/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng là bí mật được pháp luật bảo vệ

Thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng là bí mật được pháp luật bảo vệ

28/05/2021 09:18 |

(LSVN) - Bí mật đời tư cá nhân được pháp luật ghi nhận bảo đảm và bảo vệ, thông tin bí mật đời tư cá nhân chỉ bị hạn chế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Bởi vậy, hành vi vi phạm bí mật đời tư cá nhân, thông tin cá nhân trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng thì tùy vào tính chất mức độ mà sẽ bị xem xét kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân

Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cụ thể như sau:

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Quy định về bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Tổ chức chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật thông tin của ngân hàng hiện nay đã được quy đinh tại nhiều văn bản pháp luật. Việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng nếu không được khách hàng đồng ý hoặc không thuộc các trường hợp pháp luật cho phép là hành vi vi phạm quy định cung cấp thông tin khách hàng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của ngân hàng. Cụ thể, Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định bảo mật thông tin như sau:

-  Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Như vậy, đối với các tổ chức, cá nhân thì có nghĩa vụ giữ gìn bí mật đời tư cá nhân của người khác, thông tin nhân thân của người khác. Trong các quan hệ dân sự, kinh tế thì các bên phải có nghĩa vụ tôn trọng các thông tin trong hợp đồng, giao dịch. Việc tiết lộ các thông tin này phải trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chỉ có các cơ quan bảo vệ pháp luật mới có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin để họ thực hiện các hoạt động tố tụng cũng như thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Ví dụ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của tổ chức, cá nhân để phục vụ cho quá trình xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự hoặc trong các vụ án dân sự, hành chính, lao động phải kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật tố tụng và các văn bản khác có liên quan.

Trách nhiệm pháp lý

Ngoài các trường hợp pháp luật cho phép thu thập thông tin cá nhân của người khác theo trình tự thủ tục luật định thì người nào lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng việc quản lý thông tin để chia sẻ, đánh cắp, chiếm đoạt hoặc làm lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thư tín, điện tín của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng với các tổ chức tín dụng được thực hiện theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cụ thể theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP thì:

Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Nghị định số 117/2018/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin khách hàng (Điều 8), hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng (Điều 9), đồng thời quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan Nhà nước, tổ chức khác, cá nhân (Điều 15).

Như vậy, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng phải được bảo mật tuyệt đối, trừ các trường hợp pháp luật quy định được phép cung cấp để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc các hoạt động pháp lý khác theo quy định pháp luật. Bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng, các cơ quan, tổ chức này không được tự ý tiết lộ thông tin khách hàng ra bên ngoài hay thực hiện bất kì hành vi bất chính nào như việc trục lợi, sử dụng trái phép, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin đó. Việc làm lộ thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng có thể gây nguy hiểm cho khách hàng, thiệt hại đến tài sản của khách hàng, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của khách hàng. Bởi vậy đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu trao đổi, mua bán từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về nguyên tắc thì ngoại trừ các trường hợp pháp luật quy định cho phép được cung cấp thông tin khách hàng thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép làm lộ thông tin khách hàng. Đồng thời, Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng có quy định để khách hàng có thể bảo vệ mình trong trường hợp có vi phạm xảy ra, theo đó, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật.

Về chế tài, trong trường hợp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng bị tiết lộ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người làm lộ thông tin bí mật của khách hàng có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt hành chính, theo Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần đối với trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân của người tiêu dùng.

Trường hợp người có hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể như sau:

Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, với hành vi mua bán, trao đổi, công khai hóa thông tin tài khoản ngân hàng của người khác thì với số tài khoản từ 20 tài khoản trở lên thì đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, người vi phạm có thể phải chịu mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù nếu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chế tài này được áp dụng đối với những người quản lý tài khoản ngân hàng, còn đối với những trường hợp mà không có chức năng quản lý nhưng đã truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt thông tin thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 289 về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có khách hàng vi phạm pháp luật đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có trách nhiệm phải trình báo tố giác tội phạm, gửi đơn thư văn bản, tài liệu cho cơ quan điều tra để vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là nghĩa vụ của công dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, nghĩa vụ tố giác tội phạm và thực hiện quyền tố cáo, tố giác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc tố cáo khách hàng đến cơ quan điều tra ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức tín dụng. Nhưng nếu quá trình hoạt động nghề nghiệp tài chính, ngân hàng mà cán bộ, nhân viên các tổ chức tín dụng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng không trình báo tố giác tội phạm thì có thể bị xử lý về tội "Không tố giác tội phạm" hoặc tội "Che giấu tội phạm".

YÊN NHI

Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý để áp dụng hộ chiếu vaccine

Lê Minh Hoàng