/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề lý luận về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Một số vấn đề lý luận về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

23/12/2024 23:02 |

(LSVN) - Một trong những chế định nhân đạo được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS)  đó là “tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Đây là chế định quan trọng và lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015. Việc quy định biện pháp này trong chính sách pháp luật hình sự có giá trị thực tiễn và nhân văn sâu sắc, giúp người phạm tội tự sửa đổi, nhìn nhận ra lỗi lầm phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Mặt khác, khẳng định, đề cao quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013, là sự phù hợp của pháp luật trong xu thế hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, về các trường hợp không áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Tại khoản 2 Điều 66 BLHS quy định không áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với các loại tội phạm gồm:

- Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;

- Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Qua nghiên cứu lý luận về tội phạm, có thể thấy mỗi loại tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm đối với xã hội là khác nhau và được phân loại tại Điều 9 BLHS gồm tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với các khung hình phạt theo thứ tự tăng dần. Do vậy, không phải bất cứ loại tội phạm, người phạm tội nào cũng được hưởng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Về các loại tội phạm không được hưởng chế định này theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 66 BLHS đã cho thấy sự nghiêm minh, chính sách khoan hồng của pháp luật đối với các loại tội phạm. Tuy nhiên, tác giả thấy rằng, việc giới hạn các loại tội phạm không được hưởng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo điểm a khoản 2 Điều 66 BLHS vẫn còn những kẽ hở bộ lộ hạn chế, thiếu sót nhất định, chưa thực sự phát huy hết hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tác giả xin dẫn chứng ba trường hợp như sau:

Một là, đối với tội giết người do cố ý, tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, xâm phạm và tước đoạt quyền sống của người khác.

Hai là, đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi hoặc các tội cưỡng dâm, dâm ô người dưới 16 tuổi …, hành vi phạm tội đã xâm phạm quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục đồng thời, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của trẻ em.

Đối với các tội này thì chỉ khi bị xử phạt 10 năm tù trở lên mới không được hưởng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, còn nếu người phạm tội bị kết án phạt tù dưới 10 năm mà đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS và được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP thì họ vẫn có thể được áp dụng biện pháp này.

Ba là, đối với các tội phạm về ma túy, ngoài việc xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của Nhà nước đối với các chất ma túy, các tội phạm về ma túy còn xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và sự phát triển bình thường của giống nòi dân tộc. Tại điểm a khoản 2 Điều 66 BLHS quy định chỉ khi người phạm tội bị xử phạt 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 248 (tội sản xuất trái phép chấp ma túy), điều 251(tộ mua bán trái phép chất ma túy) và điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) mới không được hưởng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đối với các tội khác như tội tràng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257)… nếu như đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS thì vẫn có thể được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Vậy, nếu xét tha tù trước thời hạn có điều kiện trong trường hợp phạm tội nêu trên có bảo đảm phát huy hiệu quả phòng, ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm hay không. Thông thường, đối với các loại tội phạm nêu trên khi có đủ điều kiện và được Trại giam, Cơ quan THAHS lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện thì các Hội đồng phiên họp Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu có thể sẽ viện dẫn khoản 7 Điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP “Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp phạm tội về ma túy, tham nhũng, phạm tội có tổ chức, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm” để ra quyết định không chấp nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với trường hợp này. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào về quy định “không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” hiện nay chưa có văn bản nào quy định, việc xác định chủ yếu xuất phát từ tính tùy nghi, chính vì vậy, cùng một vụ việc nhưng ở mỗi địa phương sẽ có những quan điểm đánh giá, áp dụng khác nhau.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi khoản 2 Điều 66 BLHS về các trường hợp không áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện bảo đảm phát huy hiệu quả nguyên tắc “nghiêm trị nhưng vẫn có sự khoan hồng” đối với mọi loại tội phạm.

Thứ hai, về việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách của người dưới 18 tuổi được tha tù trước thời hạn có điều kiện

Theo quy định của BLHS thì chế tài áp dụng khi người đã thành niên và người chưa thành niên vi phạm là khác nhau. Trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên luôn thấp hơn đã thể hiện rất cụ thể tại phần chung của BLHS. Tác giả phân tích dẫn chứng sau để làm rõ quy định xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người chưa thành niên và khi người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ trong mối tương quan so sánh với người đã thành niên là chưa thực sự phù hợp.

Cụ thể, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 thì “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

So với quy định trên của BLHS năm 1999, khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự của đối tượng này, theo đó, người ở độ tuổi này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thuộc 4 nhóm tội phạm gồm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

Từ phân tích trên, đối chiếu vào quy định Điều 106 BLHS về việc tha tù trước hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi quy định “ 1. Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật này có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phạm tội lần đầu; b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; c) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; d) Có nơi cư trú rõ ràng.

2. Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 66 của Bộ luật này. Và tại Điều 4 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định “Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 66 của BLHS có thể được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có các điều kiện được hướng dẫn tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết này; 2. Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù”.

