(LSO) - Trong trường hợp có căn cứ chứng minh việc tạo lập các giao dịch mua bán lan đột biến ảo và phát tán trên mạng… với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động rửa tiền, kinh doanh đa cấp… thì không chỉ sẽ bị xử lý theo các quy định tương ứng của pháp luật đối với hành vi đó mà còn là hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng.
Từ xưa, chăm hoa, chơi hoa là thú vui tao nhã, cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều rằng: Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, lúc chờ trăng lên. Trong các loài hoa, lan được coi là thứ hoa quyền quý, chơi hoa lan là thú chơi của giới quý tộc. Ngày nay, việc chơi lan, mua bán, kinh doanh lan không chỉ còn là thú vui mà đã là cơ hội để kinh doanh, phát triển kinh tế của một số người. Nhiều người cũng đã bỏ số tiền lớn vào lan đột biến với ước vọng làm giầu.
Hoạt động trên không gian mạng hiện nay không còn là hoạt động “ảo” mà đã tác động trực tiếp, sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, thậm chí đã giữ vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận, tạo ra các trào lưu trong xã hội… Mạng xã hội đã được những người yêu lan, chơi lan, mua bán lan triệt để khai thác, sử dụng.
Thời gian vừa qua trên các mạng xã hội như zalo, facebook… xuất hiện rất nhiều video, clip, bài viết phản ánh nhiều giao dịch mua bán lan đột biến có giá trị đến nhiều tỉ đồng/một mầm lan, thậm chí hình thành nhưng chợ lan trên mạng với mỗi phiên giao dịch đến hàng chục hàng trăm sản phẩm được giao dịch với tổng giá trị rất lớn. Tính xác thực của các giao dịch đó, giá trị thật của các giao dịch được thể hiện trên mạng xã hội, mục đích thật sự của việc tạo ra và phát tán các thông tin đó… Đây là những vấn đề mà các cơ quan chức năng cần quan tâm và có giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo quyền lợi các bên, tránh gây hoang mang dư luận xã hội; ngăn ngừa hành vi phạm pháp luật có thể đã làm méo mó, biến dạng một thú vui tao nhã. Thậm chí cơ quan Công an đã phải đưa ra các khuyến cáo đối với người dân.
Trước hết, phải khẳng định việc sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, chia sẻ, quảng bá hoạt động trồng, chăm sóc, mua bán, kinh doanh hoa lan không bị hạn chế và phù hợp pháp luật.
Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật An ninh mạng năm 2019 quy định thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa bị xác định là thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác là đối tượng phòng ngừa, xử lý trên không gian mạng (Điều 16).
Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật (Điều 18).
Do đó, nếu có việc tạo ra, việc đăng tải các video, clip, bài viết trên mạng xã hội có nội dung thể hiện hoạt động mua bán lan đột biến nhưng không có thật (giao dịch ảo), các giao dịch được dàn dựng người mua, người bán, giả tạo về giá mua bán.. và được tung lên mạng với bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật An ninh mạng.
Nếu có việc đồng nhất, quảng bá gian dối về bản chất, nguồn gốc lan đột biến từ tự nhiên và lan đột biến do cấy ghép, nhân bản từ công nghệ sinh học là hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.
Trong trường hợp có căn cứ chứng minh việc tạo lập các giao dịch mua bán lan đột biến ảo và phát tán trên mạng… với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động rửa tiền, kinh doanh đa cấp… thì sẽ bị xử lý theo các quy định tương ứng của pháp luật đối với hành vi đó ngoài việc vi phạm quy định của Luật An ninh mạng.
Để quản lý hoạt động giới thiệu, quảng bá việc trồng, chăm sóc, mua bán, kinh doanh hoa lan nói chung, lan đột biến nói riêng trên các mạng xã hội, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cần nhiều giải pháp đồng bộ trong đó cần chú trọng.
Thứ nhất, Cơ quan chức năng cần kiểm soát tính xác thực của các video, clip, bài viết phản ánh hoạt động liên quan đến lan đột biến đặc biệt liên quan đến hoạt động mua bán, và độ qúy, hiếm, độc, đắt của lan đột biến được đưa lên mạng.
Thứ hai, Cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hoạt động liên quan việc mua bán lan đột biến, từ đó thu thuế theo quy định. Pháp luật quy định chủ vườn, người bán là người có đăng ký kinh doanh sẽ bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT.
Đối với cá nhân không có đăng ký kinh doanh khi mua đi, bán lại hoa lan và sinh lời từ việc mua bán, về nguyên tắc đây cũng là hoạt động kinh doanh và đã tạo ra thu nhập bất thường. Do vậy, cũng cần phải xem xét đánh thuế trong trường hợp này. Nếu do quy định của pháp luật Thuế chưa rõ ràng, thiếu cụ thể để các bên lợi dụng trốn thuế cần hoàn thiện, bổ sung pháp luật về Thuế. Tránh trường hợp lợi dụng việc không bị nộp Thuế để tạo lập các giao dịch ảo với giá trị nhiều tỉ đồng phục vụ động cơ, mục đích bất chính.
Thứ ba, cần công khai và thông tin để người dân biết về bản chất của hoa lan đột biến; phân biệt giữa lan đột biến tự nhiên và lan đột biến do nhân bản, cấy ghép bằng công nghệ sinh học.
Thứ tư, cần tuyên truyền để người dân đặc biệt là nông dân, chủ vườn các thông tin về lan đột biến, giá trị thật của lan đột biến. Vì xét cho cùng chính chủ vườn, những người nông dân, người mới tham gia do bị lôi kéo, dụ dỗ là nạn nhân cuối cùng, và rằng chúng ta đã có quá nhiều bài học đau xót từ cây cảnh, cây giống, con giống…
Luật sư TRẦN VĂN AN Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang |