Routledge, tr.1;
4. Nguyễn Thị Tố Uyên; Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam,
https://tcnn.vn/news/detail/43299/Xay-dung-nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-o-Viet-Nam.html;
5. Vũ Công Giao; Nhà nước kiến tạo phát triển: Mô hình và triển vọng,
https://cchc.khanhhoa.gov.vn/vi/nghien-cuu-binh-luan/nha-nuoc-kien-tao-phat-trien-mo-hinh-va-trien-vong.

LÊ HIỀN

/phap-luat-moi-truong-doi-voi-doanh-nghiep.html