Như vậy, quy định có lợi cho người dưới 18 tuổi so với người đã đủ 18 tuổi trở lên đó là “người dưới 18 tuổi đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù”; “không yêu cầu điều kiện phải chấp hành xong hình phạt bổ sung” và không yêu cầu phải có điều kiện “đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù”.

Tuy nhiên, thuộc trường hợp hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện khi vi phạm nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 01/2018 áp dụng với người dưới 18 tuổi trong một số trường hợp sẽ không bảo đảm tính công bằng, chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi sửa chữa sai lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Nghiên cứu quy định những trường hợp bị coi là cố ý vi phạm nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP, tác giả thấy rằng, về hậu quả khi cố ý vi phạm nghĩa vụ thì người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể sẽ bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đó theo quy định tại khoản 1 Điều 5 nghị quyết. Việc xác định như thế nào là cố ý vi phạm nghĩa vụ đã được thể hiện tại Điều 2 Nghị quyết, theo tác giả, với một số nghĩa vụ nghị quyết đưa ra khi áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên thì phù hợp nhưng để áp dụng với người dưới 18 tuổi thì chưa thực sự bảo đảm tính khách quan, chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, hơn nữa người dưới 18 tuổi thuốc nhóm đối tượng nhận thức chưa phát triển toàn diện, dễ tổn thương và có những hành vi chưa chuẩn mực khi đối diện với các vấn đề trong cuộc sống, xã hội.

Cụ thể, đối với các nghĩa vụ quy định tại điểm e, g nghị quyết quy định “e) hàng tháng không báo cáo với người được phân công quản lý, giáo dục về tình hình học tập, lao động, rèn luyện và sự tiến bộ của mình”, “g) Định kỳ 03 tháng không báo cáo bằng văn bản việc chấp hành các quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi về cư trú, làm việc”. 

Hai nghĩa vụ nêu trên, giả thiết có vi phạm xảy ra thì hậu quả vi phạm gây ra chưa đến mức để hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người dưới 18 tuổi được tha tù trước thời hạn có điều kiện, mặc dù quy định áp dụng này là quy định tùy nghi, có thể áp dụng hoặc không áp dụng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Hơn nữa, để có đánh giá khách quan về sự rèn luyện, tiến bộ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách thì trách nhiệm đánh giá thuộc về cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ quản lý giám sát, nghĩa vụ tự báo cáo về sự tiến bộ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện xuất phát từ ý chí chủ quan của họ sẽ không bảo đảm tính khách quan. Với việc vi phạm các nghĩa vụ trên chỉ nên xem xét khiển trách và khi vi phạm sẽ không được rút ngắn thời gian thử thách ngay thì sẽ hợp lý hơn, phù hợp với nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội.  Chính vì vậy, trong thời gian tới cần sửa đổi theo hướng đó là quy định riêng về các trường hợp người dưới 18 tuổi cố ý vi phạm nghĩa vụ sẽ bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Thứ ba, về thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

Khoản 4 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cư trú, làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung”.

Theo quy định trên thì khi thuộc trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung. Nghiên cứu quy định này, tác giả thấy rằng việc quy định thời hạn tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung là chưa hợp lý mà nên quy định một thời hạn cụ thể nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, bên cạnh đó góp phần giải quyết vụ việc bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, tránh kéo dài, gây mất nhiều thời gian không cần thiết.

Và tại khoản 5 Điều 65 Luật Thi hành án hình sự (THAHS) quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách có trụ sở”.

Tác giả thấy rằng, tại khoản 8 Điều 368 BLTTHS năm 2015 về gửi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định cho phạm nhân, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đã lập hồ sơ đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cấp quân khu, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở”.

Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 65 Luật THAHS quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án là chưa đầy đủ và không thống nhất với khoản 8 Điều 368 BLTTHS năm 2015.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, kiến nghị bổ sung một số tội phạm không được áp dụng biện pháp này gồm tội giết người (Điều 123); tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 144); tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145); tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 153) (không phụ thuộc bị kết án bao nhiêu năm tù). Bổ sung tội tràng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) và tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257) vào một trong các tội khi bị kết án 07 năm tù trở lên thì không được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể hơn, theo hướng có lợi khi áp dụng biện pháp này đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi khi thuộc trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách như tác giả đã phân tích và trích dẫn ở trên.

Thứ ba, về thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo khoản 4 Điều 65 Luật THAHS. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định “trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung” thành “trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, thời hạn bổ sung hồ sơ là 15 ngày tính từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án. Sau khi nhận được hồ sơ bổ sung, trong thời hạn 03 ngày, Tòa án phải mở phiên họp theo quy định”.

Thứ tư, việc gửi quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cần quy định thống nhất giữa khoản 5 Điều 65 Luật THAHS với khoản 8 Điều 368 BLTTHS năm 2015.

PHÙNG HOÀNG

                   Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1